Sắp ‘quản’ thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu

Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) để trình các cấp tháng 9/2019. 
Mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình). Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN. Mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình). Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN.

Theo ông Âu Anh Tuấn, dự thảo đề xuất áp dụng đối tượng tham gia giao dịch chính là người mua được hưởng các chính sách về thuế, kiểm tra chuyên ngành (KTCN); người bán; chủ hàng hóa tại kho ngoại quan. 

Để thông quan nhanh hàng hóa, nội dung dự thảo quy định cần phải xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục KTCN nhằm kiểm soát được hàng hóa nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến KTCN, cần có quy định về việc miễn KTCN, cấp giấy phép đối với hàng hóa phải KTCN trong trường hợp có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống; trị giá hải quan trên 1 triệu đồng nhưng hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng đề cập việc hiện chưa có hệ thống tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch TMĐT nên khách hàng khi mua hàng qua các sàn giao dịch TMĐT, các website điện tử bán hàng vào thời điểm hàng hóa được giảm giá nhưng khi về đến Việt Nam, hải quan không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm mà tính theo nguyên giá của hàng hóa. Điều này theo hải quan là không phản ánh được đúng trị giá giao dịch của hàng hóa.

Do đó, cần có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua TMĐT là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về giao dịch TMĐT được gửi đến Hệ thống quản lý hàng hóa giao dịch TMĐT.

Theo dự thảo có 2 loại hình được quản lý là: Thứ nhất, hoạt động TMĐT mà người mua đặt sau đó hàng mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam, không phân biệt đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Thứ hai: Áp dụng quản lý đối với hoạt động TMĐT mà doanh nghiệp kinh doanh TMĐT vận chuyển hàng về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang TMĐT. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực. 

Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2017 – 2019, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trung bình đạt từ 25 đến 30%. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có độ mở cao với việc thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, kim ngạch XNK đã vượt mốc 400 tỷ USD/năm...TMĐT là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này. 


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục