Thị trường chứng khoán: Động lực từ lợi nhuận phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nhịp điều chỉnh là cơ hội mua vào ngắn hạn với những cổ phiếu có câu chuyện lợi nhuận phục hồi, dù ở từng ngành khác nhau.

VN-Index sau khi vượt 1.300 điểm đã có những phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhịp tăng dài hạn tiếp tục duy trì. Giai đoạn uptrend 2020 - 2021 có 4 sóng tăng mạnh, còn hiện tại, VN-Index vẫn nằm trong sóng tăng thứ 2 nên kỳ vọng vẫn còn lớn. Mức đỉnh điểm đồng pha Fed giảm lãi suất có thể sẽ làm chỉ số chứng khoán trong nước hướng lên vùng cao hơn.

Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn chịu tác động từ đà bán ròng của khối ngoại và áp lực chốt lời sau thời gian tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ số hiện cải thiện nhiều khi độ dốc đường trung bình ngắn hạn hướng lên và mở rộng cho thấy xung lực dòng tiền đang mạnh.

Hiện tại, đà tăng đã lan tỏa ra hầu hết các ngành, ngay cả nhóm phòng thủ cũng tăng giá. Cổ phiếu chia làm hai thái cực: nhóm tăng vượt đỉnh cũ thì tiếp tục tăng mạnh, nhóm chưa tăng thì còn nằm dưới. Ngoài ra, có nhóm cổ phiếu vượt xu hướng giảm dài hạn. Vì thế, tỷ lệ phục hồi mở tài khoản mới là động lực trong thời gian tới.

Một số nhóm ngành hiện được chúng tôi quan tâm với tư cách nhà đầu tư cá nhân, trong đó có nhóm cảng biển, vận tải biển. Giá cước một container 40 feet hồi tháng 3/2024 là 2.900 USD, đến tháng 6 đã lên tới 7.300 USD, tăng hơn gấp 2 lần do thiếu container rỗng cùng nhiều lý do khác.

Nguyên nhân trực tiếp có thể là cảng Singapore tắc nghẽn, làm các tàu chờ đợi ngoài khơi tới tận 7 ngày mới được neo đậu vào cảng, thay vì chỉ nửa ngay như trước kia. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do khủng hoảng Biển Đỏ, khi phiến quân Houthi bắn tên lửa vào tàu hàng và tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này, nên các tàu hàng phải điều hướng. Nhu cầu các cảng ở Đông Nam Á đang rất lớn khi cảng ở Malaysia cũng tắc nghẽn. Việc này làm cảng biển và hãng tàu Việt Nam hưởng lợi từ luồng tàu ghé vào tăng và giá cước vận tải đang rất cao. Các cổ phiếu tiềm năng trong nhóm này là GMD, HAH, VSC, VOS, VTO, PVT, VIP, HPG (sản xuất container)...

Nhóm thứ hai là thép. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cho thấy chu kỳ tăng giá thép thành phẩm sắp bắt đầu. Các doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn, tồn kho giá rẻ như Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) và Tôn Đông Á (mã GDA) có thể hưởng lợi lớn từ đợt phục hồi này. Riêng Thép Nam Kim (mã NKG), ngoài tồn kho thì dự án Nhà máy Phú Mỹ có thể là điểm nhấn tăng trưởng trong tương lai. Ngoài ra, Tôn Đông Á đang có kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất trong tương lai với triển vọng nhà máy mới và có thể chuyển sàn HOSE trong tương lai.

Ngoài ra, HVN (của Tổng công ty Hàng không Việt Nam) cũng là cổ phiếu đáng chú ý, nhờ lợi thế độc quyền, giá vé cao, lượng tàu bay nhiều và đà hồi phục tích cực của du khách so với trước đại dịch Covid-19. Nhịp độ khớp lệnh cổ phiếu HVN hiện rất mạnh và dốc, nên kỹ thuật chọn điểm mua an toàn khi điều chỉnh mạnh là rất khó. Vì thế, trạng thái đầu tư HVN là chọn tỷ trọng nhỏ, nhưng thích hợp với những ai yêu thích mạo hiểm.

VGI (của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel) cũng là một cổ phiếu được kỳ vọng lớn. Lợi nhuận của VGI tăng trưởng mạnh, với biên lợi nhuận đạt 55%, hiếm doanh nghiệp nào trên sàn làm được. Kết thúc quý I/2024, VGI ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt ở mức 7.907 tỷ đồng và 1.296 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 248,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính đến từ sự tăng trưởng của cả 9 thị trường Công ty đang hoạt động, trong đó 5 thị trường tăng trưởng doanh thu ở mức 2 chữ số như Lumitel (tăng 29%), Unitel (tăng 24%), Movitel (tăng 22%), Natcom (tăng 18%) và Metfone (tăng 13%). Điều này cũng nằm trong định hướng kế hoạch năm 2024 khi VGI đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, với cơ cấu tăng trưởng truyền thống ở mức hơn 10% và tăng trưởng dịch vụ ngoài viễn thông ở mức 20 - 30%.

Trong khi đó, lợi nhuận của Công ty cao là do tạm ngưng mở rộng thị trường mới và hết khấu hao ở các thị trường. Trích lập rủi ro thị trường Myanmar giảm mạnh nhưng còn 5 - 6 quý nữa sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực thì Viettel đã trở thành nhà mạng số 1 tại Myanmar, khi các nhà mạng khác rút khỏi thị trường này.Việc lợi nhuận cao có thể thúc đẩy việc chia cổ tức trong tương lai.

Thêm một yếu tố nữa hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu VGI là lượng cổ phiếu giao dịch tự do hiện chỉ chiếm 1% cổ phần của Công ty, với hơn 30 triệu đơn vị.

Định giá cổ phiếu VGI còn được cộng hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn sóng. Việc định giá cơ bản đối với nhóm cổ phiếu công nghệ rất khó, như câu chuyện cổ phiếu Microsoft, Tesla, Nvidia nên cung cầu và kỳ vọng lợi nhuận có lẽ là các yếu tố nhà đầu tư cá nhân nhìn vào.

Lê Hoàng (nhà đầu tư)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục