Thị trường chứng khoán sắp có nhiều ‘thợ săn’ khủng

(ĐTCK) Minh Phú, Sơn Hà, Bảo vệ Thực vật An Giang… đều sắp có đối tác nước ngoài là các tập đoàn lớn trên thế giới. Thị trường Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và hiện vẫn được đánh giá là mảnh đất hấp dẫn để đầu tư.
AGPPS là DN hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long AGPPS là DN hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long

Chân dung “thợ săn”

Ông Nguyễn Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà cho biết, có 3 đối tác là những tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đang thương thảo để đầu tư vào chuỗi siêu thị Highway của Công ty. Chưa chốt lại phương án bán cả hay bán một phần, song các nhà đầu tư đều muốn đẩy nhanh việc hợp tác, trước thời điểm năm 2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO. Một trong những vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có sự hỗ trợ từ đối tác nội là việc hoàn tất các thủ tục và làm quen với văn hóa Việt Nam.

Cách đây không lâu, thương vụ nhà đầu tư Thái Lan bỏ ra gần 600 triệu euro mua lại toàn bộ Metro Việt Nam đã tốn không ít giấy mực của báo giới.

Giới chuyên môn đang trao đổi rằng, Big C đang đàm phán với đối tác nước ngoài để bán cổ phần, ngoài ra Oceanmart cũng đã có nhà đầu tư chiến lược. Trong thương vụ của Oceanmart, phía nước ngoài sở hữu tới 70%.

Sự bận rộn của các công ty bán lẻ không phải là ngoại lệ. Ở các lĩnh vực khác, nhà đầu tư nước ngoài đều đang đổ tiền vào những địa chỉ tiềm năng, trong đó thu hút nhất là những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, hiện Tập đoàn đang thương thảo với 3 nhà đầu tư quan tâm tới cổ phần Minh Phú. Đây là những tập đoàn lớn trên thế giới, muốn bắt tay với Minh Phú để gia tăng vị thế của cả hai bên trên thị trường thủy sản thế giới.

Không thể tiết lộ tên bởi cam kết bảo mật với các đối tác, song ông Quang cho biết, những nhà đầu tư này sẵn sàng trả giá rất cao để mua lượng lớn cổ phần của Công ty.

Tại CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), thương vụ VinaCapital và một số nhà đầu tư khác trong liên minh bán toàn bộ 34% cổ phần tại doanh nghiệp cho Quỹ đầu tư SPCE thuộc Standard Chartered cũng sắp đi đến bước cuối cùng. Theo nguồn tin của ĐTCK, nhà đầu tư mới chấp nhận mua cổ phần từ VinaCapital với giá cao hơn 20% so với giá thị trường. Giá trị của thương vụ này ước khoảng 1.800 tỷ đồng.

Standard Chartered là định chế tài chính lớn trên thế giới và có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam. Không dễ để họ bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư vào một doanh nghiệp Việt nếu không nhìn thấy tương lai và khả năng đem lại lợi nhuận khả thi. Được biết, bước đầu SPCE sẽ mua lượng lớn cổ phần của AGPPS, sau đó một số nhà đầu tư lớn khác có nhu cầu và có thiện chí, có thể trở thành cổ đông của Công ty và mua lại một phần cổ phiếu từ SPCE. Trước đó, Standard Chartered cũng đã cam kết rót khoảng 70 triệu USD cung cấp vốn đầu tư cho AGPPS, trước mắt hai bên sẽ giải ngân khoảng 45 triệu USD. 

Sự cẩn trọng của doanh nghiệp Việt

Những doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn để mắt đến thường thuộc nhóm có tiềm năng phát triển, hoạt động trong các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Bởi vậy, một mặt rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cân nhắc rất kỹ càng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

Trong câu chuyện của Minh Phú, ông Quang nói rằng, dù nhà đầu tư nước ngoài có lớn cỡ nào chăng nữa, trả giá cao bao nhiêu chăng nữa, tiêu chí lớn nhất khi lựa chọn cổ đông chiến lược, với ông là sự cam kết win-win. Trước đó, Minh Phú đã rút ra bài học lớn khi hợp tác với Tập đoàn CP (Thái Lan) bất thành, bởi trong bản hợp đồng phía nước ngoài đưa ra có “cài” nhiều điều khoản mà nếu không tỉnh táo, doanh nghiệp Việt có thể bị “nuốt chửng” ở thời điểm nào đó trong tương lai.

Ngoài lý do có thể bị thâu tóm, sự cẩn trọng của những doanh nghiệp Việt không thừa, vì nếu những nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong cùng lĩnh vực tham gia đầu tư vào DN, họ thường được khảo sát, tiếp cận với hệ thống sổ sách, khách hàng và trong nhiều chừng mực nào đó, doanh nghiệp có thể bị “lộ” bí mật kinh doanh.

Với AGPPS, lãnh đạo DN cũng cẩn trọng không kém bởi trước đó đã rơi vào tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với VinaCapital. Cam kết ủng hộ chiến lược của Công ty và hạn chế can thiệp quá sâu và hoạt động doanh nghiệp là những điều kiện lãnh đạo AGPPS đặt ra khi cơ cấu lại cổ đông nước ngoài.          

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục