Kế hoạch roadshow của Vietnam Airlines vào hai ngày cuối tuần này (30 và 31/10) đang rất được mong đợi. Thậm chí, đã có bình luận về khả năng tạo sóng của tên tuổi này trên thị trường.
Có thể thấy ngay, sự hấp dẫn của Vietnam Airlines với giới đầu tư bởi đây là một tên tuổi lớn, thậm chí được xếp vào hàng “khủng” của hoạt động cổ phần hóa trong năm 2014. Mối quan tâm này cũng đã xảy ra tương tự khi Vocarimex, Vinatex – những tập đoàn, tổng công ty của nhà nước công bố kế hoạch IPO vào giữa năm.
Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong kết quả của các đợt IPO này. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu vốn nhà nước trong các kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng đang chi phối khá lớn các kết quả này.
Vocarimex không chỉ bán hết mà còn có mức giá đấu bình quân khá tốt là 13.428 đồng/cổ phần, cao hơn 19% so với giá khởi điểm. Tỷ lệ vốn nhà nước còn lại sau các đợt bán chào bán cho công chúng và cả nhà đầu tư chiến lược của Vocarimex là 36%.
Trong khi đó, Vinatex không bán hết 122 triệu cổ phần đem ra bán, đạt khoảng 90%, với mức giá chào bán bình quân thành công là 11.000 đồng/cổ phần. Theo phương án đã được phê duyệt, cơ cấu vốn nhà nước của Vinatex là 51%; 24% còn lại dành cho nhà đầu tư chiến lược; 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, thực tế cho thấy, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, đang nhìn vào tỷ lệ phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa để quyết định các kế hoạch đầu tư.
“Không phải chỉ đến các đợt IPO này, những khó khăn trong việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng cũng như tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới được đặt ra. Thực tế các đợt IPO cho thấy, các phương án cổ phần hóa, chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp tự xây dựng không phải là mối quan tâm chính của nhà đầu tư. Đó là chủ quan của phía doanh nghiệp. Điều các nhà đầu tư quan tâm là cơ chế để họ thực sự tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Với nhà đầu tư chiến lược, họ phải nhìn thấy quyền được thay đổi các kế hoạch kinh doanh”, ông Muôn phân tích.
Có lẽ câu chuyện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn là một bài học kinh nghiệm tốt.
Đầu năm 2013, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã lựa chọn Cảng Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên để thực hiện cổ phần hóa trong hệ thống cảng biển của Vinalines. Phương án lúc đó là, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ, kết quả IPO không mấy thành công.
“Sau đó, tỷ lệ này đã được giảm xuống dưới 49% và vừa rồi, Bình Định đề xuất cổ phần hóa 100% Cảng Quy Nhơn. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song chúng tôi kiến nghị đồng tình với đề nghị này. Có như vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu cảng, đáp ứng nhu cầu hàng hoá thông qua cảng ngày càng tăng mới được đảm bảo. Nhà đầu tư cũng chỉ có thể làm được việc này khi có đủ quyền hạn. Kết quả cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng hàng thông qua Cảng đã gấp 3 lần các cảng khu vực miền Trung cộng lại”, ông Muôn cho biết.
Cũng phải nói thêm, bên cạnh sự khác biệt khá lớn giữa các phương án kinh doanh mang tính kỳ vọng của các doanh nghiệp cổ phần hóa và yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, đang có những sự không khớp trong thông tin của các doanh nghiệp cổ phần hóa tới thị trường.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, sự thành công của các đợt IPO không phải là các phương án được phê duyệt đúng quy trình hay không, mà quan trọng là các thông tin đưa ra thị trường.
“Nhà đầu tư cũng trao đổi với chúng tôi rằng, thông tin về các đợt IPO của không ít doanh nghiệp không đầy đủ và chưa đủ sức hấp dẫn. Đây là điều các doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa”, ông Tiến nói.
Hiện tại, đề xuất thành lập một tổ công tác để hỗ trợ các doanh nghiệp IPO đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất để đảm bảo thành công cho các đợt IPO tiếp theo, tránh lặp lại tình trạng IPO không có người mua như đã xảy ra hồi đầu năm 2014.
“Chúng tôi tham gia với tư cách tư vấn chứ không thể quyết định thành công của các đợt IPO. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là đề xuất hợp lý để mọi việc được cân nhắc ngay từ đầu”, ông Tiến nói nhưng chưa cho biết cụ thể thời gian thành lập của tổ tư vấn này.