Thách thức còn nhiều, nhưng cơ hội luôn rộng mở
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Thách thức từ dịch bệnh Covid-19 nhiều khả năng vẫn rình rập, nhưng cơ hội luôn rộng mở.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, các doanh nghiệp niêm yết, các thành viên thị trường góp ý cho hệ thống cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là hoạt động huy động vốn, công bố thông tin.
Với Luật Chứng khoán mới, điều kiện phát hành cổ phần, trái phiếu sẽ chặt chẽ hơn, nhưng không phải là để làm khó doanh nghiệp mà là hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn nhiều hơn, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn Luật về cơ bản đã “chốt”. Về công bố thông tin, yêu cầu cao hơn, nhưng sẽ có ứng dụng về mặt kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết trong việc thực hiện quy định.
Về quản trị doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong muốn các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào hoạt động này. Mục tiêu tăng cường quản trị doanh nghiệp trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đáng chú ý, năm nay, Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 100 doanh nghiệp ASEAN có điểm quản trị công ty tốt nhất, rất tự hào, nhưng mới chỉ có một doanh nghiệp.
Một số nội dung khác mong muốn các doanh nghiệp quan tâm hơn như bảo vệ cổ đông nhỏ, hoạt động của ủy ban kiểm toán, nâng cao chất lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập…
Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt cho việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Có những doanh nghiệp đã sẵn sàng, khi Bộ Tài chính phát lệnh có thể thực hiện ngay, nhưng số lượng này chưa nhiều. Lưu ý, áp dụng IFRS là con đường tất yếu phải đi.
Phát hành dưới mệnh giá phải có nguồn bù đắp
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Theo các quy định sắp có hiệu lực, bất kể hành vi mua bán, sáp nhập nào làm thay đổi 35% vốn của doanh nghiệp đều phải lập báo cáo tổng hợp tài chính theo quy ước.
Báo cáo này làm căn cứ để xem doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành cổ phiếu sau sáp nhập hay không.
Với quy định hiện nay, có doanh nghiệp lãi 10 tỷ đồng nhưng mua lại một doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng, sau đó doanh nghiệp hình thành sau mua bán, sáp nhập đó vẫn được phát hành vì xem xét trên báo cáo tài chính trước đó, mặc dù về bản chất doanh nghiệp mới hình thành sau cơ cấu lại đã khác.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định, trường hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng dưới mệnh giá và chào bán riêng lẻ dưới mệnh giá, doanh nghiệp phải có thặng dư vốn đủ bù đắp phần hụt khi phát hành dưới mệnh giá. Điều kiện này nhằm đảm bảo đáp ứng quy định của Luật Doanh nghiệp về việc không được góp vốn khống.
Các luật và văn bản hướng dẫn chuẩn bị có hiệu lực có nhiều quy định mới mà các doanh nghiệp niêm yết cần cập nhật.
Quản trị tốt giúp doanh nghiệp vững vàng trong khủng hoảng
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE. |
Từ năm 2008, HOSE cùng Báo Đầu tư khởi xướng Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên nhằm cải thiện tính công khai, minh bạch trong công bố thông tin và dần mở rộng ra các thông lệ tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững để trở thành Chương trình bình chọn Doanh nghiệp niêm yết như hiện nay.
Các doanh nghiệp được vinh danh là minh chứng cụ thể về quản trị tốt, giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, kiểm soát tốt chi phí nên dễ dàng vượt qua khủng hoảng và phục hồi nhanh.
Trong bối cảnh Việt Nam đứng trước cơ hội nhưng cũng có thách thức trong việc nâng hạng thị trường, hoạt động đầu tư thay đổi với xu hướng đầu tư có trách nhiệm được các nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút nguồn lực cho tăng trưởng cần nỗ lực nhiều hơn.
Năm nay, Ban Tổ chức không chỉ tổ chức Lễ trao giải đơn thuần mà mở rộng quy mô ra các doanh nghiệp niêm yết và phối hợp thành sự kiện Hội nghị Niêm yết 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp niêm yết hướng đến phát triển bền vững”, nhằm lan tỏa các điển hình và mong muốn các doanh nghiệp gắn phát triển bền vững với hoạt động kinh doanh cũng như kết nối các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung.
Nhiều mục tiêu quan trọng quyết tâm thực hiện năm 2021
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE. |
HOSE đang cùng Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc thực hiện dự án công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao dịch tích hợp cho thị trường, phấn đấu hoàn tất trong năm 2021.
Đồng thời, hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động quản lý, thẩm định niêm yết, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Quy chế công bố thông tin, Quy chế niêm yết chứng khoán.
Bên cạnh đó, HOSE sẽ hoàn thiện hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin (ECM).
Hiện tại, các công ty chứng khoán và khoảng 100 doanh nghiệp niêm yết đang thực hiện công bố thông tin thông qua hệ thống này.
Sở đang kết nối hệ thống công bố thông tin (IDS) của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu thành công, các doanh nghiệp trên HOSE chỉ phải thực hiện công bố thông tin với Sở và Sở công bố qua IDS, thay vì hiện nay, doanh nghiệp phải công bố cho cả hai. Đồng thời, tiến tới bỏ các báo cáo, công bố thông tin bằng văn bản giấy.
HOSE cũng sẽ xây dựng lộ trình phân bảng niêm yết, mục tiêu hoàn thành trong năm 2021; nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng, bổ sung tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, lợi nhuận trên quy mô vốn...
Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển sản phẩm mới. Năm 2020, HOSE đã triển khai thành công sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, có thêm 4 quỹ ETF mới, tuần này sẽ có một quỹ ETF nước ngoài đầu tiên huy động vốn và niêm yết trên Sở.
Xu hướng đầu tư các sản phẩm không phải cổ phiếu, trái phiếu thuần túy sẽ nổi bật hơn trong thời gian tới.
Theo đó, Sở sẽ nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu nhà đầu tư, chẳng hạn chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, hay mở rộng sản phẩm chứng quyền dựa trên chỉ số.