VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2024, với mức giảm 2,26%. Dấu hiệu mất phương hướng xuất hiện ở các nhóm nhà đầu tư khi nhà đầu tư cá nhân đầu tuần mua ròng nhưng cuối tuần lại bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tuần bán ròng nhưng cuối tuần lại mua ròng.
Thị trường chứng khoán quốc tế bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của một nhịp điều chỉnh sau quá trình tăng giá kéo dài từ cuối năm 2023. Gần đây, trên thị trường chứng khoán Mỹ có hiện tượng lạ khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng trở lại, bất chấp Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) phát đi thông điệp chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, dự kiến có 3 đợt, đưa lãi suất về mức 4,5 - 4,75%/năm. Dường như giới đầu tư ở phố Wall không thực sự tin tưởng vào kế hoạch này của Fed, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ “khỏe” hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, nên lạm phát chưa giảm như kỳ vọng. Thị trường đang tin vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất muộn hơn, hoặc có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn, khiến các thị trường tài sản rủi ro cao hơn tiền số, cổ phiếu chững lại đà tăng.
Dù vậy, chúng tôi nhận thấy, rủi ro trên thị trường chứng khoán Mỹ chưa lớn, nhịp giảm này là cần thiết sau quá trình tăng giá nhanh trước đó. Chỉ báo VIX đo lường mức độ biến động cũng như tâm lý nhà đầu tư đối với chỉ số S&P 500 vẫn ở vùng thấp, điều này chưa cho thấy sự hoảng loạn của các “tay chơi” ở phố Wall. Trong trường hợp chỉ báo VIX tăng vượt mức 22 điểm thì đó sẽ là dấu hiệu rủi ro cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Trong nước, sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND chính là chủ đề thu hút sự chú ý nhất của các nhà đầu tư. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt bằng cách phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO), nhưng tỷ giá bán ra được niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn trên mức 25.000 trước áp lực tăng giá mạnh của chỉ số US Dollar (DXY) trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, VND đã mất giá 2,5% so với USD.
Dù tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát (mục tiêu tỷ giá năm nay là biến động không quá 4%), nhưng với đà tăng nhanh trong thời gian qua và lộ trình cắt giảm lãi suất chưa rõ ràng của Fed có thể khiến Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng những công cụ mạnh hơn để kiềm chế tỷ giá.
Trên thị trường chứng khoán, việc thanh khoản ở hệ thống ngân hàng đang bị thu hẹp qua động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Trung ương khiến dòng tiền trên thị trường khó có thể dồi dào thêm, từ đó cản trở khả năng bứt phá của VN-Index, thậm chí dòng tiền trên thị trường thu hẹp lại, dẫn đến áp lực giảm điểm.
Theo dữ liệu thống kê, hiệu suất sinh lời trung bình của các cổ phiếu trên toàn thị trường gần đây tương đối thấp. Nếu nhà đầu tư mua một cổ phiếu bất kỳ vào đầu tháng 3/2024, thì mức lãi trung bình là 2,7%; mua cách đây 2 tuần, mức lãi trung bình chỉ 0,5%; mua cách đây 1 tuần, nhà đầu tư gần như thua lỗ. Điều này phản ánh thực tế là khả năng kiếm được lợi nhuận trong giai đoạn hiện nay rất khó, dù có kiếm được thì mức sinh lời cũng quá thấp so với mức lỗ tiềm năng.
Chúng tôi nhận thấy thị trường đang trong trạng thái lưng chừng, rất khó để tìm kiếm lợi nhuận, với xác suất thấp chọn được đúng mã cổ phiếu tăng giá và rủi ro lớn hơn nhiều so với cơ hội. Sự ổn định vĩ mô là nền tảng cần thiết cần phải có để nhà đầu tư tự tin hơn, vùng giá quanh 1.200 điểm trên VN-Index là khu vực mà chúng tôi đang kỳ vọng có thể cân nhắc mua vào.