Thép ngoại “đè” thép nội

(ĐTCK) Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trong công văn kêu cứu gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 24/2 vừa qua tỏ ra lo lắng “nếu các bộ, ngành chức năng không sớm thực hiện các biện pháp hữu hiệu, nếu tốc độ nhập khẩu phôi thép tiếp tục tăng như hiện này thì các đơn vị sản xuất phôi thép trong nước sẽ  phải dừng sản xuất và phá sản”. 
Doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước liêu xiêu trước sức ép cạnh tranh từ tôn thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam Doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước liêu xiêu trước sức ép cạnh tranh từ tôn thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam

Lý do là năm ngoái lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam là 1,9 triệu tấn, tăng 3 lần so với 2014, với mức bình quân 150.000 tấn/tháng, thì trong tháng 12/2015, lượng phôi thép nhập khẩu là 317.000 tấn và tăng lên 340.000 tấn vào tháng 1/2016, cao bất thường mặc dù Bộ Công thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra tự vệ thương mại với phôi thép và thép nhập khẩu.

Với tốc độ tăng như vậy, các doanh nghiệp trong ngành cảnh báo lượng phôi thép nhập khẩu cả năm sẽ chiếm đến 70% nhu cầu sử dụng, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước.

Tại VNSteel, CTCP Gang thép Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV Thép miền Nam là hai doanh nghiệp sản xuất phôi đã bị ảnh hưởng trước tiên.

Trong khối doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Hòa Phát, lợi nhuận quý cuối của năm trước thấp hơn các quý trước, báo hiệu mức độ ảnh hưởng của phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ còn ảnh hưởng rõ ràng hơn trong quý I năm nay.

Năm 2015, trong khi sản xuất thép tăng 21% thì sản xuất phôi thép lại giảm do nhập khẩu phôi tăng hơn 200% so với 2014. Đứng trước lượng phôi nhập khẩu ào ạt với giá thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước, các nhà sản xuất phôi thép trong nước bị thu hẹp thị phần chỉ vận hành khoảng 50% công suất.

Sang tháng 1/2016, sản xuất phôi thép trong nước tiếp tục giảm, gần 70% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá thành sản xuất phôi trong nước còn cao, dao động 7,4 -7,6 triệu đồng/tấn nên không thể cạnh tranh với thép Trung Quốc.

Không riêng gì doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, mà các doanh nghiệp ngành tôn thép cũng đang liêu xiêu vì tôn thép nhập khẩu.

Nếu cả năm 2015, tôn mạ nhập khẩu là hơn 1,4 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ, trong đó tôn màu nhập là 330.000 tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ thì trong tháng 1/2016, tốc độ nhập khẩu tiếp tục tăng với hơn 32.000 tấn tôn mạ màu, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Giá tôn mạ màu nhập khẩu bình quân tháng 1 là 606 USD/tấn CFR cảng Việt Nam, giảm 35% so với cùng kỳ tháng 1/2015.

Sản xuất tôn màu trong tháng 1 đạt 61.044 tấn, chỉ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Tôn màu nhập khẩu tăng 106% và chiếm 55,6% thị phần tiêu thụ tại Việt Nam.

Nếu không có biện pháp tự vệ thương mại thì doanh thu, thị phần của các nhà sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp trong các tháng tới dưới sức ép hàng nhập khẩu, chủ yếu là hàng giá rẻ từ thị trường Trung Quốc tràn qua khi nước này đang đẩy mạnh sản phẩm ngành thép trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia các cuộc điều tra chống bán phá giá ở thị trường nước ngoài cho biết, chính phủ các nước trong khu vực khá nhanh nhạy hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bằng việc áp thuế cao với hàng thép hay tôn thép từ Trung Quốc, Thái Lan và kể cả Việt Nam khi có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến đe dọa sản xuất ở trong nước.

Năm ngoái, Mỹ cũng đã điều tra chống bán phá giá với sản phẩm tôn chống ăn mòn (corrosion resistant steel) hay còn gọi là tôn mạ, gồm tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ phủ màu của 5 nước bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Ý. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Mỹ áp dụng cho 5 nước này là Trung Quốc 255,8%;  Ấn Độ 6,64 - 6,92%; Hàn Quốc 2,99 - 3,51%; Ý 0  - 3,11%; Đài Loan 0%.

Hoa Kỳ cũng áp thuế tạm thời chống trợ cấp cho cùng sản phẩm bị điều tra từ 5 quốc gia này như sau: Trung Quốc 26,26 – 235,66%; Ấn Độ từ 2,85 – 7,71%; Hàn Quốc 1,37%; Ý 13,06 – 38,41%; Đài Loan 0%.

Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là ở ngành thép, doanh nghiệp Việt đang chịu sức ép lớn từ chiến lược xuất khẩu ồ ạt của doanh nghiệp Trung Quốc nên rất cần sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời từ phía Chính phủ giống như ở nhiều nước đã làm.

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục