Thị trường chứng khoán, chờ đợi “sóng mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên nền tảng kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ tăng trưởng khả quan.
Thị trường chứng khoán, chờ đợi “sóng mới”

Kinh tế 2024: phục hồi

Năm 2023 được cho là một năm “tạo đáy” của một pha suy thoái và kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 nhờ các động lực sau:

Thứ nhất, áp lực lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt: Lạm phát hạ nhiệt giúp cho các NHTW dần chuyển từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng. Rất nhiều luận điểm cho rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất từ tháng 3/2024, điều này sẽ làm giảm áp lực lãi suất cũng như tỷ giá.

Thứ hai, thị trường bất động sản kỳ vọng phục hồi: Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 là một phần tạo ra động lực tăng trưởng cho ngành này. Mục tiêu mà Luật Đất đai mới hướng tới để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, tránh đầu cơ, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, những doanh nghiệp có tài chính đủ lành mạnh, có năng lực phát triển bất động sản tốt, có quỹ đất sạch sẽ được hưởng lợi.

Thứ ba, nhu cầu năng lượng gia tăng: Tăng trưởng GDP luôn gắn liền với nhu cầu gia tăng về năng lượng. Theo EVN, tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm dự báo trong năm 2024 là 8,9%. Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu sản lượng điện thương phẩm của Chính phủ dự kiến tăng trưởng 11%/năm trong giai đoạn 2022-2025 và 9% trong giai đoạn 2025-2030.

Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì năm 2024 được coi là giai đoạn quyết định để hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, năm 2024 Chính phủ sẽ bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Giải ngân đầu tư công năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng 35 - 40% so với năm 2023.

Thứ năm, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài: Với tình hình chính trị ổn định, lạm phát duy trì ổn định, lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, quan hệ đối tác vừa được nâng cấp, củng cố với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… là những điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Tuy nhiên, một vài biến số có thể tác động tiêu cực, bao gồm áp lực lạm phát có thể tăng cao hơn; thị trường bất động sản thiếu vắng thanh khoản và gây áp lực dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng; căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, Trung Đông tiếp tục gây ra đứt gãy chuỗi vận tải cung ứng hàng hoá trên toàn cầu.

Chờ đợi “sóng mới”

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 với một số mục tiêu cụ thể:

* Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

* Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể đó, Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường phát triển đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, câu chuyện các doanh nghiệp mới IPO và niêm yết cũng là điểm hấp dẫn cho năm 2024. Theo nội dung Quyết định 1726/QĐ-TTg, một trong những giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thị trường sẽ khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết. Cùng với đó, một số công ty có quy mô lớn như Vietel Post (VTP), Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), An Bình Bank (ABB)… có kế hoạch chuyển sàn kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới.

Hệ thống KRX đưa vào vận hành từ năm nay là bước đệm cho phát triển thị trường chứng khoán. Mặc dù chưa ấn định được thời gian chính thức đi vào vận hành, nhưng hiện tại các cơ quan chuyên trách cùng các thành viên giao dịch luôn nỗ lực 24/7 để đưa hệ thống vào vận hành sớm nhất và mục tiêu triển khai thành công vào nửa đầu năm 2024.

Nền tảng chính của thị trường chứng khoán là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ sự hồi phục của nền kinh tế dẫn tới kỳ vọng của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng ước tính từ 15 - 18%, tương ứng P/E thị trường đạt 11,8 - 12,5 lần là cơ sở để hấp dẫn nhà đầu tư.

Công ty Chứng khoán APG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ