Thị trường bất động sản "ấm" dần sau khi được "giải cứu"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Tổ công tác giải cứu bất động sản và các bộ, ngành, nhiều dự án bất động sản đã được tái khởi động và có tiến độ tốt; trong đó, một số dự án đã đủ điều kiện mở bán, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Hoạt động thi công tại dự án Sunshine Crystal River (Tây Hồ Tây) có tiến độ tốt sau khi được tái khởi động. Hoạt động thi công tại dự án Sunshine Crystal River (Tây Hồ Tây) có tiến độ tốt sau khi được tái khởi động.

Tín hiệu tích cực

Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản ghi nhận hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, bên cạnh những dự án mới được mở bán. Không khí giao dịch sôi động hơn khi nhiều chủ đầu tư tung chính sách kích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài. Hoạt động của các sàn môi giới cũng nhộn nhịp hơn, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp.

Tại TP.HCM, dự án New Galaxy của chủ đầu tư Hưng Thịnh đã xây dựng lên 1-2 tầng sau hơn một năm ngưng trệ. Tập đoàn này cũng tái khởi động chiến lược chiết khấu giá bán và kéo dài tiến độ thanh toán cho người mua dự án Lavita Thuận An.

Trước đó, thị trường bất động sản phía Nam "dậy sóng" trước đợt mở bán dự án The Privia của chủ đầu tư Khang Điền. Dự án đã khởi công từ năm 2022, đến nay đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý để mở bán.

Tại tỉnh Bình Dương, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) vừa tổ chức lễ khởi công và ra mắt dự án căn hộ Phú Đông SkyOne tại TP. Dĩ An với quy mô hơn 5.600 m2; bao gồm 780 căn hộ với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng.

Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa khởi công lại dự án Astral City tại TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) sau 2 năm ngừng thi công vì thiếu vốn và vướng mắc pháp lý. Dự án này là tổ hợp căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng có diện tích đất 3,73ha, gồm 8 tòa nhà cao 40 tầng với gần 5.000 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.282 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản phía Nam sau 2-3 năm gần như tê liệt. Nhiều dự án (đặc biệt là phân khúc căn hộ) "án binh bất động" cả năm trời do thiếu vốn. Hàng tồn kho tăng mạnh ở hầu hết các phân khúc. Nhiều người mua nhà "đứng ngồi không yên" khi trót thanh toán số tiền lớn và bị "kẹt" tại các dự án thiếu vốn, vướng mắc pháp lý.

Tại Hà Nội, nhiều dự án được tái khởi động, đủ điều kiện bán và kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai như Tổ hợp công trình Pandora Triều Khúc; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Viha Complex… Một số dự án khác của Sunshine Group như “Bộ sưu tập biệt thự trên không chuẩn Dubai” – Sunshine Crystal River (Tây Hồ Tây); Sunshine Wonder Tower (Bắc Từ Liêm)… trở thành những cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do có tiến độ tốt.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Tổ trưởng và Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, cho các dự án bất động sản .

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Tổ trưởng và Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, cho các dự án bất động sản .

Chuyên gia pháp lý bất động sản Dương Minh Thông, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ bất động sản Dương Minh nhận định, quý I/2024 là thời điểm kháng cự, đảo chiều của thị trường bất động sản. Và thực tế thì điều này đang xảy ra, với những diễn biến ngày càng rõ nét hơn so với cuối năm ngoái. Nói cách khác, thị trường đang bước vào giai đoạn hồi phục thay vì đi ngang như đầu năm 2023.

"Ngoài câu chuyện mang tính thời điểm (lãi suất thấp, giá vàng tăng mạnh...), thị trường ấm dần do vĩ mô được cải thiện, hành lang pháp lý được khơi thông: việc thông qua đồng thời các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các chính sách gỡ khó của Chính phủ", ông Thông nói.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp bất động sản diễn ra vào đầu tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường bất động sản nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Tuy nhiên, do còn nhiều thách thức, Phó Thủ tướng yêu cầu, Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương thời gian tới, cần xác định rõ nhiệm vụ và đưa nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Từ cuối năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào khó khăn, trầm lắng, nhiều phân khúc tê liệt, giá nhà đất neo cao, mất cân đối cung cầu, chủ đầu tư gặp khó khăn do thiếu vốn và nhiều dự án vướng mắc pháp lý trong khi người mua nhà khó tiếp cận nhà ở vì thiếu nguồn cung nhà ở vừa túi tiền...

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chưa bao giờ có cuộc giải cứu nào cấp tập, mạnh mẽ và đặc biệt như lần này. Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành đã dốc nhiều tâm huyết nhằm quyết tâm giúp thị trường bất động sản khôi phục trở lại.

TS. Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Tổ công tác đã tích cực, chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành để báo cáo, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết, với nhiều biện pháp rất cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản. Cùng với đó là 7 công điện, 2 thông báo và 1 quyết định của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chiều 16/3/2024, tại hội nghị này, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trước đó, là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triệu tập 18 doanh nghiệp họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3/2024.

Một trong những hội nghị trực của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản

Một trong những hội nghị trực của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng cho hay, đơn vị cũng đã ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các nội dung: quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương (TP. Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định...).

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn.

Về hoạt động cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác đã làm việc lần lượt với các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định... và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Sở đã chấp thuận cho tổng cộng 37 căn nhà thấp tầng thuộc khu I + V dự án Aqua City (xã Long Hưng, Biên Hòa) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Có được kết quả này là nhờ hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của Novaland tại Đồng Nai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được Công văn số 543 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đơn của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Đồng Nai về việc đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án mà công ty này đang triển khai ở Đồng Nai.

Tương tự, dự án NovaWorld Phan Thiết của Novaland cũng được tỉnh Bình Thuận xem xét chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án. Để đi đến bước này, cuối tháng 7/2023, tổ công tác của Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì đã làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của tỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định thị trường bất động sản, thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024...

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình Chính phủ trong tháng 5 tới.

Năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 191 dự án bất động sản. Theo đó, đã xử lý 142 văn bản, trong đó: 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Hai tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 04 dự án bất động sản. Theo đó, đã xem xét, xử lý 4 văn bản, trong đó có 3 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1 văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục