Chứng khoán giảm mạnh trở lại, giá vàng và dầu tăng vọt

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố đã khiến phố Wall giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi vai trò trú ẩn của vàng tăng lên. Dầu lại bất ngờ nhận được thông tin hỗ trợ khác để tăng vọt 8%.
Phố Wall giảm mạnh sau dữ liệu kinh tế kém khả quan - Ảnh: Reuters Phố Wall giảm mạnh sau dữ liệu kinh tế kém khả quan - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2014 chỉ là 2,6% theo năm, thấp hơn nhiều so với mức 5% của quý III và thấp hơn mức dự báo 3%. Trong khi chi tiêu tiêu dùng cũng giảm trong quý này và thâm hụt thương mại lớn hơn do đồng USD mạnh. Tuy nhiên, thị trường lại được hỗ trợ bởi thông tin chi tiêu tiêu dùng trong quý IV/2014 tăng 4,3% sau khi tăng 3,2% trong quý III, mức tăng nhanh nhất kể từ quý I/2006, lên mức cao nhất trong 11 năm nhờ vào công việc và mức lương tiềm năng hơn.

Một đánh giá nhu cầu cơ bản trong nước cũng cho thấy tăng 3,9% trong quý IV sau khi tăng 4,1% trong quý III. Điều này cho thấy dữ liệu trong nước đã đủ mạnh để giúp kinh tế Mỹ giảm thiểu ảnh hưởng từ suy yếu kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, phố Wall cũng trải qua phiên cuối tuần đầy biến động và toàn bộ số điểm có được trong phiên thứ Năm đã bị lấy hết, thậm chí hụt thêm. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng cuối phiên khi giá dầu tăng vọt 8% cũng khiến giúp phố Wall tránh khỏi phiên giảm mạnh, S&P 500 đánh mất mốc 2.000 điểm.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn lo lắng về tình hình châu Âu khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cho biết, Chính phủ nước này sẽ hợp tác với các đặc phái viên của Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Dow Jones giảm 251,90 điểm (-1,45%), xuống 17.164,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,26 điểm (-1,30%), xuống 1.994,99 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 48,17 điểm (-1,03%), xuống 4.635,24 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 2,87%, chỉ số S&P 500 giảm 2,77% và chỉ số Nasdaq giảm 2,58%. Trong tháng đầu tiên của năm 2015, Dow Jones giảm 3,69%, S&P 500 giảm 3,1% và chỉ số Nasdaq giảm 2,13%.

Lo ngại rủi ro từ Hy Lạp và thông tin từ Mỹ cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên cuối tuần. Trong tuần, đa số các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm, nhưng ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại có tháng tăng tốt nhất 3 năm trong tháng đầu tiên của năm 2015 nhờ kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 30/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 61,20 điểm (-0,90%), xuống 6.749,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 43,55 điểm (-0,41%), xuống 10.694,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,18 điểm (-0,59%), xuống 4.604,25 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,22%, chỉ số CAC 40 giảm 0,79%, trong khi chỉ số DAX tăng nhẹ 0,42%. Trong tháng, FTSE 100 tăng 2,79%, chỉ số CAC 20 tăng 7,76% và DAX tăng mạnh nhất với 9,06%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn được công bố, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm. Trong tuần chỉ có chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, còn lại chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giảm, nhất là Trung Quốc đại lục giảm tới hơn 4,2%

Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 68,17 điểm (+0,39%), lên 17.674,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,80 điểm (-0,36%), xuống 24.507,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 51,94 điểm (-1,59%), xuống 3.210,36 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,93%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 1,38% và chỉ số Shanghai Composite giảm tới 4,22%. Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,28%, chỉ số Hang Seng tăng 3,82%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 3,44%.

Với loạt thông tin không tích cực về kinh tế Mỹ và vấn đề Hy Lạp, vàng dĩ nhiên nhanh chóng lấy lại được vai trò trú ẩn của mình. Những gì để mất trong phiên trước đó đã nhanh chóng được bù đắp lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, phiên hồi phục này cũng không giúp vàng tránh khỏi tuần giảm giá. Tuy nhiên, xét trong tháng, giá kim loại quý vẫn tăng mạnh hơn 8%.

Tuần tới sẽ có nhiều thông tin tác động đến giá vàng. Bắt đầu bằng chỉ số nhà quản trị mua hàng nhà máy của Viện quản lý nguồn cung, sau đó là thu nhập cá nhân và chỉ số chi tiêu tháng 12/2014 và vào thứ Sáu như thường lệ là bảng lương phi nông nghiệp. Các nhà phân tích cho rằng, đây chính là các dữ liệu quan trọng để đoán định chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai.

"Chúng ta sẽ nhận dữ liệu quan trọng trên các lĩnh vực sản xuất và sau đó là bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu. Nếu dữ liệu tốt hơn so với dự kiến, thì giá vàng sẽ chịu tác động tiêu cực vì khả năng Fed tăng lãi suất sẽ cao thêm. Nếu dữ liệu là yếu hơn so với dự kiến, vàng sẽ được lợi", Bart Melek, Giám đốc kinh doanh hàng hóa tại TD Securities nói.

Bernard Dahdah, nhà phân tích kim loại quý tại Natixis cho biết, trong số các dữ liệu, thì con số việc làm sẽ có tác động lớn nhất tới kỳ vọng chính sách tiền tệ của Mỹ.

Tương tự, Ole Hansen, Chiến lược gia trưởng mảng hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, các dữ liệu của Mỹ và số biên chế phi nông nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với vàng trong tuần tới, nhưng nhà đầu tư cũng nên để mắt tới những gì đang xảy ra ở châu Âu.

Trong khi đó, George Gero, Phó chủ tịch RBC Capital Markets Global Futures cho rằng, theo phân tích kỹ thuật, mốc 1.250/ounce vẫn là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho vàng, nhưng thị trường có thể "chờ đợi và xem xét" vì hiện có nhiều thông tin tác động không tích cực tới giá vàng.

Kết thúc phiên 30/1, giá vàng giao ngay tăng 25 USD (+1,99%), lên 1.283,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 23,9 USD/ounce (+1,91%), lên 1.278,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 23,3 USD/ounce (+1,86%), lên 1.279,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,85% và giá vàng giao tháng 2 giảm 1,09%. Trong tháng, vàng giao ngay tăng tới 8,47% và vàng giao tháng 2 tăng 7,97%.

Trong phiên cuối tuần, thị trường năng lượng nhận thông tin tích cực khi lượng giàn khoan khai thác dầu đá phiến của Mỹ giảm hàng tuần mạnh nhất trong gần 30 năm. Sau thông tin này, giá dầu đã tăng vọt 8%, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ năm 2009.

Kết thúc phiên 30/1, giá dầu thô Mỹ tăng 3,71 USD/thùng (+7,69%), lên 48,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,86 USD (+7,28%), lên 49,13 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục