Giao dịch chứng khoán chiều 25/2: Thị trường "hụt hơi", nhóm dầu khí bị chốt lời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những lần thử thách mốc 1.510 điểm bất thành, thị trường đã đuối sức về cuối phiên và không giữ được mốc tâm lý 1.500 điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí sau đợt tăng nóng đã quay đầu điều chỉnh.
Giao dịch chứng khoán chiều 25/2: Thị trường "hụt hơi", nhóm dầu khí bị chốt lời

Thị trường chứng khoán đã nhanh chóng hồi phục mạnh trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/2 khi sắc xanh nở rộ trên bảng điện tử. Tuy nhiên, diễn biến thiếu tích cực về cuối phiên khi chỉ số VN-Index hụt hơi và lỗi hẹn với mốc 1.510 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index một lần nữa thử thách ngưỡng kháng cự 1.510 điểm chỉ sau khoảng 20 phút mở cửa. Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường một lần nữa gặp thất bại.

Chỉ số VN-Index đã biến động lình xình trên mốc 1.500 điểm trong gần suốt thời gian còn lại của phiên chiều và đánh mất ngưỡng tâm lý này trong đợt khớp ATC. Tuy vậy, VN-Index vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ kỹ thuật 1.485-1.490 điểm (MA20-50), cho thấy xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn đang trong quá trình hình thành và sẽ được xác nhận nếu chỉ số này vượt thành công vùng kháng cự 1.510 – 1.515 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 324 mã tăng và 126 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 4,04 điểm (+0,27%) lên 1.498,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu cổ phiếu, giá trị 25.621,27 tỷ đồng, giảm 33,8% về khối lượng và 26,84% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,96 triệu đơn vị, giá trị 1.025,85 tỷ đồng.

Nhóm bluechip đã trở nên phân hóa khi ghi nhận 14 mã tăng và 13 mã giảm và chỉ số VN30 cũng chỉ còn tăng nhẹ hơn 4 điểm. Trong đó, một số mã kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày như VJC, VIC, MSN, VHM, HPG, và biên độ giảm của các mã chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ duy nhất VJC giảm 2%.

Ở chiều ngược lại, các mã giao dịch trong sắc xanh cũng hầu hết thu hẹp biên độ tăng, trong đó VPB vẫn dẫn đầu với biên độ tăng 3,5%, kết phiên đứng tại mức giá 38.200 đồng/CP; tiếp theo là SSI tăng 2,5% lên 45.700 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh các mã DXG, TTF, PTL, SJF… đứng giá tham chiếu, nhiều mã quay đầu giảm điểm như CII, LDG, FCN, DC4…

Xét về nhóm ngành, sau đợt tăng khá nóng, dấu hiệu hạ nhiệt với trạng thái phân hóa ở phiên sáng, nhóm cổ phiếu dầu khí đã đồng loạt mất điểm trong phiên chiều. Bên cạnh cặp đôi lớn GAS và PLX giảm hơn 1,5%, các mã khác như PVD giảm 3,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 34.200 đồng/CP, PVT cũng giảm khá mạnh 2,8% xuống 24.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón đang chịu áp lực bán ra với DPM quay đầu điều chỉnh nhẹ, DCM chỉ nhích nhẹ chưa tới 0,5%, PSW giảm hơn 4%, các mã LAS, NFC, PMB lùi về mốc tham chiếu…

Ở nhóm cổ phiếu trụ cột, dòng bank cũng có phần kém tích cực hơn trong phiên sáng với sự góp mặt của VCB, BID, ACB giảm nhẹ, CTG đứng giá tham chiếu, trong khi nhiều mã khác như TCB, MBB, STB, SHB, SSB, OCB nhích chưa tới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán không giữ được đà tăng mạnh mẽ với VDS, FTS, TVB chỉ còn nhích nhẹ, các mã lớn hơn cũng thu hẹp biên độ như HCM về mức giá mở cửa khi tăng 1,7% và kết phiên tại 37.800 đồng/CP, SSI và BSI tăng 2,5%, VND có thời điểm kéo sát trần và kết phiên tăng 2,8%...

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh các mã VHM, VIC, BCM, PDR giảm sâu hơn, nhiều mã ở top sau như CII, LDG, HDC, DPG, TDH… cũng quay đầu giảm.

Điểm đáng chú ý là nhiều thành viên trong hệ Louis như TGG, SMT, BII, VKC vẫn giữ vững sắc tím với lượng dư mua trần, AGM tiếp tục nới rộng biên độ tăng 6,1%, DDV tăng 7,7%...

Trên sàn HNX, sau cú tăng tốc đầu phiên, một số cổ phiếu bluechip hạ nhiệt khiến thị trường bớt nóng và chỉ số HNX-Index quay trở lại vùng giá chốt phiên sáng nay.

Kết phiên, sàn HNX có 171 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,21%) lên 440,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,8 triệu đơn vị, giá trị 4.741,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 44,65 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu dầu khí trên HNX cũng chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm như PVS giảm 2,9% xuống 33.800 đồng/CP, PVB giảm 2,1% xuống mức thấp nhất ngày 23.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhóm HNX30 vẫn là trụ đỡ chính của thị trường khi ghi nhận 23 mã tăng, gấp gần 6 lần số mã giảm. Trong đó, TVC đã kéo trần thành công với khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên 7,15 triệu đơn vị, các mã tăng tốt khác như IDV tăng 4,1%, SHS tăng 3,5%, IDC tăng 2,6%...

Cổ phiếu TAR đã không thể kéo lại mức giá trần sau cú “trượt chân” vào cuối phiên sáng, tuy nhiên đã ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc. Kết phiên, TAR đứng thứ 2 về biên độ tăng trong nhóm HNX30, với mức tăng 6,2% lên 39.200 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt xấp xỉ 3 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, PVS vẫn dẫn đầu với hơn 14,92 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã tiếp theo đó là SHS khớp 8,24 triệu đơn vị, TVC khớp 7,15 triệu đơn vị, TNG và PVC cùng khớp 4,7 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giữ đà tăng nhẹ. Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,3%) lên 112,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 115,97 triệu đơn vị, giá trị 1.792,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,58 triệu đơn vị, giá trị hơn 76 tỷ đồng.

Cặp dầu khí BSR và OIL tiếp tục nới rộng đà giảm về gần mức giá thấp nhất ngày. Trong khi BSR giảm 3,5% xuống 27.500 đồng/CP, còn OIL giảm 2% xuống 19.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 14,18 triệu đơn vị và 4,17 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường chủ yếu là các mã có thị giá vừa và nhỏ như DPS, DXL, UCT, VHH, GGG, ATG, MTG, SPP…

Một mã đáng chú ý trên UPCoM gần đây là DDV. Cổ phiếu này đã có phiên thứ 3 liên tiếp tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Kết phiên hôm nay, DDV tăng 7,7% lên mức 26.700 đồng/CP và khớp hơn 2,21 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều hồi phục sắc xanh, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất tăng 2,3 điểm (+0,2%) lên 1.517 điểm, khớp lệnh hơn 127.670 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.530 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng có phần chiếm ưu thế, tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản thị trường chứng quyền là CMWWG2112 đạt hơn 9 triệu đơn vị lại kết phiên giảm 94,4% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

Và tiếp theo là CFPT2110 khớp hơn 4,9 triệu đơn vị cũng kết phiên giảm tới 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục