Gập ghềnh vào sóng tăng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trong nghi ngờ là thực trạng thị trường từ sau Tết tới nay, nhưng được nhiều ý kiến nhìn nhận tích cực, nhằm có thời gian “tĩnh” cần thiết để dòng tiền tập trung hơn vào các nhóm ngành tiềm năng, qua đó dẫn dắt thị trường.
Nhà đầu tư có thể sẽ nhìn các thị trường chứng khoán thế giới để hành động. Nhà đầu tư có thể sẽ nhìn các thị trường chứng khoán thế giới để hành động.

Chiến tranh đã là tin xấu nhất

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến thị trường trong phiên thứ Năm tuần qua sụt giảm, VN-Index mất mốc 1.500 điểm. Nỗi băn khoăn xuất hiện nhiều ở nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, bán hay không bán.

Ghi nhận của người viết cho thấy, nhà đầu tư cá nhân có sự bình tĩnh hơn so với đợt điều chỉnh trước Tết, họ không hoảng loạn bán tháo. Thậm chí, không ít người đang có tiền mặt quyết định giải ngân ngay trong phiên này, giúp chỉ số lấy lại quá nửa số điểm đã mất khi đóng cửa cuối phiên.

Phong Trần, nhà đầu tư bám sàn nhiều năm chia sẻ, 2 tuần sau Tết, anh kiên định với khuyến nghị của công ty chứng khoán là duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp, bởi thị trường thế giới đứng trước nguy cơ bất ổn vì các ẩn số liên quan đến lạm phát và địa chính trị.

Trên thị trường vẫn có các nhóm ngành tăng điểm, nhưng diễn ra trong thời gian ngắn, luân phiên nhau, không thể hiện được sức mạnh dẫn dắt, cho thấy sự chần chừ của dòng tiền.

Trong nước, các yếu tố vĩ mô không xấu, nhưng đặc tính của nhà đầu tư cá nhân là ưa thích các kỳ vọng mới mẻ, điều mà hiện nay chưa xuất hiện rõ nét. Trên thị trường vẫn có các nhóm ngành tăng điểm, nhưng diễn ra trong thời gian ngắn, luân phiên nhau, không thể hiện được sức mạnh dẫn dắt và cho thấy sự chần chừ của dòng tiền.

Theo anh Trần, điều khó nhất trên thị trường chứng khoán là tâm lý khách quan để cân đo đong đếm rủi ro và cơ hội, bi quan hay lạc quan quá mức đều không tốt. Thị trường Việt Nam chưa cho phép bán khống cổ phiếu, nên nhà đầu tư chỉ kiếm được tiền khi giá tăng, khiến nhiều nhà đầu tư luôn bị thôi thúc mua liên tục và tham gia vào mọi con sóng.

Hệ quả tất yếu là ra quyết định giao dịch càng nhiều thì xác suất sai càng tăng. Nhà đầu tư này nhấn mạnh, “năm 2022, chậm lại một chút, kiên nhẫn thêm chút nữa sẽ tốt hơn cho túi tiền của bạn”.

Tuy nhiên, nhà đầu tư trên cùng nhóm bạn gần đây đã bắt đầu giải ngân, đặc biệt từ phiên thứ Năm tuần qua, vì cho rằng “tin xấu cuối cùng đã ra, sẽ tập trung mua cổ phiếu dầu, khí hoá lỏng, gas, khoáng sản”.

Không ít nhà đầu tư khác có chung góc nhìn như vậy, thị trường giảm mạnh là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tốt, với mức giá chiết khấu đủ hấp dẫn. Trong đó, nhóm cổ phiếu hàng hoá, dầu khí, phân đạm, thép… sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá gia tăng trên toàn cầu. Kỳ vọng này tương tự như “sóng tăng giá cả hàng hoá” trong năm 2021.

Một số nhà đầu tư lớn nhận định, thị trường chứng khoán có thể giảm sâu hơn rồi mới tăng trở lại, nhưng họ không đứng ngoài thị trường, bởi có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm ngành, tức vẫn có những nhóm ngành tăng giá, hoặc có triển vọng sớm tăng giá, nhất là cổ phiếu của các công ty có hàng tồn kho lớn mà giá nguyên vật liệu có khả năng tăng cao.

Dự báo kịch bản thị trường

Dĩ nhiên, diễn biến Nga - Ukraine đang là tâm điểm theo dõi của giới đầu tư và các kịch bản thị trường đã được đặt ra.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng dài hạn, nhưng sự kiện Nga tấn công Ukraine có thể gây ra không ít hệ luỵ.

Chẳng hạn, Nga có thể sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, các hoạt động trả đũa lẫn nhau sẽ ảnh hưởng đến giao thương, kinh doanh, đẩy giá cả các mặt hàng tăng lên. Đơn cử, giá dầu tiến lên các mức cao mới (dù Mỹ và EU có cam kết mở kho dự trữ dầu hoả), khiến chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển tăng, đồng nghĩa với tăng áp lực lạm phát, tăng độ trì trệ của kinh tế thế giới trong thời gian tới. Theo đó, chi phí của các doanh nghiệp gia tăng, biên lợi nhuận giảm..., sẽ tác động tới thị trường chứng khoán.

Một hệ lụy khác đáng chú ý là hoạt động của các ngân hàng và sự lưu chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Quan trọng hơn là yếu tố tâm lý nhà đầu tư, dù chưa thể đo lường mức độ thiệt hại từ sự kiện này, nhưng lo lắng là có và trong một thị trường vốn thận trọng như hiện nay thì lực bán cổ phiếu có khả năng vượt lực mua, làm thị trường giảm điểm.

“Đây là kịch bản có thể xảy ra”, ông Phương nói và nhận định, trong tuần giao dịch mới (28/2 - 4/3/2022), hiệu ứng bán có khả năng mạnh mẽ hơn và sẽ có một số cổ phiếu bị bán giải chấp nếu nhà đầu tư không nộp thêm tiền ký quỹ.

Theo ông Phương, động thái của Nga tiếp tục cứng rắn hay chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và rút quân khỏi Ukraine sẽ chi phối xu hướng thị trường. Trong kịch bản tích cực, Nga sẽ rút quân và thị trường chứng khoán bật tăng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam kỳ vọng, Nga tấn công Ukraine là sự kiện “thiên nga đen”, đến nhanh nhưng sẽ kết thúc nhanh, không ảnh hưởng trầm trọng tới chính trị và kinh tế ở các thị trường tài chính lớn.

Thực tế, thị trường chứng khoán thế giới giảm khá sâu và ảnh hưởng từ sự kiện này đã xuất hiện từ 2 - 3 tuần trước. Lệnh tấn công của Nga vào Ukraine có thể tạo ra cú “rũ bỏ” (washout), nhưng sau đó tích luỹ và hồi phục. Thị trường Việt Nam sẽ nhìn các thị trường thế giới để “hành động”.

Mùa đại hội sẽ thú vị

“Hiện thanh khoản thị trường chưa cao, VN-Index tăng trong nghi ngờ. Điểm tích cực là nhiều nhóm giảm sâu đang có khả năng tăng trở lại như ngân hàng, chứng khoán, thép. Nhóm bất động sản điều chỉnh giảm, nhưng rồi cũng sẽ tăng. Nhìn chung, thị trường vẫn đang vận động tốt, không có tâm lý hoảng loạn trên diện rộng”, ông Ngọc nhận xét.

Thực tế, thị trường phiên cuối tuần qua giao dịch trong sắc xanh, tâm lý nhà đầu tư ổn định. Cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt tiếp tục tăng giá hoặc dao động ở nền giá hợp lý, còn những mã đã tăng giá cao trước đó chịu áp lực điều chỉnh. Theo ông Ngọc, năm 2021, không ít công ty lãi lớn, sẽ tính chuyện chia lãi như thế nào, đây là câu chuyện hấp dẫn trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Thống kê từ FiinPro cho thấy, lượng cung giao dịch ký quỹ (margin) trên thị trường hiện nay khoảng 200.000 tỷ đồng và có 100.000 tỷ đồng nằm trong 4 triệu tài khoản nhà đầu tư. Vậy tại sao thanh khoản thị trường chỉ đạt hơn 20.000 tỷ đồng/phiên từ Tết đến nay, yếu tố nào sẽ kích hoạt lượng tiền này?

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho rằng, hiệu ứng của mùa đại hội đồng cổ đông năm nay sẽ hỗ trợ thị trường. Đây sẽ là mùa của cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu có nền tảng cơ bản. Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các chỉ báo về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.

Chẳng hạn, từ đầu năm 2022, nhóm doanh nghiệp dầu khí đã đề ra kế hoạch kinh doanh dựa trên dự phóng giá dầu 60 - 70 USD/thùng, nhưng giá dầu hiện đã đạt trên 100 USD/thùng.

Nếu các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch dựa trên giả định giá dầu cao hơn có thể sẽ tạo ra con sóng thứ hai đối với cổ phiếu dầu khí. Tương tự, nhóm ngân hàng, chứng khoán, các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” như dự kiến thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A)... cũng có khả năng thu hút dòng tiền.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ