Ngay khi tin tức về xung đột Nga – Ucraina được đưa ra, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên sáng 24/2 đã có một phen rung chuyển, tâm lý lo sợ này tiếp tục lan ra đến buổi chiều, khi có thời điểm VN-Index rơi mạnh, mất đến 37 điểm. Tuy nhiên, “tuồng” hay chưa dừng lại khi một lần nữa, vấn đề tâm lý lại cho thấy, chuyện những nhà đầu tư tay mơ, non gan sẽ rơi hàng trước các pha rung lắc lớn lại đúng. Ngay trong phiên chiều, lực cầu bắt đáy “khủng” đã giúp thanh khoản vượt ngưỡng 35.000 tỷ đồng, hãm đà rơi của VN-Index, trở lại vùng 1.495 điểm.
Tiếp theo, kết phiên ngày 25/2, VN-Index không những không giảm mà còn tăng nhẹ 4,04 điểm, lên 1.498,89 điểm.
Việc thị trường rất nhạy với tin căng thẳng địa chính trị, nhưng lại bất ngờ quay xe mới chỉ diễn ra trong 2 phiên cuối tuần, đã mang lại rất nhiều “cảm xúc” cho các nhà đầu tư.
Trao đổi cùng phóng viên, một broker lo lắng và cho rằng, xung đột có thể sẽ diễn ra chóng vánh hay lâu dài, nhưng khi tâm lý nhà đầu tư bất an, dẫn đến rơi hàng thì sẽ dễ dàng dẫn đến “hiệu ứng cánh bướm”. Người người cùng bán thì sẽ làm thị trường thêm hoảng loạn và khiến tâm lý chung bị chi phối bởi sự sợ hãi.
Tuy nhiên, nhìn vào làn sóng bắt đáy mạnh mẽ, broker này cũng cho biết, đây là một “thói quen” của thị trường, khi mà các nhà đầu tư mới bị cảm xúc chi phối và vội vã xả hàng, sẽ luôn có những nhà đầu tư dạn dày kinh nghiệm lao vào bắt đáy. Và dù thế nào đi nữa thì ít ra điều này cũng khiến thị trường trở lại trạng thái “bớt tiêu cực hơn”.
Nhìn nhận về vụ “bẻ lái” của thị trường, anh Công, một nhà đầu tư Fn cho rằng: “Khi người người hô sập, nhà nhà hô sập thể nào thị trường cũng sẽ xanh mướt. Chỉ khổ nhỏ lẻ bị rung cho run lập cập”.
Nêu quan điểm về bẫy tâm lý chung trên thị trường, một nhà đầu tư cho rằng, nếu mới nghe tin xung đột đã vội vã xả hàng, thậm chí nghĩ đến chuyện rút tài khoản, chứng tỏ nhà đầu tư còn thiếu dũng cảm. Kể cả khi có chiến tranh, dòng tiền thậm chí vẫn sẽ chảy về những nước có tình hình kinh tế, chính trị ổn định, và đó luôn là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư này cũng cho biết thêm, với trường hợp lần này giữa Nga - Ukraine thì câu nói “mua khi nghe tiếng súng, và bán khi nghe tiếng kèn” là chuẩn. Có điều, nhiều nhà đầu tư đã bị nỗi sợ lấn át mà hành động mang tính cảm xúc.
Tại nhiều diễn đàn, hội nhóm tư vấn, những rượt đuổi cảm xúc của nhà đầu tư là điều dễ cảm nhận. Kể cả đến chiều ngày 25/2, nhiều nhà đầu tư vẫn cực kỳ lo sợ về diễn biến xung đột và cho biết, sẵn sàng nhả hàng để bảo toàn vốn. Thậm chí, có không ít nhà đầu tư lo ngại theo một cách rất “thuyết âm mưu” là xung đột sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với sự tham chiến của nhiều bên, kéo theo thị trường tài chính toàn cầu đi xuống. Và giải pháp các nhà đầu tư này cho biết sẽ chọn vẫn là bán tháo.
Tuy nhiên, quan sát thị trường phiên ngày 25/2, đã bắt đầu có nhiều hơn các nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối trước việc yếu bóng vía và vội vã đánh mất hàng.
Anh Tuấn, một nhà đầu tư cho biết: “Từ lâu tôi đã nghiệm ra đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, chỉ báo quan trọng nhất là chỉ báo tâm lý, còn những cái khác không quan trọng mấy”.
Anh Tuấn còn cho biết thêm, quan điểm đầu tư ở giai đoạn hiện tại là giữ vững tâm lý, nói không với margin, giữ danh mục tiền/cổ cân bằng và lạnh lùng xuống dần tiền khi thị trường đỏ lửa, chốt lãi dần khi thị trường xanh mạnh.
Còn theo chị Huệ, một nhà đầu tư khác, để tránh bị tác động tâm lý, dẫn đến hoảng loạn hay FOMO thì nhà đầu tư cần tự hỏi và trả lời các câu hỏi như: Động cơ mua/bán các cổ phiếu trong danh mục ban đầu là gì? Tâm lý hiện tại ra sao?
Nếu chịu tác động của sự kiện làm thay đổi động cơ thì khả năng cao nhà đầu tư đang bị tâm lý và cảm xúc chi phối.
“Cảm xúc mạnh thì khả năng có hành động ngớ ngẩn càng cao, nên hiện tại việc cần làm là quản trị cảm xúc bản thân”, chị Huệ cho biết.
Việt Nam hiện có khoảng trên 4 triệu tài khoản chứng khoán, và nếu tạm tính mỗi tài khoản thuộc một cá nhân nắm giữ thì cũng tương ứng với ngần ấy “cảm xúc thị trường” khác nhau.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, thị trường tài chính có nguyên tắc là có khi xuất hiện cú sốc lớn, ngoài kiểm soát thì thị trường dễ bị bấn loạn và phản ứng thái quá. Nhưng trong một chừng mực nào đó khi điềm tĩnh hơn, đón nhận đủ thông tin hơn, có nhiều dự báo đáng tin cậy hơn hơn thì tâm lý bình thản sẽ quay trở lại.
Dường như điều này đang đúng với diễn biến thị trường hai phiên cuối tuần.