Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực

(ĐTCK-online) Đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản, mất niềm tin của nhà đầu tư, TTCK làm thế nào để vượt qua khó khăn này để phát triển, khẳng định vai trò "hàn thử biểu" của nền kinh tế? ĐTCK xin giới thiệu ý kiến một số quỹ đầu tư và công ty chứng khoán cho TTCK Việt Nam.
Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực

>> Cùng TTCK Việt Nam Phát Triển 

“Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực”

Ông Hoàng Đình Lợi, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực ảnh 1

Trải qua 11 năm hình thành và phát triển, TTCK đã thể hiện vai trò là kênh huy động vốn dài hạn khá hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam luôn thiếu vốn đầu tư và chi phí vốn vay cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì vai trò này đã có phần suy giảm.

Để ổn định và phát triển TTCK trong dài hạn, theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần có những chính sách đồng bộ và tích cực nhằm giúp cho TTCK trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Thứ nhất, giải pháp kinh tế vĩ mô.

* Thực hiện đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, tạo nền tảng vững chắc cho việc giảm lãi suất cũng như tăng trưởng kinh tế.

* Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giúp giảm sức ép lạm phát. Rà soát, cắt giảm các khoản đầu tư công không thiết yếu và chưa phát huy hiệu quả trong ngắn hạn. Giảm đầu tư ngoài ngành đối với DNNN.

* Tiếp tục mục tiêu giảm tình trạng đô la hóa, giảm sức ép lạm phát từ hàng nhập khẩu đến nền kinh tế trong nước.

Thứ hai, giải pháp trên TTCK.

* Sớm chuẩn hóa hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động trên thị trường.

* Nâng cao chất lượng hàng hóa giao dịch trên TTCK, vì đây là yếu tố quan trọng thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài.

* Phát triển thêm các sản phẩm mới cho thị trường nhằm nâng cao tính thanh khoản và giúp nhà đầu tư có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro.

* Xây dựng lịch công bố thông tin vĩ mô định kỳ, giúp nhà đầu tư có thông tin để đánh giá.

* Xây dựng các chỉ số phản ánh sát thực tế cung cầu thị trường (dựa trên lượng cổ phiếu thực tế lưu hành; chỉ số Index về nhóm cổ phiếu lớn…).

* Nghiên cứu việc thành lập Quỹ bình ổn thị trường với sự tham gia của Nhà nước và các thành viên thị trường.

 

“VinaCap Group sẽ tận dụng cơ hội tuyệt vời ở Việt Nam trong 6 tháng tới”

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCap Group

Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực ảnh 2

Hiện nay, các quỹ đầu tư do VinaCap Group quản lý là Quỹ VOF và Quỹ đầu tư hạ tầng VNI đang có sẵn tiền mặt để có thể tận dụng các cơ hội đầu tư tuyệt vời tại Việt Nam trong vòng 6 tháng tới. VinaCap Group nhận thấy những thách thức hiện tại về điều kiện kinh tế vĩ mô, nhưng cũng chính là cơ hội tốt để thực hiện các kế hoạch đầu tư với mức định giá thấp hơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các công ty nội địa của Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khoẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản và vật liệu.

Trong lĩnh vực bất động sản thì đến giờ này, Quỹ VNL đã rất thành công. Bất động sản là ngành kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thời điểm và VinaCap Group nắm được cơ hội ở các thời điểm tốt khi ra mắt VNL vào tháng 3/2006. Quỹ đã lập ra chiến lược vào thời điểm 2 năm về trước là tập trung vào phân khúc trung - cao cấp trong thị trường đất ở và nhà ở, không phải các loại căn hộ cao cấp và chiến lược này đã chứng tỏ tính đúng đắn. Ở phân khúc thương mại, thắt chặt tín dụng và lãi vay quá cao đã làm phân khúc này chậm lại. VNL đã không đầu tư nhiều phân khúc bất động sản thương mại trong vòng 12 tháng qua và hiện tại chỉ phát triển một dự án bán lẻ tại Đà Nẵng là dự án World Trade Centre.

Khi nền kinh tế ổn định hơn, VinaCap Group sẽ kêu gọi góp vốn từ nước ngoài nhiều hơn cho các dự án đầu tư vào Việt Nam .

 

“TTCK nào cũng hoạt động mang tính quy luật: tăng trưởng, suy thoái, phục hồi.Vấn đề là phải có giải pháp để TTCK không suy giảm quá sâu”

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực ảnh 3

TTCK hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản, do dòng tiền suy yếu, cũng như sự mất lòng tin của NĐT. Việc suy giảm dòng tiền của TTCK là hệ quả tất yếu của chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, nếu so sánh TTCK Việt Nam với TTCK trong khu vực và các trung tâm tài chính lớn thì có thể thấy, suy thoái của TTCK Việt Nam kéo dài và giảm sâu hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là do nền kinh tế Việt Nam còn có những bất cập và tạo ra hệ quả phản ánh qua TTCK, vì thị trường này được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Bất cập trong cơ cấu kinh tế và việc quản lý nền kinh tế thị trường khiến dòng vốn đầu tư không chảy vào lĩnh vực sản xuất, nơi tạo ra thặng dư cho xã hội, mà bị phân bổ bất hợp lý vào lĩnh vực bất động sản, khiến cho dòng vốn bị tắc nghẽn. Thời gian để khắc phục hậu quả của việc này không thể tính bằng tháng.Cá nhân tôi đồng tình với chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, liều lượng như thế nào là một vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách tư vấn cho Chính phủ để tránh nền kinh tế rơi vào cảnh lạm phát do đình đốn và càng đẩy lạm phát tăng cao.

TTCK nào cũng hoạt động mang tính quy luật: tăng trưởng, suy thoái, phục hồi. Nhưng để tránh suy thoái kéo dài cũng như mức độ giảm sâu của thị trường, chúng tôi cho rằng, về vĩ mô, Chính phủ cần định hướng tới tính hợp lý của cơ cấu kinh tế, giúp thị trường điều tiết vốn đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều thặng dư cho xã hội, thay vì để vốn đầu tư vào bất động sản. Bên cạnh đó, trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn, Chính phủ cũng như UBCK cần sớm ban hành các giải pháp nhằm tăng tính minh bạch, hoàn thiện cơ chế giao dịch và khung pháp lý cho TTCK Việt Nam. Cụ thể như sau:

* Tăng cường tính minh bạch, đặc biệt đối với hoạt động công bố thông tin về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, giao dịch của các cổ đông lớn, hiệu quả sử dụng của lượng vốn phát hành thêm. Trong thời gian qua, NĐT đã không ít lần phải thất vọng trước các đợt phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn của doanh nghiệp, vì hiệu quả sử dụng những nguồn vốn đó trên thực tế không cao.

* Xây dựng cơ chế giao dịch nhằm tăng tính thanh khoản. UBCK và các nhà tạo lập thị trường cần tích cực hơn nữa trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng để sớm đưa các giao dịch T+2, ký quỹ, mua bán cùng phiên, NĐT được phép sử dụng nhiều tài khoản… vào hiện thực. Điều này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường, nhất là trong bối cảnh dòng tiền vào TTCK đang bị thắt chặt như hiện nay.

* Hoàn thiện khung pháp lý. Hiện khung pháp lý cho các hoạt động M&A, giao dịch phái sinh, các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam vẫn còn đang thiếu và chưa đồng bộ. Do đó, nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cũng là một giải pháp cần thúc đẩy nếu muốn chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam .

 

“TTCK cần được quan tâm, hoàn thiện hơn để tạo nên một môi trường đầu tư rõ ràng, nhất quán”

Ông Ngô Long Giang, Giám đốc Quản lý tài sản Công ty Quản lý quỹ MB Capital

Thị trường cần một chính sách tổng thể và tích cực ảnh 4

TTCK 11 tuổi chưa có nhiều chuyển biến về chất so với tuổi lên 10 và còn nhiều vấn đề phải khắc phục, hoàn thiện.

Ở những TTCK phát triển, nếu DN chậm công bố thông tin hoặc thông tin sai lệch, làm nhà đầu tư hiểu sai về DN thì có thể bị hủy niêm yết. Nhưng ở Việt Nam, có thể do thị trường còn non trẻ, nên việc DN chậm công bố thông tin là thường xuyên, nhiều DN phát hành huy động vốn, nhưng chưa thực hiện đúng quy định về công bố tiến trình sử dụng vốn ra công chúng, một số DN khác có báo cáo tài chính sau kiểm toán chênh lệch đáng kể so với bản trước kiểm toán...

Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, qua trao đổi giữa MBCapital với các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, phần lớn vẫn tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai TTCK Việt Nam . Ngay trong tuần này, phía đối tác Nhật Bản sẽ sang làm việc với chúng tôi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, cơ hội phát triển sản phẩm mới và đầu tư trên TTCK Việt Nam . Nhà đầu tư Nhật vẫn tin rằng, TTCK và nền kinh tế Việt Nam hiện nay giống như tại Nhật 40 năm về trước, phải trải qua một giai đoạn đầu nhiều thăng trầm, khắc nghiệt, sau đó mới đủ sức để phát triển vững chắc hơn.

Bên cạnh mong đợi kinh tế vĩ mô sớm khởi sắc, TTCK cần được quan tâm, hoàn thiện hơn để tạo nên một môi trường đầu tư rõ ràng, nhất quán, tạo điều kiện cho các DN huy động vốn và các chủ thể tham gia kinh doanh hiệu quả, lâu dài.

Nhóm PV thực hiện
Nhóm PV thực hiện

Tin cùng chuyên mục