Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết: Tín hiệu vui từ quý I

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm 2023 đầy khó khăn, bước sang năm 2024, các doanh nghiệp đã tăng tốc hoạt động. Với kết quả quý I khởi sắc, kỳ vọng nhiều doanh nghiệp sẽ có một năm sáng sủa hơn.
Tình hình đơn hàng của TCM trong các tháng đầu năm 2024 khá tích cực Tình hình đơn hàng của TCM trong các tháng đầu năm 2024 khá tích cực

Tín hiệu khả quan

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 84,96 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu điện thoại và phụ tùng, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, da giày…

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may tiết lộ, quý I, ước tính doanh thu của Công ty đạt 39 triệu USD, tương đương 967 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt 2,5 triệu USD, tương đương 62 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM, hiện đơn hàng quý II đã xác nhận được 85%, quý III nhận được 80% và “theo tình hình này, Công ty kỳ vọng hoàn thành mục tiêu năm 2024”.

Đại hội cổ đông thường niên của TCM, tổ chức mới đây, đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt hơn 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 161,2 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 21% so với mức thực hiện năm ngoái. Với kết quả ước đạt của quý I/2024, Công ty đã thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu năm và 38,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp khác trong ngành dệt may là Tổng công ty May 10 (mã M10) đã chia sẻ kết quả kinh doanh quý I/2024, với tổng doanh thu đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng gần 29%.

Nền kinh tế có tín hiệu khởi sắc hơn, cùng những diễn biến mới có lợi cho các doanh nghiệp đầu mối ngành kinh doanh xăng dầu giúp kết quả kinh doanh quý I/2024 của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã OIL) tích cực hơn.

Cụ thể, theo PVOIL, trong quý đầu năm, sản lượng kinh doanh xăng dầu của Tổng công ty đạt gần 1,4 triệu m3/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; doanh thu hợp nhất đạt 29.400 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong quý I, Công ty đã phát triển thêm 33 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trên toàn hệ thống lên con số 789.

Năm 2024, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu đạt 83.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 740 tỷ đồng. Với kế hoạch này, Tổng công ty đã thực hiện được 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 3 tháng.

Một số doanh nghiệp trong ngành ngân hàng cũng công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) báo lãi trước thuế 1.506 tỷ đồng trong giai đoạn này, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Hay Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt 2.600 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Trải qua năm kinh doanh đầy khó khăn do sức cầu giảm sút mạnh, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) cho tín hiệu tích cực hơn trong những tháng đầu năm 2024. Thông tin từ MWG cho biết, trong hai tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 21.613 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo MWG, trong quý I, Công ty tiếp tục quá trình rà soát mọi hoạt động vận hành để cải thiện lợi nhuận tuyệt đối của chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh. Sau 5 tháng quyết liệt triển khai tái cấu trúc kể từ quý IV/2023, các chỉ số về hiệu quả hoạt động đang ghi nhận sự chuyển biến tích cực.

Kỳ vọng khôi phục đà tăng trưởng

Năm 2024, Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã SVC) dự kiến trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh chính: sản lượng tiêu thụ đạt 36.595 xe; doanh thu đạt 24.230 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với mức thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 124,9 tỷ đồng, tăng trưởng 181% so với mức thực hiện của năm 2023; chia cổ tức tỷ lệ 5%.

Chia sẻ về kế hoạch này, lãnh đạo Savico cho biết, Ban điều hành, Hội đồng quản trị đã nghiên cứu thị trường và dự đoán thị trường ô tô năm nay sẽ tăng trưởng 5 - 7% so với năm 2023. Trên cơ sở bài học thực tế năm 2023, Ban điều hành Savico tập trung cải thiện giá bán và biên lợi nhuận do không còn tình trạng tồn kho cao như giai đoạn nửa đầu năm 2023; tích cực tinh gọn, tối ưu hiệu quả bộ máy để giảm chi phí.

Phân tích về các yếu tố tích cực cho thị trường ô tô năm 2024, Savico cho biết, việc giảm thuế VAT 2% tiếp tục được áp dụng cho giai đoạn tiếp theo là thông tin có lợi. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, hạ tầng giao thông với dự án cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai với sự quan tâm thúc đẩy của Chính phủ, từ đó nhu cầu mua ô tô của thị trường sẽ tiếp tục tăng. Tốc độ sở hữu ô tô đối với người dân Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, ở Việt Nam, chỉ khoảng 50 xe/1.000 người, trong khi các nước như Trung Quốc, Thái Lan đều đạt khoảng 300 xe/1.000 người, Malaysia đạt khoảng 535 xe/1.000 người. Đây là cơ hội rất lớn cho thị trường trong mục tiêu dài hạn.

Trong ngắn hạn, Savico vẫn cần có chính sách chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy giá trị gia tăng. Về dài hạn, cần nắm bắt cơ hội thị trường, tiếp tục làm việc với các đối tác để phát triển showroom, tính đến mục tiêu năm 2026 có 120 showroom trên toàn quốc.

Ở khối dệt may, các doanh nghiệp đều nhận định bối cảnh kinh doanh còn nhiều thách thức, cạnh tranh cao, tiến độ gấp, nhiều đơn hàng trong nửa cuối năm 2024, giá dự kiến có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Dù nhận định tình hình kinh doanh còn nhiều thách thức nhưng TCM đã chuẩn bị các kế hoạch để có tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tiếp theo. Công ty đã đầu tư vào Nhà máy SY Vina, một nhà máy nhuộm. TCM cho biết đang cần giấy phép nhuộm nên việc đầu tư vào SY Vina là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm hơn so với việc đầu tư nhà máy nhuộm ở Vĩnh Long. Sản phẩm từ Nhà máy SY Vina được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Công ty cũng đang tìm đối tác chuyển nhượng dự án tại Vĩnh Long, Trảng Bàng, nếu chuyển nhượng thành công sẽ ghi nhận lợi nhuận trong năm nay.

Thông tin từ Tổng công ty May 10 cho biết, để tăng trưởng trong năm nay, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng. Đồng thời, Công ty đầu tư nguồn lực cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, mẫu mới… Doanh nghiệp sẽ tận dụng từng cơ hội để mở rộng thị trường.

MBS dự phóng lợi nhuận quý I của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã GEX) tăng trưởng 286% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng khá cao từ mức nền thấp của năm ngoái. Năm nay, Công ty dự kiến ghi nhận lợi nhuận từ thoái vốn điện gió khoảng 1.000 tỷ đồng (hoàn thành trong nửa đầu năm). Chuyên gia MBS dự báo lợi nhuận cả năm của GEX có thể đạt mức tăng trưởng 180% so với mức thực hiện năm ngoái.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, trong quý I, các nhóm doanh nghiệp dệt may, thủy sản xuất khẩu, doanh nghiệp vận tải có thể tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, nhóm sản xuất thực phẩm, bán lẻ và hóa chất kỳ vọng có kết quả tích cực. Riêng nhóm bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi từ đón dòng vốn FDI tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng.

Lợi nhuận doanh nghiệp có sự phân hóa, nhưng sự phục hồi rõ nét ở nhiều ngành nghề góp phần tạo nên bức tranh nhiều khởi sắc của kết quả kinh doanh quý I. Doanh nghiệp đã chuẩn bị nội lực để nắm bắt các cơ hội, tiến tới hoàn thành mục tiêu kinh doanh trong năm 2024.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục