“Kiếm thêm” hơn 2 tỷ USD
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), 9 tháng đầu năm 2007, doanh thu phí BHNT toàn thị trường đạt 6.732 tỷ đồng, tăng 11,62% so với cùng kỳ, đây là con số tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Nhưng theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, nếu sản phẩm BHLKĐT ra đời, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều. “Riêng doanh thu phí bảo hiểm của BHLKĐT trong năm đầu triển khai có thể đạt 35.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD)”, ông Lộc nhận định.
Một sản phẩm khiến doanh thu phí có thể tăng gấp 5 lần so với tất cả sản phẩm khác làm được trong 9 tháng đầu năm tất nhiên là phải hấp dẫn đối với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào. Không ai muốn chậm chân, giữa các doanh nghiệp BHNT đang có cuộc cạnh tranh ngầm rất mạnh mẽ để triển khai ngay sản phẩm này khi Bộ Tài chính cấp phép.
Ngoài một số doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ cho sản phẩm này như Prudential, Manulife hay Bảo Việt, các doanh nghiệp khác như Dai-ichi, AIA… cũng có những kế hoạch của riêng mình, trước mắt là chuẩn bị về công nghệ và nhân lực.
Trả lời phỏng vấn ĐTCK trong lễ ký kết trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt vài tháng trước, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance cho biết, công ty này sẽ hỗ trợ Bảo Việt về công nghệ và nhân lực để có thể cung cấp sản phẩm BHLKĐT. Cho tới nay, một nguồn tin từ Bảo Việt cho biết, doanh nghiệp này đã sẵn sàng.
Chờ sóng
Khác với các sản phẩm BHNT truyền thống mà các doanh nghiệp bảo hiểm thường dùng phí bảo hiểm thu của khách hàng đầu tư vào những sản phẩm ít rủi ro như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp hoặc gửi tiết kiệm, thì với BHLKĐT, phần vốn đầu tư sẽ tập trung vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như thị trường chứng khoán, bất động sản... Doanh nghiệp BHNT sẽ cung cấp các danh mục đầu tư với mức độ hấp dẫn và rủi ro khác nhau cho khách hàng lựa chọn.
Vừa được bảo hiểm, vừa có khả năng sinh lời cao là lý do để dự đoán sản phẩm BHLKĐT sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Chính vì vậy, sản phẩm này đã được đề cập từ khá lâu, vấn đề ở chỗ là các doanh nghiệp vẫn phải chờ Bộ Tài chính cấp phép thì mới có thể triển khai.
Theo một quan chức Bộ Tài chính, việc cho ra đời một sản phẩm có liên quan tới tiền của dân, tới thị trường bảo hiểm và TTCK là không đơn giản và Bộ Tài chính, cơ quan đầu mối quản lý có trách nhiệm đảm bảo cho thị trường BHNT nói chung, BHLKĐT nói riêng phát triển bền vững.
Về nguyên tắc, phí bảo hiểm của khách hàng sẽ được tách một phần dành cho đầu tư thông qua một quỹ đầu tư chuyên nghiệp của công ty BHNT, nhưng khả năng rủi ro là vẫn có. Theo giải thích của quan chức này, trong trường hợp xảy ra thua lỗ, nếu đội ngũ đại lý bảo hiểm không giải thích tường tận cho khách hàng trước khi ký hợp đồng, sẽ có thể dẫn tới việc người dân mất lòng tin vào ngành bảo hiểm. Đây chính là lý do Bộ Tài chính vẫn đang cân nhắc và “khi nào các yếu tố của thị trường có thể đảm bảo cho một sự phát triển bền vững, Bộ Tài chính sẽ cấp phép, có thể là cuối năm nay”, vị quan chức này nói. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ đưa ra một ba-rem tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ, vốn và nhân lực, doanh nghiệp nào thỏa mãn thì sẽ được tham gia thị trường.
Thời điểm “ra lò” của “chiếc bánh” đã được hé lộ, theo một chuyên gia bảo hiểm, cuộc cạnh tranh trong thị trường BHLKĐT sắp tới không chỉ là sóng ngầm mà sẽ rất khốc liệt. “Các doanh nghiệp BHNT có mặt tại Việt Nam hiện nay đều là những doanh nghiệp lớn với kinh nghiệm khai thác tại rất nhiều thị trường, do vậy sẽ không có doanh nghiệp nào đứng ngoài thị trường mới này”, chuyên gia này nhận định.