Thời điểm vàng cho M&A logicstics

Tiềm năng dồi dào, vị trí chiến lược, thị trường rộng và dư địa lớn là những điểm hấp dẫn khiến nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước gia nhập “sân chơi” logistics Việt.
Các thương vụ quy mô lớn trong lĩnh vực logistics có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam. Các thương vụ quy mô lớn trong lĩnh vực logistics có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.

Cơ hội đầu tư

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới đối với đầu tư FDI. 

Thời gian gần đây, hàng loạt “ông lớn” ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Tencent… đã gia nhập thị trường Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2 - 7,5% tổng doanh thu logistics, theo Armstrong and Associates (Mỹ). 

Với vị trí chiến lược, hệ thống cảng biển lưu chuyển hàng hoá lớn, Việt Nam được coi là “cửa ngõ” để thâm nhập thị trường ASEAN với quy mô 640 triệu dân.

Theo đó, nắm được logistics, đồng nghĩa với việc xuất nhập khẩu được vào thị trường rộng lớn của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.

Trong khi đó, theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam, hiện Việt Nam đã có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng.

Một trong những phương thức huy động vốn đang được nghiên cứu là chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…) với quan điểm bán một phần hạ tầng để lấy nguồn vốn đó xây dựng hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ.

“Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Với đặc điểm của lĩnh vực hạ tầng, logistics, các thương vụ quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM, Trưởng nhóm Nghiên cứu nhận xét.

Manh nha những thương vụ lớn

Logistics không chỉ được các ông lớn trên thế giới đặc biệt quan tâm mà ngay cả các đại gia Việt Nam cũng muốn chia “miếng bánh” thị phần.

Năm 2017, thị trường logistics đã chứng kiến một thương vụ M&A lớn. Theo đó, Công ty Gemadept (GMD) đã chuyển nhượng 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics (thuộc Tập đoàn CJ Group - Hàn Quốc) và giảm sở hữu tại 2 đơn vị trên xuống còn hơn 49,1%. Tổng giá trị chuyển nhượng ước tính 125 triệu USD. 

Gemadept cũng đang hợp tác với hãng tàu CMA CGM (Pháp) đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng vốn đầu tư của Dự án Cảng nước sâu Gemalink khoảng 345 triệu USD,. 

Tháng 7/2017, Samsung SDS (thuộc Tập đoàn Samsung) đã công bố hợp tác với Minh Phương Logistics, đơn vị lớn nhất trên thị trường giao vận - vận tải đường bộ Việt Nam, thành lập liên doanh mới.  

Cũng trong năm 2017, Quỹ đầu tư Warburg cũng thành lập liên doanh với Tổng công ty Phát triển công nghiệp Becamex để đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics với quy mô vốn 200 triệu USD,.

Trước đó, thị trường logistics cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A của Tập đoàn Vingroup như: Vinggroup bán toàn bộ cổ phần 79,96% tại công ty logistics Phat Loc Express; Vingroup ký kết thoả thuận ghi nhớ hợp tác với SG Holdings - công ty mẹ của hãng vận chuyển Nhật Bản là Sagawa Express…

Đại diện Warburg Pincus nhận định, cùng với xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ các thị trường như Trung Quốc sang Việt Nam, cũng như đà tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu trong nước, thị  trường logistics và bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở điểm sẵn sàng bứt phá.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục