Theo dấu chân VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Soi chiếu với lý thuyết xác định xu hướng thị trường thì đợt giảm điểm của chỉ số VN-Index vừa qua có thể chỉ là nhịp điều chỉnh bình thường.
VN-Index đang điều chỉnh khoảng 10% so với đỉnh lịch sử 1.424 điểm. VN-Index đang điều chỉnh khoảng 10% so với đỉnh lịch sử 1.424 điểm.

Nắm bắt xu hướng, chìa khóa của thành công

Hai tuần qua, tâm lý nhà đầu tư đã trải qua cuộc thử thách lớn. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 1.299,31 điểm, giảm hơn 117 điểm so với đầu tháng 7. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua.

Sự giảm điểm này là khá bất ngờ và gần như trái với kỳ vọng của giới đầu tư khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới. Nhiều cổ phiếu đã mất từ 10 - 20% thị giá.

Dù tăng, giảm là một phần của thị trường, nhưng những đợt điều chỉnh mạnh như vậy đều mang lại tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư, nếu không muốn nói là có lúc khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Có những quan ngại rằng VN-Index đã lập đỉnh sau thời gian dài tăng giá, dẫn đến những quyết định bán ra, cắt lỗ không chính xác, gây thua thiệt nặng nề.

Tại MBS Talk cuối năm ngoái, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment cho biết, cân bằng được tâm lý là yếu tố quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Khi tài khoản tăng hay giảm quá mạnh, nhà đầu tư đừng nên để nó chi phối mạnh đến tâm lý, mà có thể đa dạng qua những việc khác để cân bằng.

Còn nhà đầu tư huyền thoại William O’neil từng nói: “Đừng bao giờ tranh cãi với thị trường. Sức khỏe và sự bình yên trong tâm hồn bạn quan trọng hơn bất cứ cổ phiếu nào”. Hàm ý của câu nói này là, chúng ta không thể làm thay đổi xu hướng thị trường, thị trường luôn đi theo đúng bản chất của nó là tăng và giảm. Điều chúng ta phải làm là chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một tâm lý thoải mái nhất, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Tâm lý trong đầu tư, đó là trạng thái đứng giữa cái được và mất. Vậy, nhà đầu tư cần làm gì để được và mất đó dễ chấp nhận hơn? Chúng ta đều biết, 75% các cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng thị trường chung và nhiệm vụ của nhà đầu tư là kiếm tiền trong thị trường tăng giá và rút khỏi thị trường khi chu kỳ giảm giá xuất hiện.

Xu hướng thị trường sẽ diễn ra trong một thời gian đủ dài, nếu nắm bắt đúng xu hướng nhà đầu tư đã nắm được 75% cơ hội chiến thắng (có nghĩa là 75% tỷ lệ được và 25% còn lại là mất) để tự tin hơn khi giải ngân.

Ngoài ra, nhờ vào những nguyên tắc xác định xu hướng thị trường, nhà đầu tư sẽ có một sự tính toán tốt hơn, bình tĩnh hơn trong những đợt điều chỉnh, từ đó dễ dàng nhìn thấy cơ hội trong rủi ro và nắm bắt cơ hội khi phần lớn nhà đầu tư đang lo sợ.

VN- Index đã tạo đỉnh?

Vậy, thị trường đang trải qua một đợt điều chỉnh bình thường hay là tạo đỉnh? Đợt điều chỉnh này đã kết thúc hay chưa? Hành động của chúng ta là gì?

Bò và Gấu là cách gọi cho thị trường xu hướng tăng và xu hướng giảm. Theo nghiên cứu của William O’neil thì thị trường Con Bò xuất hiện khi chỉ số có mức tăng hơn 20% tính từ đáy được thiết lập. Các đợt điều chỉnh thông thường trong xu hướng tăng của thị trường là từ 10 - 15% và những đợt điều chỉnh như vậy không làm thay đổi toàn bộ xu hướng tăng của thị trường.

Còn thị trường Con Gấu xuất hiện khi chỉ số có mức giảm trên 20% tính từ đỉnh cao mới được thiết lập gần nhất. Các đợt tăng với mức tăng từ 10 - 15% chỉ là những đợt phục hồi ngắn hạn và thị trường vẫn trong xu hướng giảm.

Soi chiếu với lý thuyết xác định xu hướng thị trường ở trên, kể từ thời điểm tạo đáy tháng 4/2020 của VN-Index, thị trường đã có những đợt điều chỉnh mạnh và không có đợt điều chỉnh nào lớn hơn 20% để thị trường bước vào xu hướng giảm.

Có thời điểm giảm hơn 16% ở tháng 1/2021, nhưng sau đó thị trường vẫn phục hồi và đà tăng lại mạnh mẽ hơn.

Trong đợt giảm điểm vừa qua, mức giảm của VN-Index là 124 điểm, tương đương mức giảm gần chưa tới 10% từ đỉnh 1.424 điểm, còn cách khá xa so với tỷ lệ 20% mà O’neil đưa ra. Và đây có thể chỉ là một nhịp điều chỉnh bình thường của thị trường, xu hướng tăng của VN-Index vẫn chưa kết thúc.

Vậy xu hướng tăng hay giảm thường kéo dài bao lâu?

Nhìn lại diễn biến chỉ số VN-Index trong giai đoạn 2016 - 2018, có thể thấy, trong nửa đầu năm 2016, chỉ số này đã có mức tăng hơn 32%, đà tăng được giữ vững, đây là tín hiệu xác nhận việc thị trường trở thành thị trường Con Bò. Xu hướng tăng kéo dài suốt 2 năm sau đó và đây là giai đoạn mà VN-Index tăng mạnh sau 10 năm từ 520 điểm lên vùng 1.200 điểm.

Xuyên suốt 2 năm tăng mạnh đó, VN-Index đã không ít lần điều chỉnh, nhưng không có nhịp điều chỉnh nào có mức giảm hơn 20% để trở thành thị trường Con Gấu.

Đến giai đoạn tháng 4/2018, VN-Index có mức điều chỉnh mạnh, chính thức tạo mức điều chỉnh giảm hơn 24% trong 2 tháng sau đó, xác nhận việc thị trường trở thành thị trường Con Gấu. Tiếp nối sau đó là một chu kỳ giảm giá hơn 2 năm của thị trường. Tương tự, sau khi bước vào thị trường Con Gấu, VN-Index chưa có thời điểm nào có mức tăng hơn 20% để chuyển đổi xu hướng.

Việc áp dụng góc nhìn này giúp chúng ta biết mình đang ở đâu trong một chu kỳ thị trường, từ đó có những kế hoạch giao dịch và giải ngân hợp lý.

Chiều dài thời gian của mỗi thị trường (Bò hay Gấu) cũng khác nhau. Dựa trên số liệu thống kê quá khứ thì thị trường tăng giá thường kéo dài từ 2 – 4 năm, trong khi thị trường giảm giá thường kéo dài từ 8 - 9 tháng.

Điều đặc biệt hơn nữa, theo thống kê của William O’neil, phần tăng giá mạnh nhất thường xảy ra trong 1 - 2 năm đầu tiên của mỗi chu kỳ thị trường tăng giá.

Nếu chúng ta ở năm thứ 3, hoặc thứ 4 của thị trường tăng giá, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn và hiệu quả. Như vậy, trong một thị trường tăng giá, vẫn xuất hiện “những đợt điều chỉnh ngắn hạn”, và các tín hiệu của đợt điều chỉnh sẽ gần giống như một xu hướng giảm đang hình thành.

Khi thị trường giảm điểm, việc chán nản với một tâm lý tiêu cực và rời khỏi thị trường trong xu hướng tăng sẽ làm chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Khi thị trường giảm điểm, việc chán nản với một tâm lý tiêu cực và rời khỏi thị trường trong xu hướng tăng sẽ làm chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội, cũng như dễ dẫn đến việc tham gia trở lại sau này bị trễ nhịp.

Nhưng đây sẽ là cơ hội cho các góc nhìn tích cực, khi P/E thị trường đã có mức giảm đáng kể, nhiều cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đã được chiết khấu về những vùng giá rất hấp dẫn.

Ở thời điểm này, có lẽ nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát thêm thị trường để nắm bắt rõ xu hướng.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục