CEO KIS Việt Nam: Cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù gặp một số khó khăn trong nửa đầu năm do một số yếu tố như PE và margin đã tăng và lo ngại nợ xấu, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá cao về khả năng tăng trưởng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021.
CEO KIS Việt Nam: Cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2021

Kỳ vọng về hiệu ứng Apple

Chia sẻ về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường sẽ tích lũy trong nửa đầu năm và tăng trưởng trong nửa cuối năm. Cơ sở cho dự báo này, đi từ phân tích các yếu tố rủi ro trên thị trường.

Thứ nhất, chỉ số P/E đã tăng đáng kể từ sau năm 2010, dựa trên EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE thì hệ số này đã đạt 17,1 lần (thời điểm 04/12/2020), so với mức 12,4 lần của năm 2010. Sự hồi phục về doanh thu của các doanh nghiệp trong quý 4/2020 và quý 1/2021 sẽ chậm lại. Nếu mức độ ảnh hưởng của Covid trở nên nghiêm trọng hơn thì áp lực sẽ còn tiếp tục và mức định giá có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, xét về cung cầu, quy mô cho vay margin của top 20 công ty chứng khoán bằng 1,7% giá trị vốn hóa thị trường, cao hơn trung bình là 1,4% trong quá khứ.

Thứ ba, nợ xấu của các ngân hàng có khả năng trở thành gánh nặng với thị trường. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã không phân loại khoản cho vay của ngân hàng vào nhóm nợ xấu ngay cả khi khoản vay đó đủ điều kiện xét vào nhóm nợ xấu.

Quy mô nợ tái cơ cấu (Restructuring Loan) của 7 ngân hàng niêm yết trên HOSE (VCB, BID, CTG, TCB, VPB, ACB, MBB) tính tới cuối quý 3/2020 nếu tính cả nợ xấu (1,68%) đạt mức 5,71% tổng nợ. Trong tương lai, nếu tác động của dịch Covid-19 suy giảm và các khoản nợ được phân loại một cách bình thường, nợ xấu có thể là gánh nặng không chỉ với các ngân hàng mà còn cho cả sàn HOSE, nơi cổ phiếu ngân hàng chiếm 28,8% vốn hóa thị trường.

Ông Park Won Sang

Ông Park Won Sang

Tuy vậy, ông Park Won Sang vẫn nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng lớn về khả năng tăng trưởng cao trong năm 2021.

Cụ thể, sự dịch chuyển và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của 2 doanh nghiệp hợp tác với Apple là Foxconn và Luxshare, đây được coi là yếu tố tích cực về trung hạn.

Luxshare kể từ 2019 đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất Airpods tại Việt Nam, hiện đang thảo luận và dự kiến trong thời gian tới sẽ sản xuất Airpods Pro và iPhones Mini. Thêm vào đó, việc mở nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại Việt Nam đang dần trở thành hiện thực.

Thông tin “Mở rộng thêm 30% sản lượng iPhone trong năm 2021” của Apple làm thị trường có thêm kỳ vọng. Lý do khiến thị trường quan tâm tới những tin tức như vậy, theo ông Park là bởi trong quá khứ, sau khi Samsung đầu tư vào nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam vào năm 2008, rất nhiều quỹ Hàn Quốc cũng tiến vào thị trường Việt Nam.

"Đó là những dự án đầu tư bắt đầu từ lòng tin vào “Việt Nam - Quốc gia được Samsung đầu tư” và “Việt Nam – Quốc gia có nhiều triển vọng”. Cũng giống như vậy, “Việt Nam – Quốc gia được Apple đầu tư” cũng được dự đoán sẽ thu hút nhà đầu tư từ các quỹ của Mỹ một cách mạnh mẽ, thông tin các quỹ đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) thâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ vào thời gian gần đây ít nhiều cũng có liên quan tới điều này", ông Park chia sẻ quan điểm.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại FTA một cách đều đặn, những lợi ích mang lại từ các hiệp định FTA có thể bị trì hoãn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ có những ảnh hưởng tích cực.

Chính phủ Việt Nam đã xúc tiến thành công và hoàn thành ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ông Park cho biết, giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp từ hiệp định FTA trên HOSE chiếm 37,5%. Khi hiệu quả do FTA mang lại được tăng cường, những doanh nghiệp có liên quan cũng được kỳ vọng sẽ có doanh thu tăng trưởng mạnh vào năm tới.

Trong năm 2021, các ngành có khả năng dẫn dắt thị trường có thể kể đến là cổ phiếu của các công ty phát triển bất động sản, công ty vật liệu xây dựng, và cổ phiếu có liên quan tới các khu công nghiệp. Do sau dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam nhiều khả năng sẽ ưu tiên hồi phục ngành xây dựng để khôi phục nền kinh tế. Thêm vào đó, sự quan tâm tới các cổ phiếu được hưởng lợi từ FTA cũng có triển vọng gia tăng. Vì thế, KIS Việt Nam dự đoán rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, dệt may và thủy sản... cũng sẽ dẫn dắt thị trường 2021.

M&A sẽ tích cực trở lại

Về thị trường M&A, ông Park đánh giá, Việt Nam vẫn đang củng cố vai trò của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu kết hợp với kỳ vọng tăng trưởng cao trong tương lai (tốc độ tăng trưởng GDP của chính phủ là 6%/năm vào năm 2021), và tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhắm đến thị trường tiêu dùng Đông Nam Á. Vì thế, trong tương lai, thị trường M&A được kỳ vọng sẽ có triển vọng tích cực trở lại.

Theo Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập Việt Nam (Viện CMAC), các thương vụ M&A lớn từ tháng 6/2019 đến tháng 10/2020 thuộc các ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, y tế - sức khỏe, và xây dựng, với dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. KIS Việt Nam dự kiến ​​sẽ không có thay đổi lớn về xu hướng này trong thời gian tới.

Thêm vào đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ có tác động tích cực đến thị trường M&A, cụ thể luật này sẽ giảm số ngành đầu tư có điều kiện từ 243 ngành xuống còn 39 ngành. Một điểm cộng khác có thể kể đến là việc tăng cường ưu đãi thuế cho đầu tư từ chính phủ.

Tuy nhiên, việc thay đổi tiêu chuẩn đối với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (từ 51% xuống 50% sở hữu) được cho là sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh do vấn đề không đảm bảo quyền biểu quyết đa số cho các công ty con khi liên doanh được thành lập.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục