Thị trường bất động sản liên tục xuất hiện “làn gió độc“

Thị trường bất động sản tiếp tục xuất hiện những “làn gió độc” sau thời gian dài bùng nổ. Đây là hậu quả của sự thiếu minh bạch trong điều kiện còn thiếu các quy định cần thiết để dẫn dắt thị trường đi đúng hướng và an toàn.

Không riêng vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), bà Châu Thị Thu Nga vừa bị bắt giữ vì bị cáo buộc là có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Khu chung cư B5 - Cầu Diễn, mà trong chu kỳ phát triển chưa đầy 10 năm (2006 - 2014), nhiều vụ án tương tự đã xảy ra trên thị trường bất động sản như một lời cảnh báo trước với những chủ đầu tư hám lợi.

Năm 2009, thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung rúng động bởi vụ án Lê Hồng Bàng và đồng bọn tại Công ty cổ phần Sàn Bất động sản Việt Nam tạo hồ sơ, dựng các dự án “ma”, ký 578 hợp đồng vay vốn với 397 người có nhu cầu mua căn hộ, thu về tổng cộng hơn 347 tỷ đồng và chiếm đoạt phần lớn số tiền này.

Tháng 7/2010, xảy ra một vụ án khác với tính chất phức tạp hơn, ảnh hưởng rộng hơn và mức độ thiệt hại lớn hơn.            

Đó là vụ Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 cùng đồng bọn sử dụng các bản hợp đồng cho vay vốn hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 (Hà Đông, Hà Nội) để lừa đảo.

Dù các bản hợp đồng vay vốn hợp tác đầu tư đã bị phía nhận góp vốn (là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5) thanh lý, hết hiệu lực pháp luật, nhưng Lê Hòa Bình và đồng phạm tại Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 vẫn sử dụng để ký 463 hợp đồng giao vốn nhận quyền sử dụng đất, thu về gần 790 tỷ đồng.

Hậu quả là khi Lê Hòa Bình phải lĩnh án chung thân, khi Cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, thì đã có hơn 200 tỷ đồng của khách hàng không cánh mà bay.

Tháng 5/2013, Công an TP. Hà Nội đã tiến hành bắt tạm giam và khởi tố vụ án đối với Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Chung cư số 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), Dự án Chung cư Hesco Văn Quán (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó còn là vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) Hà Văn Sơn bị bắt để điều tra với vai trò là đồng phạm trong vụ ký hợp đồng thuê VN Land vận hành, khai thác Dự án Trung tâm thương mại văn phòng và chung cư An Phú (phường An phú, quận 2, TP. HCM)…

Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ việc nêu trên là do có cả thời kỳ dài, nhiều địa phương khá dễ dãi trong việc thẩm định, cấp phép dự án bất động sản, nhà đầu tư cảm thấy quá dễ kiếm lời khi triển khai dự án cho dù năng lực tài chính, năng lực quản trị hầu như không có.

Một nguyên nhân nữa là trong giai đoạn bùng nổ, nhu cầu về nhà đất trên thị trường, trong đó không ngoại trừ hành vi đầu cơ bất động sản khá cao. Chính vì vậy, không ít chủ đầu tư và khách hàng đã bất chấp rủi ro, dồn tiền vào bất động sản với hy vọng “hốt bạc”. Kết cục là nhiều chủ đầu tư phải gánh chịu lĩnh mức án thích đáng, người góp vốn mất trắng hoặc chỉ đòi lại được một phần nhỏ số tiền đã bỏ ra, nhiều gia đình tan cửa nát nhà…

Đã đến lúc phải mạnh tay xử lý tận gốc những “ung nhọt” trên thị trường bất động sản trước khi Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Giải pháp trước mắt là cần khẩn trương rà soát, kiểm tra tiến độ các dự án trong lĩnh vực này, kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, siết chặt việc thẩm định, cấp phép dự án mới, áp dụng nghiêm các quy định nhằm bảo dảm quyền lợi khách hàng mua nhà.... Điều này sẽ góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản.

Hà Quang
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục