Thị trường chứng khoán 2021: Kỳ vọng tiếp tục bứt phá nhờ lực đẩy mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mặt bằng lãi suất thấp…, nên thị trường chứng khoán thu hút mạnh mẽ dòng tiền.
Kể từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Toàn Kể từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Toàn

Kinh tế hồi phục mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam năm 2020 được dự báo có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V nhờ khống chế dịch bệnh Covid-19 hiệu quả và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu MBS.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu MBS.

Cho đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá hàng đầu thế giới về mức độ ổn định. Các cân đối vĩ mô tuy gặp thách thức trong năm 2020, nhưng các nhân tố cơ bản đều được giữ vững bao gồm lạm phát ổn định, đồng nội tệ vững vàng, cán cân thanh toán thặng dư, xuất khẩu tăng trưởng…

Các cân đối vĩ mô của Việt Nam ổn định tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và các thị trường tài sản.

Ngoài ra, mức nợ/GDP giảm trong các năm trước tạo điều kiện cho Chính phủ áp dụng các biện pháp tài khóa hỗ trợ nền kinh tế.

Thâm hụt ngân sách dự kiến tăng do nguồn thu giảm vì Covid-19, trong khi chi ngân sách tăng do các biện pháp tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, nhưng mặt bằng lãi suất thấp đảm bảo khả năng huy động của Chính phủ để cân đối ngân sách.

Chứng khoán toàn cầu lội ngược dòng

Các ngân hàng trung ương hỗ trợ thanh khoản mạnh mẽ giúp thị trường chứng khoán nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của Covid-19. Chỉ số MSCI All - Country World Index hiện có mức điểm cao hơn trước khi xảy ta đại dịch.

Những gói kích thích tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương mà đại diện là nhóm G4 (Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản) đã tạo động lực mạnh mẽ giúp thị trường tài chính nhanh chóng ổn định và phục hồi sau đợt bán tháo vào tháng 3/2020.

Hiện tại, tổng tài sản của nhóm ngân hàng trung ương G4 theo số liệu của Bloomberg đã lên mức kỷ lục là 23.200 tỷ USD.

Bên cạnh hạ lãi suất, các ngân hàng trung ương bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính, triển khai nhiều chương trình cho vay và mua trái phiếu (của cả chính phủ và doanh nghiệp) nhằm duy trì hoạt động của các thị trường tài chính, ngăn chặn suy thoái kinh tế. Điều này khiến quy mô bảng cân đối tài sản của các ngân hàng trung lương tăng lên mức cao kỷ lục.

Kết quả, hầu hết thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, có những thị trường thiết lập đỉnh mới như Mỹ. Nhóm tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng… cũng thu hút dòng tiền. Riêng USD đang có xu hướng giảm nhẹ và dầu thô vẫn chưa trở về mức giá trước đại dịch.

Chứng khoán Việt Nam không là ngoại lệ

Đại dịch Covid-19 khiến chỉ số VN-Index từng giảm 32% trong quý đầu năm 2020, nhưng kể từ tháng 4 bắt đầu phục hồi và nhanh chóng lấy lại điểm số đã mất. Tính đến cuối năm 2020, chỉ số đạt trên 1.100 điểm, tăng gần 15% so với cuối năm 2019. Thanh khoản đột biến khi giá trị giao dịch trung bình trong năm 2020 là 6.237 tỷ đồng/phiên, tăng 33,7% so với năm 2019, trong đó tháng cuối năm có nhiều phiên đạt giá trị 12.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên.

Chỉ số VN-Index kết thúc năm 2020 đạt trên 1.100 điểm, tăng gần 15% so với cuối năm 2019 và tăng 70% so với mức đáy trong năm.

Thanh khoản thị trường tăng cao nhờ dòng tiền mới khi có thêm 330.000 tài khoản được mở - một mức tăng kỷ lục, nâng tổng số tài khoản lên con số hơn 2,7 triệu (tuy nhiên, số lượng tài khoản có giao dịch chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ).

Dòng tiền năm 2020 tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm khoảng 1/3), tiếp theo là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, Vingroup, bất động sản, dầu khí…

Sự bùng nổ về thanh khoản tại thị trường chứng khoán Việt Nam có nét tương đồng với làn sóng mở tài khoản mới của nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc giai đoạn 2014 - 2015.

Lượng tài khoản mở mới tăng đột biến và sự tham gia bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn đã giúp chỉ số Shanghai Composit tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là giai đoạn sau đại dịch, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mặt bằng lãi suất thấp đã thu hút dòng tiền vào kênh chứng khoán.

Cổ phiếu tài nguyên, hóa chất, xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp là những nhóm có mức tăng giá vượt trội trong năm 2020.

Đây là những nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, giá nguyên liệu đầu vào thấp…

Trong khi nhà đầu tư nội dồn tiền vào kênh chứng khoán thì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong 10 năm qua. Dấu hiệu tích cực là dòng vốn qua kênh ETF sau khi bị rút ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 đã quay trở lại mua ròng, tính chung cả năm, các quỹ ETF mua ròng 60,8 triệu USD. Tuy nhiên, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại thông qua giao dịch khớp lệnh đạt xấp xỉ 33.200 tỷ đồng.

Hiện tại, định giá theo P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Hệ số P/E forward (tương lai) là 16,5 lần, thấp hơn so với các nước ASEAB-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và thấp hơn so với bình quân các thị trường mới nổi. Trong khi đó, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn hẳn so với mặt mặt bằng chung khu vực thị trường mới nổi.

Triển vọng tăng trưởng

Kết quả kinh doanh quý III/2020 cho thấy sự phục hồi diễn ra trên hầu hết các ngành, lợi nhuận sau thuế của nhóm 742 doanh nghiệp phi tài chính chỉ giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm thấp nhất so với 2 quý trước đó.

Theo dự báo của FinnPro, quý IV/2020, lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp phi tài chính giảm 6,4%, tính chung cả năm giảm 21,5%, thấp hơn so với dự tính của các doanh nghiệp.

Kết quả dự báo này cho thấy mức định giá của thị trường sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với mặt bằng định giá hiện nay. Cụ thể, hệ số P/E tương lai (forward) của 742 doanh nghiệp phi tài chính ở mức 19,9 lần. Đây là mức cao hơn so với P/E hiện tại (trailing) là 17,7 lần.

Tuy thị trường chứng khoán đang được dẫn dắt bởi yếu tố dòng tiền, ít chịu ảnh hưởng từ những yếu tố nền tảng cơ bản, trong đó có triển vọng lợi nhuận và sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, triển vọng hoạt động của các doanh nghiệp năm 2021 sáng hơn, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng cao.

Vì thế, thị trường chứng khoán trong năm mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan. Xét phân tích kỹ thuật, xu thế tăng dài hạn đã được thiết lập. Kỳ vọng, hiệu ứng gia nhập nhóm thị trường mới nổi là lực đẩy với chỉ số VN-Index khi triển vọng nâng hạng ngày càng rõ nét hơn.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT mới đây đưa ra dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng 23% trong năm 2021. Trước đó VinaCapital nhận định, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng hồi phục sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bình thường mới và đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 28% trong năm 2021 (lợi nhuận năm 2020 ước tính giảm khoảng 12% so với năm 2019).

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu MBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ