Tồn kho sản phẩm chưng cất ở Mỹ thấp nhất một thập kỷ
Diesel là nhiên liệu phổ biến dùng cho các tàu chở dầu, tàu hỏa và xe tải. Loại nhiên liệu này cũng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp từ nông nghiệp, sản xuất chế tạo, kim loại và khai thác mỏ.
Ông Patrick De Haan, Trưởng bộ phận Phân tích dầu khí tại Công ty Phát triển nền tảng thông tin nhiên liệu GasBuddy (Mỹ) đánh giá: "Diesel là nhiên liệu cung cấp năng lượng cho nền kinh tế", nên giá diesel tăng cao "chắc chắn sẽ khiến hàng hóa đắt đỏ hơn" bởi chi phí nhiên liệu tăng lên sẽ được chuyển sang tay người tiêu dùng.
Dầu diesel tăng giá xuất phát từ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và đưa hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Điều này đã khiến lượng diesel dự trữ tại các kho xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Các sản phẩm như dầu diesel, dầu sưởi (dầu truyền nhiệt) và nhiên liệu máy bay được gọi là "sản phẩm nhiên liệu chưng cất trung bình" bởi chúng được tạo ra ở giữa dải sôi khi dầu được chuyển thành thành phẩm.
Tồn kho chưng cất dầu mỏ của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tình hình thậm chí còn cực đoan hơn ở Bờ Đông, nơi có lượng dự trữ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1996. Theo ghi nhận của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sĩ), nhiên liệu diesel và nhiên liệu máy bay tại cảng New York đang giao dịch trên 200 USD/thùng.
Việc châu Âu cương quyết thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn năng lượng từ Nga kể từ khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, đã khiến giá nhiên liệu tăng nhanh chóng. Châu Âu hiện nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga, theo ông Stephen Brennock, nhà phân tích dầu mỏ tại Công ty môi giới PVM.
"Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi EU đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga", ông Stephen Brennock nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, nếu lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được thông qua, nó sẽ gây ra tác động lớn đến các thị trường dầu mỏ thành phẩm, đặc biệt là dầu diesel… "Hiện nay, mối lo châu Âu cạn kho dầu diesel ngày càng lớn", chuyên gia của PVM lưu ý.
Đồng quan điểm, Công ty Tư vấn năng lượng Rystad cũng đánh giá rằng, việc thiếu hụt các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga sẽ khiến tình trạng thiếu hụt dầu diesel ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn.
Các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Âu không thể tăng sản lượng thêm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng bởi họ đã hoạt động trên 90% công suất. Trong khi đó, công suất lọc dầu tại Mỹ đã giảm sút trong những năm gần đây. Philadelphia Energy Solutions - khu phức hợp lọc dầu lớn nhất ở Bờ Đông nước Mỹ - đã phải đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn vào tháng 6/2019.
Mặt khác, một số nhà máy lọc dầu đang được tái cấu trúc để hướng đến sản xuất nhiên liệu sinh học, nên công suất chung đã giảm. Còn một số nhà máy lọc dầu khác đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ sau khi lỡ tiến độ do đại dịch Covid-19. Các cơ sở lọc dầu này thường hoạt động hết công suất 24/7, nên việc bảo dưỡng máy móc định kỳ luôn được ưu tiên.
Theo ông De Haan từ Công ty GasBuddy, Bờ Đông nước Mỹ hiện phụ thuộc rất nhiều vào các khu vực khác của nước này để sản xuất các sản phẩm tinh chế. Trong khi đó, châu Âu đang tích cực tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế khi quay lưng với thị trường Nga.
Giá diesel ở mức "không tin nổi"
Câu nói phổ biến trên các thị trường hàng hóa là "phương pháp chữa lành cho thị trường giá lên chính là giá lên". Nhưng liệu pháp này sẽ không phát huy tác dụng trong bối cảnh hiện nay. Theo Ngân hàng đầu tư UBS, nhu cầu sản phẩm chưng cất dầu mỏ thường ít co giãn hơn so với xăng.
Nói cách khác, về lý thuyết thì khi giá nhiên liệu bơm tại trạm tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng, nhưng nếu một doanh nghiệp cần chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B, họ sẽ buộc chấp nhận giá diesel tăng cao và chuyển chi phí nhiên liệu vào giá cả hàng hóa.
Ông Tom Kloza, Trưởng bộ phận Nghiên cứu năng lượng toàn cầu tại Công ty cung cấp thông tin giá dầu OPIS (Mỹ), cho biết những năm trước đây, một thùng dầu diesel thường được bán cao hơn khoảng 10 USD so với giá dầu thô, nhưng hiện nay, mức chênh lệch đã lên mức kỷ lục trên 70 USD.
Chuyên gia này cho biết thêm, dầu diesel tại bến cảng New York đang được giao dịch ở mức 5 USD/gallon, trong khi giá nhiên liệu máy bay - một thước đo tham chiếu giá diesel - đã tăng lên mức 6,72 USD/gallon và điều này đồng nghĩa mỗi thùng nhiên liệu máy bay có giá khoảng 282 USD. Đây là những con số nằm ngoài các bảng giá và "thật đáng kinh ngạc", ông Kloza lưu ý.
Giá diesel bán lẻ cũng đang tăng mạnh. Tại Mỹ, sau một tuần tăng liên tục, giá diesel trung bình đã leo thang kỷ lục lên mức 5,51 USD/gallon vào ngày 6/5, theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA).
Giá xăng dầu tăng vọt sẽ tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa đi lên và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Đây sẽ là cú sốc kép đối với người tiêu dùng trong những tuần và tháng tới do giá dầu diesel được chuyển sang tay người tiêu dùng thông qua giá bán hàng hóa.