Thị trường bán lẻ 120 tỷ USD: Công nghệ sẽ chia lại “miếng bánh” thị phần

(ĐTCK) Business Monitor International (BMI) đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới. 
Thị trường bán lẻ 120 tỷ USD: Công nghệ sẽ chia lại “miếng bánh” thị phần

Hấp lực thị trường 120 tỷ USD

Đã có nhiều tên tuổi nhà bán lẻ trong và ngoài nước vượt lên dẫn đầu với những thành công cả về doanh thu, lợi nhuận và tốc độ bao phủ thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), song bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp cả lớn và nhỏ đã phải rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự “màu mỡ” và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn là miếng bánh hấp dẫn đối với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đồng thời là lựa chọn hàng đầu của giới khởi nghiệp (start up) và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Với tổng giá trị thị trường ước đạt 120 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%/năm liên tục trong giai đoạn 2012 - 2017 và tiếp tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, Business Monitor International (BMI) đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới.

PwC nhận định, với thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á - Thái Bình Dương, mức tăng dự kiến trong giai đoạn 5 năm 2017-2022 duy trì hai con số, Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội để tiếp tục gia tăng sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ.

Tập đoàn tư vấn AT Kearney cho rằng, việc Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch chung ASEAN, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và là thành viên WTO, với sự bãi bỏ hàng rào thuế quan, hàng loạt dòng thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng dần được xóa bỏ, môi trường thuận lợi không chỉ giúp bán lẻ luôn là ngành thu hút đầu tư trong nước, mà còn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Với hấp lực lớn như vậy, xu hướng đổ bộ của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang ngày càng trở nên nóng bỏng thông qua mọi loại hình và phương thức đầu tư. Đặc biệt, làn sóng M&A và sự xuất hiện nhanh chóng của hàng loạt tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang là xu hướng đáng chú ý.

Điển hình, Tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản dự định năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã mở 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng vào năm 2020; Tập đoàn Lotte Mart của Hàn Quốc hiện có 8 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội đặt mục tiêu tăng lên 60 trung tâm thương mại trên toàn quốc, với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD vào năm 2020…

Nhiều “đại gia” trong nước cũng đã nhanh chân nhảy vào sân chơi "béo bở" này và đạt được thành công lớn, với mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, nhất là độ phủ sóng chuỗi bán lẻ gia tăng nhanh chóng.

Chẳng hạn, Vingroup tham gia thị trường bán lẻ khoảng 4 năm, song đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark, Fivimart... và chính thức trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam, giữ vị trí số 1 trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất. Tính đến cuối năm 2018, Vingroup đã khai trương thêm 117 cửa hàng VinMart+, nâng con số lên 1.700 cửa hàng trên toàn quốc. Số lượng siêu thị VinMart đến nay cũng đã đạt con số 100.

Hay Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, thành công trong đầu tư vào cả lĩnh vực phát triển trung tâm thương mại, siêu thị Co.op Mart và các điểm bán hàng mini Co.op Food, với hơn 600 điểm bán và đa dạng các mô hình, đặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố và đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng quy mô, củng cố năng lực cạnh tranh.

Với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), riêng trong năm 2018 đã khai trương 62 cửa hàng Satra Food, 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị Satra và dự kiến mở 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị, mở thêm 60 cửa hàng tiện lợi trong năm 2019.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sau 11 năm đầu tư hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích Hapromart cũng đã mở rộng hệ thống bán lẻ đến các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Đáng chú ý, bán lẻ là ngành được nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Xu hướng thay đổi công nghệ

Thị trường giàu tiềm năng và cơ hội, song bán lẻ cũng là mảnh đất cạnh tranh khốc liệt và nhiều rủi ro. Trong đó, xu hướng thay đổi công nghệ “phi mã” được các chuyên gia tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam vừa qua dự báo sẽ là nhân tố làm thay đổi toàn bộ diện mạo thị trường bán lẻ cũng như mức độ cạnh tranh của thị trường trong những năm tới.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng các Robot tự động trong bán lẻ sẽ là xu thế nổi trội thay thế nhân lực và nâng cao hiệu quả bán hàng.

5 xu hướng chính được bà Hà dự báo sẽ trở thành chủ đạo trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam tới đây là bán lẻ đa kênh, chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhu cầu tiện lợi, cuộc cách mạng sức khỏe và đổi mới cải tiến từ ứng dụng công nghệ, trong đó sự thay đổi công nghệ là yếu tố hàng đầu chi phối năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Công nghệ thay đổi thị trường bán lẻ là xu hướng không thể đảo ngược cũng là khẳng định của ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư lý Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

“Nếu doanh nghiệp đánh giá sai xu hướng thay đổi công nghệ thì sẽ phải trả giá rất cao trong lĩnh vực bán lẻ. Yếu tố công nghệ tăng quyền lực của người mua hàng nên các nhà bán lẻ dù ở bất cứ quy mô nào cũng cần ứng dụng công nghệ đủ nhanh, nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi”, ông Tuyến nhấn mạnh và cho rằng, Blockchain sẽ là xu thế chủ đạo trong tương lai gần của lĩnh vực bán lẻ.

Câu chuyện thành công của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động trong phát triển chuỗi bán lẻ nhờ ứng dụng công nghệ nền tảng Tech Base và chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm là một ví dụ. Với 2 chiến lược mũi nhọn này, Công ty đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục với tốc độ cao từ năm 2009 đến nay.

Mới đây, Vinmart đã ra mắt ứng dụng công nghệ Scan &Go tích hợp nhiều chức năng mới, mang lại sự tiện lợi và trải nghiệm đặc sắc cho khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian và thỏa mãn cảm hứng mua sắm của người tiêu dùng. Với động thái này, nhà bán lẻ nội địa hàng đầu Việt Nam được nhận định sẽ trở thành đối thủ đáng gờm đối với các đại gia bán lẻ nước ngoài trong xu thế ứng dụng công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh.

Mặc dù vậy, ông Tuyến cho rằng, dù thị trường cạnh tranh khốc liệt song cuộc chơi không chỉ của các doanh nghiệp lớn, mà ngay cả doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng có thể vươn lên gia tăng thị phần, nếu chọn đúng phân khúc và quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ. Ví dụ, Beemart - thương hiệu kinh doanh nguyên liệu và dụng cụ làm bánh có doanh số cũng như số lượng cửa hàng tăng dần, nhờ ứng dụng công nghệ, nhất là trong quản lý, thanh toán và bán hàng. Hay một doanh nghiệp siêu nhỏ ở Hưng Yên phân phối sản phẩm toàn toàn quốc với hàng nghìn đơn hàng trong 1 ngày chỉ qua tương tác trực tuyến, doanh số đạt hàng chục tỷ đồng.

“Giờ đây, có giải pháp công nghệ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ mất chưa tới 1 triệu đồng/tháng mà doanh nghiệp bán lẻ quy mô 1 - 5 người có thể mang lại trải nghiệm không kém doanh nghiệp lớn. Do đó, công nghệ mang lại cơ hội tăng trưởng không giới hạn cho các doanh nghiệp bán lẻ ở các quy mô”, ông Tuyến nói.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục