Đối tác ngoại đánh giá cao AGPPS

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam, bao gồm cả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, vẫn được xem là lĩnh vực có nhiều rủi ro, khi phần lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam có chất lương thấp so với gạo các nước như Thái Lan.
Đối tác ngoại đánh giá cao AGPPS
Gạo Việt Nam đang phải bán với giá thấp trên thị trường thế giới. Cụ thể, gạo Thái Hommali bán giá 950 USD/tấn, trong khi gạo hương lài Việt Nam chỉ bán với giá 550 USD/tấn.

Chính vì điều này, nông dân Việt Nam rất cần những công ty có thể giúp họ định hướng chuyển đổi ngành công nghiệp gạo Việt Nam sang chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững và kiểm soát quy trình canh tác tốt hơn, tạo thêm nguồn động lực cho người nông dân trồng và bán lúa gạo ở giá trị cao hơn. Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) đã trở thành “bạn của nhà nông” khi coi đây là sứ mệnh của công ty và cam kết thực hiện với hướng đi riêng của mình.

Được thành lập từ  năm 1993, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang hiện nay là một trong những công ty dẫn đầu trên thị trường sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Với mạng lưới phân phối gồm 25 chi nhánh và gần 500 đại lý bán buôn trên khắp cả nước, Bảo Vệ An Giang hiện đang kiểm soát tới 1/3 thị phần thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ dừng lại ở đó, kể từ năm 2010, Công ty đã mở rông hoạt động sang lĩnh vực xay xát, chế biến và bán gạo theo quy trình bền vững. Hiện tại, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã có 5 nhà máy xay xát và chế biến gạo, với công suất chế biến của mỗi nhà máy là 200.000 tấn thóc một năm. Mục tiêu của Công ty là trong vòng 4 năm nữa, số nhà máy sẽ nâng lên con số 12 để có thể phục vụ cho một vùng trồng lúa rộng tới 316.000 héc-ta, tương đương với 8,1% diện tích của đồng bằng song Cửu Long.

Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital - một trong những cổ đông của Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang - cho rằng, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đang làm theo đúng chiến lược tập trung vào khách hàng để phát triển.

“Cũng giống như những công ty Việt Nam thành công khác như Thế giới Di động, Masan hay PNJ, Bảo vệ thực vật An Giang đang hoạt động theo một nguyên tắc kinh doanh tương tự. Công ty lắng nghe khách hàng và quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đối với Công ty, khách hàng chính là nông dân,” ông Freund nói.

Đối với những người nông dân, Bảo vệ thực vật An Giang không tài trợ cho họ. Những gì Công ty làm là tiến hành hỗ trợ người nông dân cải thiện sự ổn định bền vững trên các cánh đồng, như cải thiện chất lượng đất gieo trồng bằng việc từng bước tăng thêm các nguyên liệu hữu cơ do người nông dân sử dụng.

Trong khi nhiều công ty vẫn còn e ngại về những rủi ro có thể xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp, sự kết nối tốt với người nông dân đã thực sự là một hướng đi tốt bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Bảo vệ thực vật An Giang.

Ngay từ năm 2006, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện một chương trình có tên là “Cùng người nông dân ra đồng”. Đây là một chương trình cung cấp dịch vụ tư vấn cho người nông dân với những giải pháp kỹ thuật và khoa học hiện đại. Phần đặc biệt nhất của chương trình này là công ty đã lập ra một đội có tên gọi là “3 cùng”, bao gồm hơn 1.100 kỹ sư nông nghiệp. Những kỹ sư này sẽ sống cùng, ăn cùng và làm việc cùng với người nông dân, nhằm giúp họ nâng cao kỹ thuật trồng trọt để cho ra sản lượng tốt hơn và chất lượng cao hơn.

Ngược lại, khi làm việc cùng với những người nông dân, các kỹ sư của Công ty có thể học được những kinh nghiệm quý báu và chia sẻ kinh nghiệp về sản xuất với nông dân. Thực tế, đây chính là một chương trình chia sẻ lợi nhuận cùng với người nông dân thông qua con người và những công việc cụ thể. Tất nhiên, biện pháp này cũng giúp Bảo vệt thực vật An Giang phát triển việc kinh doanh của mình bằng cách thường xuyên trao đổi với khách hàng.

“Đây chính là bí mật thành công của một công ty đang tăng trưởng nhanh. Quan tâm tới khách hàng, lắng nghe họ và giúp họ giải quyết những vấn đề.” ông Freund nói.

Một điểm nữa khiến Bảo vệ thực vật An Giang thành công cũng chính là nhờ vào sự đồng thuận của toàn bộ đội ngũ nhân viên của Công ty. Đánh giá về điều này, ông Freund cho biết, trong nhiều năm qua, ông đã gặp và tiếp xúc với hơn 100 nhân viên của Bảo vệ thực vật An Giang, cũng như tham dự một số đại hội cổ đông thường niên và nhận thấy rằng tất cả đều rất nhiệt huyệt với sứ mệnh của công ty trong việc cải thiện đời sống của người nông dân.

“Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, ông Huỳnh Văn Thòn, đã rất xuất sắc trong vai trò lãnh đạo nhằm tạo ra một mục tiêu chung cho toàn Công ty,” ông Freund nói.

Theo ông Freund, nhờ chiến lược đúng đắn của Bảo vệ thực vật An Giang, mà khoản đầu tư của Vietnam Azalea Fund (một quỹ do Mekong Capital quản lý) vào Công ty Bảo vệ thực vật An Giang hoạt động rất hiệu quả.

“Giá trị khoản đầu tư, tính cả cổ tức đã nhận, đã tăng lên 3,5 lần so với khi chúng tôi đầu tư vào năm 2008. Ở thời điểm này, tôi hài lòng hơn bao giờ hết vì cơ hội phát triển mà công ty hiện đang có trong các lĩnh vực như gạo, cung cấp các giải pháp cho nông dân Việt nam để tăng sản lượng,” ông Freund nói.

T.V

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục