Nhưng sự hấp dẫn của thị trường trong một giai đoạn nào đó thường tập trung vào một số nhóm ngành nào đó và trong nửa cuối năm nay, trụ cột “gánh vác” chỉ số sẽ xoay chuyển sang nhóm nào, hay vẫn thuộc về ngân hàng, thép, cảng biển, chứng khoán… là câu hỏi được nhà đầu tư rất quan tâm hiện tại.
Các nhóm trụ cột “truyền thống” có còn hấp dẫn hay những nhóm khác sẽ nổi lên cũng là vấn đề được Đầu tư Chứng khoán đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo tuần này.
Nói lại câu chuyện định giá chung toàn thị trường, CTCK BSC nhận định, trong tháng 7, P/E đã giảm mạnh từ 19,2 xuống 16,5 và P/E VN-Index được dự báo tăng lên mức 17,5 trong tháng 8. Còn theo CTCK MASVN, sau khi điều chỉnh trong tháng 7, mức P/E thị trường hiện tại đã quay về vùng định giá hấp dẫn xét về cả so sánh lịch sử lẫn so sánh tương đối với các thị trường khác.
Đáng chú ý hơn là P/E của VN-Index giảm có sự đóng góp quan trọng từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, theo tính toán của BSC, P/E thị trường trong tháng 7 (giảm 14%) từ mức giảm 6,9% của VN-Index và giảm 7% từ mức cải thiện lợi nhuận quý II/2021.
Khi chỉ số giảm 14% thì giá nhiều cổ phiếu đã giảm 30-40%, đưa định giá về mức hấp dẫn. Chẳng hạn, các cổ phiếu nhóm ngành vật liệu, thép có P/E chỉ 6-7 lần, một số cổ phiếu vừa và nhỏ giảm về sát mệnh giá thậm chí P/E chỉ 5 lần…
Ngay cả nhóm ngành được coi là “không còn rẻ nữa” như ngân hàng, có những cổ phiếu xét theo định giá P/B chỉ 1,8 lần, thấp hơn nhiều mức trung bình 2,5 lần của ngành.
Có một diễn biến đáng chú ý là ngay cả khi thị trường còn chưa xác nhận tạo đáy, dòng tiền đã có dấu hiệu hướng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, tập trung ở các cổ phiếu của các nhà phát triển sản phẩm bài bản và có khả năng sớm bật dậy ngay sau giãn cách, chẳng hạn như NLG, KDH…
Dự đoán, nửa cuối năm, nhóm bất động sản sẽ là một trong những trụ cột vì nhóm này chưa tăng nhiều trong nửa đầu năm, trong khi giá trị tài sản không ngừng gia tăng và triển vọng lợi nhuận nhiều doanh nghiệp khả quan khi triển khai dự án mới.
Một nhóm ngành khác là bán lẻ, thậm chí còn có phần “hưởng lợi” từ việc giãn cách. Trong tháng 7, PET cho biết doanh thu mảng IT vẫn tăng trưởng 30% do nhu cầu làm việc từ xa tăng lên.
DGW công bố báo cáo quý II với doanh thu thuần tăng 63% và lợi nhuận sau thuế tăng 142% so với cùng kỳ, có đóng góp quan trọng của mảng máy tính xách tay và máy tính bảng.
Một nhà bán lẻ khác là FRT nhận được sự quan tâm của đối tác ngoại để trở thành cổ đông chiến lược vì tiềm năng tăng trưởng của thị trường nội địa thực sự hấp dẫn. Tăng trưởng ngay trong giai đoạn giãn cách là nguyên nhân chính khiến bán lẻ có thể vẫn là điểm hút vốn trong nửa cuối năm nay.
Với nhiều thông tin hỗ trợ, kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn đóng góp hơn 30% trọng số VN-Index sẽ tiếp tục dẫn dắt chỉ số đi lên.
Tuy nhiên, đa số nhận định cho rằng, dòng tiền sẽ phân hóa vào những cổ phiếu còn định giá tốt, nên ngân hàng dù vẫn giữ vai trò trụ cột nhưng không thể kéo mạnh VN-Index như nửa đầu năm.
Sự phục hồi của thị trường liên tiếp 9 phiên vừa qua với thanh khoản tăng dần cho thấy nhà đầu tư đã chấp nhận bình thường mới của TTCK trong bối cảnh giãn cách có thể còn kéo dài thêm, nhưng các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu thích nghi với việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong sản xuất.
Tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm vẫn sẽ tiếp tục với nhiều lĩnh vực ngành sản xuất sẽ là trụ đỡ quan trọng nhất với thị trường, dù cho mức tăng trưởng có thể đạt được ở con số cao thấp khác nhau tùy thời gian giãn cách.
Những ý kiến, góc nhìn từ phía các chuyên gia, doanh nghiệp… đăng tải trong số báo này có thể là những thông tin tham khảo hữu ích với nhà đầu tư trong việc lựa chọn nhóm ngành cũng như các cổ phiếu cụ thể nửa cuối năm nay.