Năm 2020, dự báo đạt 530 triệu đơn hàng nhanh
Thị trường logistics Việt Nam đang trở nên sôi động hơn khi nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup), FPT, Thế giới di động, Lotte… đang định hướng phát triển bán lẻ trực tuyến. Số lượng đơn hàng giao dịch qua các kênh trực tuyến gia tăng mạnh, khiến nhu cầu vận tải và logistics tăng cao, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh.
Bên cạnh đó, sự gia nhập của các "ông lớn" thương mại điện tử thế giới như Alibaba (đã thâu tóm Lazada), JD (đầu tư vào Tiki), Tencent (rót vốn vào Shopee) và Amazon (đang tìm hiểu thị trường) cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu giao - nhận tại Việt Nam trở nên sôi động hơn.
Giới quan sát nhìn nhận, doanh nghiệp logistics Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cần phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tận dụng đòn bẩy phát triển thương mại điện tử để bứt phá.
Theo Vietnam Report, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%. Trong đó, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.
Công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 trong bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018 với điểm số LPI (Logistics Performance Index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể - đạt 3,27 điểm, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) và được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Doanh nghiệp chủ động gọi vốn, mở rộng đầu tư
Mới đây, ngày 11/2/2019, Công ty Công nghệ vận tải Logivan đã nhận được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư châu Á. Ông David Su, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Matrix Partners China (hiện quản lý số vốn hàng tỷ USD) - một trong những nhà đầu tư rót vốn vào Logivan cho biết, tại Việt Nam, chi phí logistics hiệm chiếm 23% GDP, với 90% xe tải thuộc sở hữu của cá nhân, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong dịch vụ logistic như Logivan sẽ có nhiều dư địa để phát triển. Theo vị này, Việt Nam sẽ là "con rồng" tiếp theo trong khu vực Đông Nam Á và ngành logistics Việt sẽ trải nghiệm mức tăng trưởng cao tương tự như ông từng chứng kiến tại Trung Quốc những năm qua.
Ngoài Matrix Partners China, đầu tư vào Logivan còn có Alpha JWC - công ty đầu tư mạo hiểm của Indonesia chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ cao và một số nhà đầu tư khác. Với khoản đầu tư 5,5 triệu USD, Logivan cho biết sẽ đầu tư vào phân tích và tích hợp dữ liệu nhằm tăng hiệu quả chuỗi cung ứng, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Trước đó, năm 2018, Logivan đã gọi thành công 2,4 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài là Ethos Partners, Insignia Venture Partners và Vinacapital Ventures.
Đầu năm 2019, CTCP Gemadept (GMD) đã đầu tư thêm 100 tỷ đồng để tăng vốn lên 300 tỷ dồng cho công ty con sở hữu 100% vốn là Công ty TNHH Cảng Phục Long. Đại diện GMD cho biết, mục đích tăng là nhằm mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của Cảng Phước Long. Hiện GMD đang nỗ lực để đẩy mạnh tăng trưởng từ hoạt động khai thác cảng trong năm 2019, qua đó tiếp tục duy trì thành công có được từ năm 2018 khi mảng này mang lại cho GMD 2.300 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm 2017.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 của GMD, doanh thu từ hoạt động logistics, dịch vụ vận tải, cho thuê vận tải chỉ là 382 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 2.152 tỷ đồng của năm 2017. Dù vậy, kết thúc năm 2018, GMD lãi sau thuế 1.900 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2017.
CTCP Transimex (TMS) cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá trong năm qua. Theo Báo cáo tài chính năm 2018 vừa công bố, TMS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.291 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỷ đồng, tăng 12,3%.