Thị trường chứng khoán sắp đón các đợt IPO lớn

(ĐTCK) Sự kiện VietnamAirline và PVCFC IPO đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Sau 2 ông lớn này, thị trường sẽ còn nhiều đợt IPO lớn và hấp dẫn khác, nhà đầu tư sẵn tiền do vậy có rất nhiều cơ hội kiếm lời.
Công ty Đạm Cà Mau sẽ IPO trong tháng 12 này

Ngày 30, 31/11, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietnamAirlines - VNA) tổ chức roadshow tại TP. HCM và Hà Nội nhằm giới thiệu, trao đổi và giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến đợt chào bán cổ phần ra công chúng và cổ phần hóa VNA.

49 triệu cổ phần VNA dự kiến được đấu giá trên HOSE ngày 24/11 tới được nhận định là một trong những đợt IPO được chờ đợi nhất trong năm 2014. Với giá khởi điểm 22.300 đồng/CP, vị thế hiện tại và tiềm năng của VNA trong tương lai cho phép dự đoán về một đợt IPO thành công, mang về tối thiểu 1.093 tỷ đồng.

Sau khi VNA công bố thông tin, nhiều nhà đầu tư trong nước đã bày tỏ mối quan tâm tới cổ phiếu của DN này. Có những nhà đầu tư cá nhân thông qua CTCK “đặt cọc” và cho biết sẽ bỏ ra khoảng vài ba tỷ đồng để mua cổ phần.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán VNA cho biết, sau khi IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, VNA sẽ nhanh chóng đưa cổ phiếu lên sàn tập trung vì UPCoM không phải là lựa chọn phù hợp với Tổng công ty. Với thông điệp này, rõ ràng nhà đầu tư cũng không cần lo ngại về việc cổ phiếu bị “om” lâu, khó thanh khoản.

Tháng 12, một đợt IPO với quy mô lớn hơn sẽ diễn ra với khoảng 259,4 triệu cổ phần của Công ty Đạm Cà Mau (PVCFC) được đấu giá qua HOSE.

Tương tự VNA, sự kiện này được nhận định sẽ thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư bởi nhiều lý do.

Nổi bật nhất có lẽ do PVCFC là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cổ phiếu họ dầu khí hiện vẫn là tâm điểm của thị trường, đảm nhận vai trò dẫn dắt suốt từ đầu năm đến nay.

Trên thị trường thứ cấp, cổ phiếu của những DN có tiềm năng hiện thị giá đã lên rất cao, khó đáp ứng được khẩu vị của nhiều nhà đầu tư cá nhân, do vậy, thị trường đang mong chờ những cơ hội mới. Trong khi đó, về mặt cơ bản, PVCFC có những lợi thế nhất định như quy mô doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, có tập đoàn mẹ chủ động nguồn khí cung cấp…

Ẩn số lớn với cổ phiếu PVCFC chính là cơ chế điều tiết giá khí mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PVCFC đã trình và xin ý kiến Chính phủ.

Theo nguồn tin của ĐTCK, Chính phủ đã đồng ý cho phép thực hiện cơ chế này. Điều đó đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu chắc chắn cho Đạm Cà Mau và đủ để thuyết phục nhà đầu tư. 

Theo kế hoạch mà lãnh đạo PVCFC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến, sau khi IPO, Đạm Cà Mau cũng sẽ xúc tiến các thủ tục để niêm yết cổ phiếu trên HOSE, có thể là ngay trong 6 tháng đầu năm 2015. Nếu điều này được khẳng định trong các đợt roadshow của Đạm Cà Mau tới đây, chắc chắn nhà đầu tư sẽ chấm thêm điểm cho cổ phiếu này.

Bởi vậy, để thị trường đón nhận và hấp thụ hết số lượng cổ phần trên, vấn đề quan trọng hiện nay chính là doanh nghiệp phải đưa ra được mức giá khởi điểm hợp lý.

Được biết, sau khi Chính phủ chốt lại phương án điều tiết giá khí cho Đạm Cà Mau, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp này đang rốt ráo họp để đưa ra mức giá khởi điểm cuối cùng, có lẽ sẽ cao hơn mức giá dự kiến trước đây.

Sẽ còn nhiều đợt IPO lớn và hấp dẫn khác, nhà đầu tư sẵn tiền do vậy có rất nhiều cơ hội kiếm lời. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vừa được điều chỉnh giảm tiếp, bỏ chút thời gian nghiền ngẫm thông tin, phân bổ một phần vốn vào những đợt đấu giá cổ phần của DN nhiều tiềm năng, có lẽ sẽ là lựa chọn thông minh trong thời gian tới.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục