Cuộc đua giành thị phần
Mỗi ngày, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoàn tàu với hành trình 40 giờ mang trên mình 20 container chuyên dụng chở hàng của Vietnam Post. Bên cạnh đó, Vietnam Post còn sử dụng hàng ngàn phương tiện vận tải chuyên dụng, đường bay chuyển tải.
Ngoài ra, trong năm qua, Vietnam Post đã triển khai thực hiện nhiều dịch vụ “phi bưu chính” đạt kết quả cao như xử lý 14 triệu lượt hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp qua dịch vụ công, chi lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội qua thẻ, triển khai sàn giao dịch vận tải qua Smartlog…
Những hoạt động dịch vụ nói trên đã mang về cho Vietnam Post tổng doanh thu trên 1 tỷ USD, tăng hơn 22%; tổng lợi nhuận tăng trên 20% so với năm 2018.
Một tên tuổi lớn khác trên thị trường chuyển phát hiện nay là Viettel Post cũng có bước phát triển vượt bậc bằng việc ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch từ một công ty bưu chính chuyển phát thành công ty công nghệ trong ngành bưu chính.
Vỏ Sò và MyGo được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho “xương sống” chuyển phát của Viettel Post thông qua việc gia tăng số lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành, giành giật thị phần chuyển hàng trong ngành thương mại điện tử. Ước tính, năm 2019, Viettel Post cán mốc doanh thu khoảng 6.723 tỷ đồng, tăng 36,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 380 tỷ đồng, tăng trưởng 36%.
“Ông kẹ” thứ 3 là EMS cũng kết thúc năm 2019 khá ấn tượng, để lại dấu ấn bằng dịch vụ siêu tốc nội thành 2 giờ trên cơ sở hợp tác với Lalamove, giúp EMS đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng về tốc độ và chất lượng. Năm 2019, tổng doanh thu dịch vụ EMS đạt 3.432 tỷ đồng, tăng 19%, lợi nhuận ước đạt 66,5 tỷ đồng.
“Đây là những con số thể hiện nỗ lực của đơn vị trong bối cảnh cạnh tranh của lĩnh vực chuyển phát ngày càng khốc liệt, hàng loạt công ty đa quốc gia, start-up chuyển phát công nghệ chấp nhận lỗ để giành thị phần”, bà Hà Thị Hòa, Tổng giám đốc EMS đánh giá.
Năm 2019, EMS đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, thông qua việc tập trung đầu tư nhân lực, hạ tầng công nghệ, triển khai quy trình cung cấp dịch vụ Last Mile Logistics và Forwarder. Hiện, hệ thống kho hàng của EMS tại các thành phố lớn đang được khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kho bãi của các khách hàng lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Không chỉ phục vụ dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, EMS còn trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này thông qua việc tiếp nhận và vận hành sàn thương mại điện tử Posmart.vn.
Nhìn lại năm 2019, thị trường đã chứng kiến cuộc chạy đua đầy gay cấn của hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát.
Đại diện Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và truyền thông) bình luận, “miếng bánh ngon” bưu chính đang được chia sẻ cho nhiều loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp bưu chính truyền thống, các doanh nghiệp vận tải/logistics và start-up cũng đang vươn lên mạnh mẽ. Thị trường không chỉ có doanh nghiệp Việt, mà còn có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp chuyển phát toàn cầu, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới. Bức tranh thị trường bưu chính ngày một sinh động, mỗi doanh nghiệp đều phải nỗ lực để tồn tại và phát triển.
“Chưa khi nào thị trường bưu chính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Các doanh nghiệp chuyển phát tư nhân giảm giá bằng mọi cách, chỉ lựa chọn phục vụ giao hàng tại các thành phố lớn, trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh vào phát triển lĩnh vực chuyển phát, logistics”, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết.
Xoay chuyển chiến lược
Một điểm rất dễ nhìn thấy trong bức tranh toàn cảnh thị trường bưu chính năm 2019 là doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ bưu chính truyền thống ngày càng thấp, trong khi đó, tỷ lệ đơn hàng và doanh thu từ chuyển giao mua bán trực tuyến tăng lên mạnh mẽ.
Bên cạnh dịch vụ bưu chính truyền thống, các doanh nghiệp bưu chính đã từng bước phát triển, mở rộng hệ sinh thái, đa dạng dịch vụ, phân khúc nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo ra các nguồn doanh thu mới.
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 được Google, Temasek cùng Bain & Company công bố mới đây, thương mại điện tử của khu vực đã đạt tới 38 tỷ USD, trở thành lĩnh vực lớn nhất trong năm 2019, tăng 7 lần so với năm 2015, trung bình đạt hơn 5 triệu đơn hàng mỗi ngày. Lĩnh vực này đang trên đà chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019, toàn ngành thương mại điện tử B2C Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ đạt mức 8,06 tỷ USD.
Những con số thống kê này cho thấy, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát có thị trường rất lớn từ thương mại điện tử. Vì vậy, năm 2020 và những năm tiếp theo, cạnh tranh giành đơn hàng chuyển phát từ thương mại điện tử sẽ tiếp tục “rực đỏ”.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực bưu chính đang chứng kiến sự chuyển dịch cơ cấu dịch vụ mạnh mẽ theo hướng gia tăng sản lượng, giá trị các dịch vụ chuyển phát kiện, gói hàng hóa trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Theo dự báo, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.
Nắm bắt xu hướng này, Vietnam Post đã nhanh chóng thay đổi phương thức kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới tổ chức sản xuất, đặc biệt là có những giải pháp toàn diện, dành riêng cho dịch vụ hậu cần logistics và thương mại điện tử.
Ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Vietnam Post cho biết: “Chúng tôi tổ chức những trung tâm logistics đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… Ngoài ra, Vietnam Post cũng gia tăng các nền tảng phục vụ cho logistics, thương mại điện tử như cung cấp các nền tảng cho khách hàng thương mại điện tử thuê, ngoài các dịch vụ về lưu kho, quản lý đơn hàng cũng như đóng gói và chuyển phát. Trong thương mại điện tử, chúng tôi cũng nỗ lực tối ưu các quy trình luân chuyển hàng hóa logistics để giúp hàng hóa đến tay khách hàng nhanh hơn”.
Trong khi đó, định hướng của EMS là tiếp tục phát triển trục dịch vụ theo 3 trụ cột chính: bưu chính chuyển phát, thương mại điện tử và logistics. “EMS sẽ lấy công nghệ làm then chốt để kiến tạo nền tảng kinh doanh, triển khai các giải pháp công nghệ mới dành cho khách hàng; hoàn thiện các hệ thống lõi dành cho sản xuất nhằm tự động hóa, thông minh hóa”, bà Chu Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT EMS chia sẻ.
Hàng loạt “tân binh” tham chiến
Ngoài những “ông lớn” đã dạn dày kinh nghiệm, thị trường bưu chính, chuyển phát năm 2020 sẽ đón nhận những gương mặt mới.
Mới đây, Be Group tuyên bố nhảy vào lĩnh vực giao nhận khi vận hành thêm hai dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery phục vụ các doanh nghiệp thương mại điện tử. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chiếm 30% thị phần giao nhận nội địa”, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group tự tin nói.
Không đứng ngoài “cuộc chơi”, FPT Retail cũng đã công bố “dấn thân” vào bưu chính, chuyển phát nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có từ mạng lưới hơn 540 cửa hàng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng nguồn nhân lực lớn.
Về các đối thủ ngoại, GD Express (Malaysia) vừa qua cũng công bố rót gần 3,3 triệu USD để sở hữu 50% Công ty Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Một doanh nghiệp vận tải công nghệ khác từ Trung Quốc là BEST Inc. vào giữa tháng 10/2019 cũng chính thức công bố ra mắt thị trường Việt Nam với dịch vụ nhượng quyền bưu cục, nhằm tận dụng nguồn lực địa phương và nền tảng công nghệ của công ty mẹ để phát triển mạng lưới.
BEST Inc. Việt Nam có 7 trung tâm khai thác, hơn 100 bưu cục và dự kiến sẽ nhanh chóng phát triển lên con số 300. Mục tiêu trong 2 năm đầu hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ thiết lập độ phủ toàn quốc cho mạng lưới chuyển phát nhanh với công suất chuyển phát 150.000 bưu kiện/ngày và trong vòng 3 năm sẽ tăng công suất lên gấp đôi.
Cùng với đó, sự đầu tư tài chính, công nghệ để mở rộng mạng lưới, lôi kéo người dùng của những doanh nghiệp chuyển phát có ứng dụng công nghệ như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm (Supership) cùng sự hiện diện của hàng loạt công ty đa quốc gia như DHL eCommerce, Grab Express, Lazada Express… là những tín hiệu “châm ngòi” cho một cuộc chiến khốc liệt trên thị trường chuyển phát trực tuyến trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo số liệu mới nhất của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và truyền thông), năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành bưu chính đạt khoảng 47.100 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), tăng 22% so với năm 2018; tổng thu doanh dịch vụ bưu chính ước đạt 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD), tăng 27% so với 2018.
Toàn thị trường hiện có 435 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, 95% là doanh nghiệp tư nhân. Riêng 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước (Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT, Nasco Express) dù chỉ chiếm 1% số doanh nghiệp, nhưng đang nắm trong tay trên 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính.