Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trưởng thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020, thị trường chứng khoán đã có bước phát triển ngoạn mục, tạo lập những nền tảng vững chắc cho những giai đoạn phát triển trong tương lai.
Thanh khoản thị trường chứng khoán hiện đang đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản thị trường chứng khoán hiện đang đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng/phiên.

Bước chuyển 2020

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một năm tăng trưởng vượt kỳ vọng của các thành viên thị trường. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 1.103,87 điểm, tăng 142,88 điểm so với đầu năm, tương ứng tăng 14,86%; chỉ số HNX-Index tăng 100,61 điểm, tương ứng tăng hơn 98%. Như vậy, VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội so với chỉ số MSCI FM trong 5 năm trở lại đây.

Năm qua cũng chứng kiến sự bùng nổ và dẫn dắt của dòng tiền trên các sàn giao dịch chứng khoán.

Quy mô của các doanh nghiệp niêm yết cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Không khó để liệt kê các ngân hàng có lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, câu lạc bộ doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận nghìn tỷ đồng cũng có thêm nhiều gương mặt mới.

Sự trưởng thành của thị trường chứng khoán trong nước còn thể hiện rõ qua việc, các chủ doanh nghiệp phát hành tăng vốn một cách rất thận trọng.

Họ hạn chế pha loãng giá cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp lớn triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và trong nước, để cùng hướng đến các giá trị mới, giúp công ty vươn tầm với các dự án đầu tư có triển vọng hơn.

Thẳng thắn mà nói, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã hội nhập thành công, có thể cạnh tranh sòng phẳng với những “đối thủ” lớn trên sân chơi quốc tế, thiết lập các mốc tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận rất ấn tượng.

Về mặt vĩ mô, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam gia nhập gần đây đem lại cho chúng ta những kỳ vọng lớn, không chỉ với doanh nghiệp khi có thêm các thị trường mới, các điều kiện gia nhập sân chơi quốc tế thuận lợi hơn, mà quan trọng hơn là Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phù hợp với các cam kết của tổ chức quốc tế, đồng thời gia tăng cơ hội thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư.

Ngày càng có nhiều mô hình liên kết giữa nghiên cứu, sản xuất và thị trường nhằm tạo một chuỗi giá trị bền vững cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thích ứng với thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Chúng ta có thể kỳ vọng vào những chính sách khuyến khích, tạo cảm hứng nhiều hơn cho cộng đồng kinh doanh tham gia và chinh phục các thị trường tiềm năng. Đây chính là những nền tảng cơ bản cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tiềm năng lớn cho năm 2021

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%/năm. Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây công bố đều nâng kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Những thông điệp được đưa ra tại các cuộc họp triển khai kế hoạch năm của các bộ, ngành cho thấy, Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%, bởi vậy, năm 2021, tín dụng có thể tăng lên 13 - 15%, trở về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Thậm chí, với những động thái chính sách gần đây siết lại các quy định về đầu tư trái phiếu, đồng thời áp dụng các điều kiện chặt chẽ về huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ vượt kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Vào những ngày cuối năm 2020, đã có nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch huy động vốn qua thị trường chứng khoán cho các dự án đầu tư - kinh doanh tham vọng trong giai đoạn tới.

2021 cũng là năm có những thay đổi về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư khi rất nhiều luật mới có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường…

Dưới tác động của các chính sách vĩ mô như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận tiếp tục có những bước tăng trưởng lạc quan, thu hút sự quan tâm của người dân và các doanh nghiệp.

Một trong những câu chuyện được quan tâm lớn nhất trong năm nay là thông tin xoay quanh việc nâng hạng thị trường.

Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn. Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh chiều sâu

Có lẽ một năm trước, không có công ty chứng khoán nào dự báo thanh khoản thị trường lại nhanh chóng đạt đến mức xấp xỉ 20.000 tỷ đồng như hiện nay. Miếng bánh thị trường to ra là điều tích cực với các công ty chứng khoán, nhưng cạnh tranh cũng vô cùng quyết liệt, buộc các công ty chứng khoán ngày càng trưởng thành hơn.

Ảnh tác giả

Miếng bánh thị trường to ra là bối cảnh tích cực với các công ty chứng khoán, nhưng cạnh tranh cũng vô cùng quyết liệt, buộc mỗi công ty ngày càng phải trưởng thành hơn.

Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

Trước hết là khả năng phát triển tài chính tự lực để gia tăng quy mô của các công ty chứng khoán và sự phát triển quy mô ấy phải xuất phát từ hiệu quả của quá trình hoạt động.

Thứ hai, cạnh tranh về thị phần, đặc biệt là đối với hoạt động môi giới chứng khoán tiếp tục quyết liệt, buộc các công ty chứng khoán phải linh hoạt trong việc thiết kế, nghiên cứu các sản phẩm mới, điều hành hoạt động theo hướng tạo thuận lợi và đem đến lợi ích cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, năng lực phát triển nhân sự và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ mới của thị trường. Ðiều này rất quan trọng, vì chắc chắn, việc cho phép triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới với độ phức tạp ngày càng cao trên thị trường trong thời gian tới sẽ khá mạnh mẽ.

Thứ tư, năng lực tiếp cận và triển khai công nghệ trong hoạt động, đặc biệt là sự thích ứng với quy mô thị trường nở rộ như những ngày cuối năm 2020. Xu thế ứng dụng công nghệ trong việc thu hút thế hệ nhà đầu tư mới, áp dụng công nghệ trong cả việc phân tích dữ liệu, hỗ trợ cho quá trình tư vấn và đưa ra quyết định đầu tư vốn trước đây chỉ được xem là hoạt động của riêng các chuyên gia tư vấn đầu tư, nay buộc phải là các định hướng chiến lược của các công ty chứng khoán.

Kết quả hoạt động của Top 20 công ty chứng khoán trong 9 tháng đầu năm đã cho thấy, thị trường càng tăng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng về mọi mặt của các công ty chứng khoán dẫn đầu có sự vượt trội hơn so với bình quân thị trường.

Điều này minh chứng rằng, những công ty đứng yên sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu. Không có cách nào khác, đã tham gia “sân chơi” chứng khoán, chỉ có lựa chọn duy nhất là phải nâng cao nội lực hoạt động, chứ không chỉ phình ra bề rộng.

Dù muốn hay không, khối công ty chứng khoán sẽ phải chủ động để chuẩn bị cho một sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn hơn và thu hút nhiều hơn sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, dư địa phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất lớn, vấn đề là làm sao đẩy nhanh quá trình tiếp cận và thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư mới, có những định hướng chiến lược để thị trường phát triển lành mạnh bền vững, góp phần khơi thông các nguồn lực trong dân chúng, đưa vào sản xuất - kinh doanh.

Có như vậy, mục tiêu 5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán (hiện số tài khoản mới đạt trên 2% và tài khoản thực sự hoạt động chỉ đạt khoảng 10% trong số đó) đến năm 2025 theo định hướng của Chính phủ mới nhanh chóng đạt được.

Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ