Thêm yếu tố bất ổn về lãi suất, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Năm (26/10), khi các cổ phiếu megacap vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh, trong khi các dấu hiệu về khả năng phục hồi kinh tế có thể khuyến khích Fed giữ lãi suất ở cao trong thời gian lâu hơn dự kiến.
Thêm yếu tố bất ổn về lãi suất, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

Cổ phiếu Meta (Facebook) giảm khoảng 3,7%, ngay cả sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III vượt kỳ vọng. Facebook dự báo chi tiêu năm 2024 sẽ tăng cao hơn ước tính và cho rằng xung đột Trung Đông có thể làm giảm doanh số bán hàng quý IV.

Chỉ số Nasdaq, vốn nặng về cổ phiếu công nghệ đã bị đè nặng bởi nhóm "bảy cổ phiếu megacap", khi các ông lớn ngành công nghệ sẽ phải đối mặt với lợi nhuận bị đe dọa trong tương lai do lãi suất có thể sẽ được giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Hiện Nasdaq Composite đã chính thức rơi vào phạm vi điều chỉnh với mức giảm hơn 10% so với mức đóng cửa cao nhất trong năm nay xác lập vào tháng 7.

Về mặt dữ liệu, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng tốc với tốc độ 4% trong quý III sau khi chỉ tăng với tốc độ 0,8% trong quý II, được thúc đẩy bởi chi tiêu cho cả hàng hóa và dịch vụ.

Bên cạnh đó, GDP quý III của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2% so với mức dự báo tăng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người cho rằng sự vững vàng của nền kinh tế đồng nghĩa Fed có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Triển vọng lãi suất như vậy có thể sẽ đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng trong những phiên tới.

Các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm nay và sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.

Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số Dow Jones giảm 251,63 điểm (-0,76%), xuống 32.784,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 49,54 điểm (-1,18%), xuống 4.137,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 225,62 điểm (-1,76%), xuống 12.595,60 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất như dự kiến đã không đủ bù đắp cho các báo cáo kết quả kinh doanh kém lạc quan, bao gồm cả từ Standard Chartered.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,47% xuống 433,22 điểm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4%, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp chưa từng có, đồng thời duy trì định hướng, báo hiệu chính sách ổn định phía trước.

"Rõ ràng quan điểm rằng việc giữ lãi suất ở mức này đủ lâu sẽ giúp đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%", Neil Birrell, Giám đốc đầu tư tại Premier Miton Investors, cho biết.

Tuy nhiên, một loạt các báo cáo kém lạc quan lại đè nặng lên chỉ số, với cổ phiếu của Siemens Energy giảm 35,5% xuống mức thấp kỷ lục, sau khi công ty Đức cho biết họ đang đàm phán với chính phủ về khả năng bảo lãnh sau những thất bại lớn tại bộ phận khai thác điện gió.

Các cổ phiếu ngân hàng gây thất vọng, với Standard Chartered giảm 12,4% do lợi nhuận trước thuế quý III giảm 33%, trong khi doanh thu giao dịch giảm đã khiến BNP Paribas giảm 2,6%, Swedbank giảm 6,9% sau khi thu nhập lãi thuần quý III giảm nhiều hơn so với kỳ vọng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô giảm 2,1%, bị đè nặng bởi sự sụt giảm 5,8% của Mercedes-Benz sau khi thu nhập quý III giảm và nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo Cars giảm 9,5%.

Ở chiều ngược lại, điểm sáng thuộc về BE Semiconductor tăng 13%, nằm trong số những cổ phiếu tăng hàng đầu trên STOXX 600, khi biên lợi nhuận gộp quý III của công ty Hà Lan vượt ước tính.

Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 59,77 điểm (-0,81%), xuống 7.354,57 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 161,13 điểm (-1,08%), xuống 14.731,05 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 26,11 điểm (-0,38%), xuống 6.888,96 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu một đợt bán tháo trên diện rộng, trong bối cảnh lợi suất dài hạn tăng và cổ phiếu công nghệ Mỹ bị bán mạnh trong phiên đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,14% xuống 30.601,78 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,34% xuống 2.224,25 điểm.

"Thời điểm này, Nikkei 225 đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn hơn các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ", Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chỉ ra mối tương quan cao với S&P 500 trong bốn tuần qua.

Cổ phiếu công nghệ đã bị ảnh hưởng lớn sau khi Alphabet (Google) lao dốc, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng trở lại mức cao nhất trong 16 năm cũng đã khiến thị trường đi xuống.

Ở nhật Bản, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao mới trong 10 năm qua.

"Lợi suất đang bóp nghẹt cổ phiếu ở khắp mọi nơi. Nhật Bản là một trường hợp rõ rệt hơn về điều này”, Kyle Rodda, một nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết.

Các cổ phiếu chip phiên này giảm sâu nhất với Advantest dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225, giảm 6,87%, Screen Holdings giảm 5,61%, tiếp theo là Tokyo Electron giảm 5,03%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khi thị trường vẫn nhận ảnh hưởng tích cực từ biện pháp kích thích trước đó.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,48% lên 2.988,30 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,28% lên 3.514,14 điểm.

Các nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau một loạt các biện pháp kích thích gần đây, bao gồm kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (136,76 tỷ USD) trái phiếu chính phủ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc vào thứ Năm, sau tám phiên bán ròng liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông trượt dốc, khi thị trường phải vật lộn để phục hồi sau các biện pháp của chính quyền để thúc đẩy phục hồi, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá yếu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,24% xuống 17.044,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,09% lên 5.859,55 điểm.

Niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức thấp, do sự phục hồi trong nước và rủi ro ở nước ngoài vẫn còn quá mức. Xung đột ở Trung Đông đã đẩy giá dầu lên cao và làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro toàn cầu.

"Cần có thời gian để kiểm tra đáy trên thị trường", Huang Yan, nhà quản lý quỹ của Shanghai QiuYang Capital cho biết. Các nhà đầu tư không nên quá lạc quan vì tình hình kinh tế vẫn còn khắc nghiệt, Huang nói thêm.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong trong 13 tháng, khi lo lắng của nhà đầu tư gia tăng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ mở rộng đà tăng, trong khi dữ liệu trong nước mạnh hơn dự kiến đã hỗ trợ khả năng diều hâu hơn của ngân hàng trung ương.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 64,09 điểm, tương đương 2,71%, xuống 2.299,08 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/9/2022.

Thị trường đón nhận thông tin GDP của Hàn Quốc trong quý III/2023 đã tăng 0,6% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 668,14 điểm (-2,14%), xuống 30.601,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,19 điểm (+0,48%), lên 2.988,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,72 điểm (-0,24%), xuống 17.044,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 64,09 điểm (-2,71%), xuống 2.299,08 điểm.

Giá dầu giảm do lo ngại về cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông giảm bớt, trong khi nhu cầu của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.

Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,18 USD/thùng (-2,55%), xuống 83,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,2 USD/thùng (-2,44%), xuống 87,93 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục