Cụ thể, trong 10 quận nội thành được khảo sát giá giao dịch, chỉ có quận Cầu Giấy có chỉ số giá giao dịch giảm nhẹ ở phân khúc căn hộ trung cấp, từ 83% trong quý III, xuống 82% trong quý IV. Tại nhiều quận, mức giá giao dịch đã ổn định, nhất là với căn hộ cao cấp.
Báo cáo của Sở Xây dựng cũng cho thấy, thị trường căn hộ đã có sự tăng giá trở lại tại một số khu vực. Những quận có chỉ số giá giao dịch tăng bao gồm: quận Ba Đình đã tăng từ 81% lên 83%, quận Đống Đa tăng từ 75% lên 79%, quận Hoàng Mai tăng từ 71% lên 72%, quận Tây Hồ tăng từ 82% lên 84%, quận Hà Đông tăng từ 66% lên 69%.
Báo cáo chỉ số giá giao dịch bất động sản là hoạt động được Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Chỉ số giá bất động sản được căn cứ trên những số liệu của Cục Thuế Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn; văn phòng đăng ký nhà đất các quận, huyện và số liệu của các công ty tư vấn, thẩm định giá như IVC Việt Nam, Savills Việt Nam và CBRE Việt Nam.
Mặc dù thị trường căn hộ Hà Nội đã đứng giá và có dấu hiệu tăng, nhưng nếu căn cứ vào mức giá gốc để so sánh từ quý I/2011, giá căn hộ chung cư Hà Nội đã giảm mạnh từ 20 - 30%. Nếu so với thời điểm những năm 2008 - 2010, mức giá của nhiều dự án có thể giảm đến 50%. Đặc biệt, những khu vực thị trường căn hộ tăng giá mạnh nhất thời điểm này như Hà Đông, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai lại là những khu vực thị trường căn hộ giảm giá mạnh nhất từ năm 2011 đến nay.
Lý giải về việc giá căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội đang nhích lên, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó tổng giám đốc Vinaconex 3 cho rằng, thị trường căn hộ đã xuống đáy và nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay không còn dư địa để giảm giá tiếp. Theo bà Hằng, nhiều khách hàng tin rằng giá nhà đất không thể giảm thêm nên đã nhập cuộc mua nhà, khiến thanh khoản của thị trường căn hộ tăng trong thời gian qua.
Cùng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, thị trường căn hộ giảm giá mạnh trong thời gian dài, nên việc tiếp tục giảm là rất khó. Đặc biệt, thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ, khi khách hàng chỉ mua những sản phẩm tại các dự án có tiến độ tốt, vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản không có tiềm lực tài chính đã và sẽ không dám triển khai dự án trong thời gian tới.
“Việc nhiều doanh nghiệp không dám triển khai dự án do khó khăn về tài chính có thể khiến nguồn cung trong năm 2014 bị hạn chế và thanh khoản tại những dự án có tiến độ tốt chắc chắn sẽ tăng”, ông Quyết nhận định.
Theo khảo sát của ĐTCK, trong năm 2013, mặc dù thanh khoản của thị trường căn hộ Hà Nội còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những dự án được giao dịch với giá cao hơn so với giá gốc chủ đầu tư đưa ra.
Cụ thể, tại chung cư Khu đô thị Golden Silk do Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư, khách hàng vẫn phải mua với giá chênh từ 30 - 70 triệu đồng/căn hộ. Tại Dự án CT2 Trung Văn (huyện Từ Liêm) của Vinaconex 3, khách hàng cũng phải mua chênh đến 50 triệu đồng/căn hộ có diện tích dưới 80m2. Hay muốn mua căn hộ diện tích nhỏ tại Dự án Mandarin Garden (quận Cầu Giấy) do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị bàn giao, khách hàng phải chấp nhận mất tiền chênh đến cả trăm triệu đồng.
Theo ông Vũ Cương Quyết, việc thị trường căn hộ tăng mạnh thanh khoản, sự xuất hiện của những dự án có mức giá chênh và niềm tin khách hàng quay trở lại đang báo hiệu một năm ấm lên của thị trường căn hộ.