Thị trường còn nhiều hàng tốt nhưng tạm ưu tiên quản trị rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều thành viên thị trường đều cho rằng, thời điểm hiện tại, quản trị rủi ro quan trọng hơn kỳ vọng kiếm lợi nhuận.
Ngành bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi. Ảnh: Thành Nguyễn. Ngành bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Người dè dặt, kẻ chờ thời

Thị trường vẫn chưa hình thành xu hướng rõ ràng và với những áp lực mạnh, tâm lý e ngại ảnh hưởng từ chiến sự tại châu Âu đang khiến nhiều nhà đầu tư thay đổi chiến lược của mình.

Trao đổi cùng người viết, chị Nguyệt, một nhà đầu tư cho biết, do chưa nhiều kinh nghiệm, nên giai đoạn thị trường đang tranh tối, tranh sáng như hiện tại, chị chủ yếu tập trung tìm điểm bán tốt để “chạy” các cổ phiếu đã có lợi nhuận, kể cả mới chớm và giữ tiền trong tài khoản.

“Năm ngoái mình theo sau các con sóng, nhanh chóng thoát hàng khi chỉ đạt lợi nhuận từ 4 - 6%. Nhưng năm nay có vẻ thị trường không dễ như vậy nữa, điều này cũng đã được khuyến cáo nhiều nên mình lo việc giữ vốn là số 1, sau đó mới tính chuyện kiếm lời”, chị Nguyệt cho biết.

Đây cũng là tâm lý chung của không ít nhà đầu tư khi trao đổi cùng người viết: đề cao chuyện giữ tiền hơn là kiếm lợi nhuận.

Từ một góc nhìn khác, theo anh Doanh, một nhà đầu tư Fn thì vào thứ Năm (ngày 3/3), dòng tiền trên thị trường tỏ ra khá “đoàn kết” khi tập trung vào mã lớn, trong đó phải kể đến việc kéo HPG tăng trần, thể hiện sự “đồng pha” với lực mua ròng của khối ngoại đang khá mạnh. Đây có thể sẽ là chỉ báo cho việc hoàn thành tích lũy và chuẩn bị cho những phiên tăng mạnh dù cần phải có thêm các phiên giao dịch khác để hình thành xu hướng. Do đó, việc canh mua khi thị trường đỏ lửa và canh bán khi thị trường “xanh” như ở giai đoạn trước đang không còn thích hợp. Giai đoạn hiện tại là lúc các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt để mua tích lũy cổ phiếu, đón trước làn sóng tăng giá.

“Quan trọng nhất lúc này theo tôi là phải cẩn trọng, quan sát kỹ các cổ phiếu mục tiêu, kết hợp với các yếu tố vĩ mô, bối cảnh trong và ngoài nước. Chỉ khi nào nhận rõ xu hướng mới quyết định xuống tiền vì thị trường chứng khoán Việt vẫn chi phối mạnh bởi yếu tố tâm lý, mà tình hình chung thì đang có khá nhiều điều tiêu cực, như chiến sự, lãi suất tăng…”, anh Doanh cho biết thêm.

Vẫn còn hàng tốt

Đánh giá về bối cảnh hiện tại, theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, việc duy trì sự thận trọng trong bối cảnh hiện tại là điều cần thiết, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không cần phải quá hoảng loạn hay bi quan về thị trường mà phải bán tháo cổ phiếu. Vì tác động trực tiếp của căng thẳng Nga - Ukraine tới nền kinh tế Việt Nam là không lớn.

Bên cạnh đó, thống kê lịch sử cũng chỉ ra rằng, các cuộc khủng hoảng như vậy chỉ tác động đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, thị trường thường tạo đáy trong khoảng 2 - 3 tuần và phục hồi trở lại ngay sau đó.

“Trong ngắn hạn nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục đầu tư. Hạn chế sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại. Nếu thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh có thể dần gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên các mã có sẵn trong danh mục và các mã được hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine”, bà Hiền cho biết.

Báo cáo Chiến lược thị trường - Đánh giá tác động của xung đột địa chính trị đối với các ngành kinh tế của VNDIRECT được đưa ra mới đây cũng nhận định về tác động của các biện pháp trừng phạt lên Nga, từ đó có những đánh giá đáng lưu ý về cơ hội cho các nhà đầu tư.

Theo Khối Phân tích VNDIRECT, các ngành có khả năng được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng bao gồm dầu khí, thép và phân bón. Mặt khác, các chuyên gia nhận thấy các tác động tiêu cực nhẹ đến mảng dầu ăn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và du lịch hàng không.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những ngành về xuất khẩu như: hàng tiêu dùng, nông sản… luôn là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam. Do đó, chứng khoán những ngành này có thể nói là tốt. Trước đây, cổ phiếu ngân hàng được xem là sáng giá nhưng tình hình hiện tại thì với cổ phiếu nhóm này, nhà đầu tư cần cẩn thận hơn vì tài chính thế giới đang chao đảo bởi trừng phạt dành cho Nga khá nặng nề, nhiều ngân hàng lớn của Nga bị đóng băng và ảnh hưởng tới nền tài chính toàn cầu.

Ông Hiếu cũng cho rằng, năm nay, chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng, những cổ phiếu xuất nhập khẩu ngoài hàng tiêu dùng, bất động sản sẽ chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, với các cổ phiếu của chủ đầu tư (bất động sản) có tiềm lực, uy tín, hoặc của các công ty xây dựng tốt lại vẫn có cơ hội tăng trưởng do thị trường đang dần hồi phục và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá tiềm năng trong năm 2022, nhất là với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu và tình hình kinh doanh tốt. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá tiềm năng trong năm 2022, nhất là với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu và tình hình kinh doanh tốt. Ảnh: Thành Nguyễn.

“Nhà đầu tư nên bình tĩnh với các biến cố trên thế giới, cần tìm cổ phiếu có uy tín, có báo cáo tài chính kiểm toán tốt, trong lĩnh vực có khả năng phát triển, tránh xa những lĩnh vực và doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Hơn lúc nào hết, đây không là lúc lo kiếm lợi nhanh mà nhà đầu tư phải đề cao việc bảo vệ tài sản của mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm, theo ông Phùng Trung Kiên, Nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc nhấn mạnh, “lạc quan trong thận trọng” là câu nói sẽ đúng cho cả năm 2022 và nhà đầu tư cần nhớ nằm lòng. Những “thợ săn” phải tăng cường hơn nữa việc bám sát thị trường hơn và quan sát cả tình hình vĩ mô để có được chiến lược đầu tư đúng đắn.

Về vĩ mô, ông Kiên cho biết thêm, trong 2 năm (2020 - 2021), Việt Nam đã hy sinh tăng trưởng để chống dịch, năm 2022 là năm kích thích và hồi phục kinh tế. Nhưng nhà đầu tư phải chú ý đến cả CPI, bởi xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ và điều này sẽ tác động lên thị trường. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng các chính sách này ở ta sẽ có độ trễ từ 3 - 6 tháng so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Về cổ phiếu tiềm năng, ông Kiên cho rằng vẫn có các ngành được hưởng lợi như: thép, xi măng, than, phân bón, bán lẻ… do nhu cầu hồi phục của nền kinh tế. Tùy khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư sẽ có thể có các lựa chọn riêng, trong đó, nếu chấp nhận rủi ro cao thì có thể lựa chọn các cổ phiếu tầm trung, thận trọng thì nên chọn các cổ phiếu đầu ngành.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ