Đua nhau ra dự án
Thị trường đất nền sôi động nhất là tại Long An, khi địa phương này liên tục xuất hiện các dự án mới được giới thiệu ra thị trường. Có thể kể đến Dự án Khu dân cư Phúc Đông Ecohome (huyện Đức Hòa) do Công ty Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Việt Phúc làm chủ đầu tư. Dự án có 45 nền, với diện tích 100 tới 200 m2, giá được đưa ra từ 8 tới 15 triệu đồng/m2.
Trong mức giá tầm 1 tỷ đồng/nền còn có Dự án Đức Hòa New City (xã Hữu Thạnh), do Công ty TNHH An Nông Land làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 3,01 ha, với 177 nền, diện tích mỗi nền từ 85 m2 trở lên.
Một dự án khác đang được mở bán mang tên Khu dân cư Quốc Linh - The Diamond City tại xã Hữu Thạnh, có diện tích 10 ha, giá bán được đưa ra khoảng 2 tỷ đồng/nền, với diện tích 80 m2.
Nhiều tháng nay, Dự án King Hill Residences (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) vẫn loay hoay tìm kiếm khách hàng. Dự án do Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Xuất nhập khẩu Đạt Thuận Phát làm chủ đầu tư, với diện tích 9,5 ha, giá bán hơn 2 tỷ đồng/nền. Dự án này được bán ra thị trường từ tháng 3/2024, nhưng tới nay vẫn còn khá nhiều sản phẩm chưa giao dịch.
Tại TP.HCM, các dự án phân lô bán nền cũng bắt đầu xuất hiện trở lại, như Dự án River Town, có tổng diện tích 2 ha, với 115 lô đất nền diện tích 80 - 120 m2 tại huyện Củ Chi, giá bán từ 1,3 tới hơn 2 tỷ đồng/nền.
Sau giai đoạn phục hồi ngắn đầu năm nay, đất nền khu vực phía Nam có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt với cả giao dịch và nhu cầu tìm kiếm. Lượt tìm kiếm có xu hướng đi ngang, giao dịch giảm xuống.
Cũng tại huyện Củ Chi, dự án đất nền thuộc khu dân cư Tân Phú Trung đang được mở bán 96 nền, diện tích từ 100 tới 200 m2/nền, giá bán trên 3 tỷ đồng/nền.
Tỉnh Bình Dương có số lượng dự án đất nền mở bán mới xuất hiện khá nhiều. Đơn cử, Dự án Khu đô thị RichHome2 (Bến Cát) do Công ty Kim Oanh Group làm chủ đầu tư, có diện tích 5,5 ha, với dòng sản phẩm đất nền, nhà phố. Giá bán tại dự án này khá cao, ở mức trên 30 triệu đồng/m2.
Giá “mềm” phải kể tới Dự án 5F Stella (huyện Phú Giáo), do Công ty TNHH Huy FC Trường An làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 5,9 ha với 389 nền đất nhà phố, diện tích đa dạng 70 - 168,2 m2. Giá bán từ 1 tới hơn 2 tỷ đồng/nền.
Hay như Dự án Tân Uyên Central Point tại thị xã Tân Uyên, có diện tích 40.937,8 m2, gồm 225 nền, diện tích từ 70 tới 170 m2, do Công ty TNHH Thương mại bất động sản Dương Tiến Phát làm chủ đầu tư, giá bán được đưa ra trên 2 tỷ đồng/nền.
Ngoài ra, còn hàng chục dự án khác như Khu dân cư PVD Bình Chuẩn (Bình Dương), Khu đô thị Phúc Đạt Gold City (Bình Dương), nhà phố thương mại New Land Bàu Bàng, đất nền Luxcity Thủ Dầu Một… cũng đang được mở bán.
Theo báo cáo mới nhất của bộ phận nghiên cứu thị trường DKRA Group, trong quý II/2024, phân khúc đất nền tại phía Nam có tới 78 dự án mở bán, với hơn 6.500 nền, tăng 5% với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỉnh Bình Dương chiếm 34,2% số lượng hàng mở bán; Long An chiếm 25,3%; Đồng Nai chiếm 22,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 8,3%; TP.HCM chiếm 7,9%; Tây Ninh chiếm 2,2%...
Khách hàng vẫn hững hờ
DKRA Group cho biết, dù số lượng mở bán khá lớn (hơn 6.500 nền), nhưng chỉ có 184 nền được ghi nhận giao dịch thành công.
Ông Lê Tuấn, Giám đốc Công ty Bất động sản Phương Nam (Long An) cho biết, ông đang tham gia bán 3 dự án đất nền tại Long An. Trong quý II, doanh nghiệp chỉ bán được 6 nền; từ tháng 7 tới nay, dù có hơn 10 nhân viên môi giới, nhưng chỉ bán được 3 nền.
“Chủ đầu tư các dự án đất nền đã tung khá nhiều gói kích cầu, tổ chức cả những chương trình tọa đàm, nhận diện tiềm năng thị trường, kèm theo chính sách thanh toán, chiết khấu bán hàng, nhưng giao dịch vẫn không bằng các tháng đầu năm”, ông Tuấn nhận xét.
Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, sau giai đoạn phục hồi ngắn đầu năm nay, đất nền khu vực phía Nam đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt với cả giao dịch và nhu cầu tìm kiếm. Lượt tìm kiếm có xu hướng đi ngang, còn giao dịch thì giảm xuống.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng chỉ ra nguyên nhân đất nền đang không hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là nhóm chuyên mua đầu tư đất nền cảm thấy lợi nhuận chưa hấp dẫn, nên chọn tiếp tục chờ đợi thay vì xuống tiền. Thị trường mất đi nhóm mua chính, kéo theo giao dịch đi xuống.
Nguyên nhân nữa, đó là trong thời gian thị trường sôi động năm 2019 - 2020, nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư phân khúc đất nền, tuy nhiên tới nay đang mắc kẹt dòng tiền tại đây vì chưa thể thoát hàng. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đã quay lưng lại với phân khúc này.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho rằng, giá bán ở các dự án mới mở bán đã tăng từ 20 tới 30% so với các dự án trước đó. Trong khi giới đầu tư chưa phục hồi về dòng tiền đầu tư trong thời gian khủng hoảng tài chính năm 2022 và 2023. Chưa kể, đà phục hồi của đất nền luôn chậm hơn so với các loại hình bất động sản khác, do đây vẫn là phân khúc phục vụ nhu cầu mua đầu tư là chính.
Trước việc thị trường giao dịch chậm, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong thời gian tới sẽ cố gắng hạ giá sản phẩm bằng cách đưa ra các gói chiết khấu, hỗ trợ thanh toán dài hơn, mức thanh toán thấp hơn… để hút khách hàng về đầu tư dòng sản phẩm này.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại về chi phí cho phát triển dự án quá lớn, nhưng lượng hàng bán ra lại rất thấp. Chi phí mỗi tháng trong việc bán hàng, chi trả lương nhân viên và vận hành công ty, vay ngân hàng… kéo doanh nghiệp vào thế khó khăn.