Thêm nỗi lo mới, chứng khoán quay đầu, vàng hưởng lợi

(ĐTCK) Xuất hiện thêm những không tin không tích cực ở cả 3 khu vực Âu, Á, Mỹ khiến chứng khoán quay đầu giảm điểm, trong khi vàng đảo chiều đi lên. Trong khi đó, những ngày thăng hoa của giá dầu chấm dứt bằng phiên giảm mạnh nhất từ trước tới nay.
Phố Wall đảo chiều sau khi giá dầu thô lao dốc trở lại - Ảnh: AFP Phố Wall đảo chiều sau khi giá dầu thô lao dốc trở lại - Ảnh: AFP

Đà tăng của chứng khoán Mỹ dừng lại trong phiên thứ Tư khi những ngày tươi đẹp của giá dầu chấm dứt. Bên cạnh đó, nút thắt Hy Lạp tưởng chừng có lối gỡ, thì bất ngờ lại trở lại thế bế tắc từ thông điệp mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Về thông tin kinh tế, trong ngày thứ Tư, Viện quản lý nguồn cung Mỹ cho biết, chỉ số dịch vụ trong tháng 1 tăng nhẹ lên mức 56,7 từ mức 56,5 trong tháng 12/2014, cao hơn mức dự báo 56,3 của giới phân tích, nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong 6 tháng.

Trong khi đó, chỉ số việc làm trong tháng 1 theo cuộc khảo sát khác giảm xuống 51,6 từ 55,7 trong tháng 12 năm ngoái, trong khi giá cả và đơn đặt hàng dự trự đều dưới mức 50, mức sụt giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng đang dần vào ngưỡng bị co hẹp lần đầu kể từ tháng 2/2014.

Với những thông tin không khả quan trên, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 6,62 điểm (+0,04%), lên 17.673,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,52 điểm (-0,42%), xuống 2.041,51 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,03 điểm (-0,23%), xuống 4.716,70 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhờ kết quả kinh doanh khả quan của LVMH, công ty sở hữu thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton và sự kỳ vọng nút thắt Hy Lạp được tháo gỡ giúp thị trường khu vực duy trì đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, kỳ vọng về nút thắt Hy Lạp được tháo gỡ dường như đã bị dội một gáo nước lạnh khi ECB cho biết, ngân hàng này không chấp nhận trái phiếu của Hy Lạp để trao đổi nợ như đề xuất trước đó của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp. Vì vậy, nhiều khả năng chứng khoán châu Âu sẽ chịu tổn thương lớn trong phiên giao dịch kế tiếp.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,78 điểm (-0,17%), xuống 6.860,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 20,37 điểm (+0,19%), lên 10.911,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,40 điểm (+0,39%), lên 4.696,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất 2 tuần nhờ thông tin tích cực từ Âu, Mỹ trong phiên trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc lại quay đầu giảm điểm sau phiên tăng mạnh trước đó, dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC)vừa tiếp tục nởi lỏng chính sách tiền tệ thông qua giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chính việc PBOC nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian ngắn càng khiến cho tâm lý nhà đầu tư lo lắng về đà tăng trưởng chậm lại hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc và khi đó sẽ ảnh hưởng tới kinh tế khu vực và thế giới.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 342,89 điểm (+1,98%), lên 17.678,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 124,98 điểm (+0,51%), lên 24.679,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 30,78 điểm (-0,96%), xuống 3.174,13 điểm.

Tưởng chừng vàng đã hết chỗ bấu víu, thì những thông tin mới công bố liên quan đến dữ liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, cũng như mối lo trở lại của vấn đề Hy Lạp lại giúp vai trò trú ẩn của vàng gia tăng và giá kim loại quý này đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó.

Hiện giới đầu tư đang hướng tới báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu. Đây được cho là điểm dữ liệu kinh tế quan trọng nhất của Mỹ trong tháng. Dự báo, bảng lương phi nông nghiệp sẽ có thêm 237.000 việc làm trong tháng Giêng.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay tăng 8,8 USD (+0,70%), lên 1.268,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 4,2 USD/ounce (+0,33%), lên 1.264,5 USD/ounce.

Chuỗi ngày thăng hoa ngọt ngào của giá dầu đã chấm dứt trong phiên thứ Tư khi thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ tuần trước tăng lên mức kỷ lục. Kho dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 6,3 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo 3,5 triệu thùng của giới phân tích, lên mức 413,06 triệu thùng, mức cao nhất kể từ năm 1982. Thông tin này khiến giá dầu thô Mỹ giảm tới gần 9,5%, mức giảm mạnh nhất trong ngày từ trước đến nay, trong khi dầu thô Brent cũng giảm gần 7%, mất gần một nửa so với những gì có được sau 4 ngày tăng.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô Mỹ giảm 4,60 USD/thùng (-9,49%), xuống 48,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,75 USD (-6,92%), xuống 54,16 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục