Trong phiên 27/1, Apple công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt hơn dự báo, cùng với kỷ lục bán hàng dòng iPhone của mình. Sau thông tin này, cổ phiếu của Apple tăng 5,4% lên 115 USD/CP.
Tuy nhiên, đây lại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường khi đa số các tập đoàn đa quốc gia khác như Microsoft, P&G, DuPont Co, Caterpillar đều có kết quả kinh doanh gây thất vọng với lý do là đồng USD mạnh.
Mỗi mình Apple và một vài cổ phiếu khác đã không thể chống đỡ được kết quả yếu kém chung của toàn thị trường. 9/10 chỉ số thành phần của S&P 500 đều giảm điểm, trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm công nghệ khi mất 3,3%, mức giảm mạnh nhất trong ngày tính từ tháng 11/2011.
Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Dow Jones giảm 291,49 điểm (-1,65%), xuống 17.387,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,54 điểm (-1,34%), xuống 2.029,55 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 90,27 điểm (-1,89%), xuống 4.681,50 điểm.
Về tin tức kinh tế, thị trường đón nhận những thông tin trái ngược nhau. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, kế hoạch đầu tư kinh doanh mới của doanh nghiệp Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12/2014, một dấu hiệu không chỉ cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn, mà còn cho thấy đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và giá dầu thô giảm đã có tác động đến nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng vừa công bố lại lên mức cao nhất kể từ tháng năm 2007. Điều đó đã giúp phố Wall hãm bớt đà rơi, Dow Jones trước đó đã giảm 2,2%.
Với những thông tin về kết quả kinh doanh và kinh tế trên, nhiều người cho rằng, FED sẽ giữ thái độ ôn hòa hơn với chính sách tiền tệ của mình. Nhiều khả năng cơ quan này sẽ đưa ra quyết định không tăng lãi suất trong năm nay trong cuộc họp vào 27 và 28/1 này. Với dự báo đó, đồng USD đã giảm mạnh trở lại so với các loại tiền tệ mạnh khác.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, mối lo Hy Lạp và kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp lớn như Siemens và Philips đã khiến chuỗi tăng điểm ấn tượng của chứng khoán khu vực này bị chặn lại. Các chỉ số đều giảm trên dưới 1% trong phiên 27/1.
Giới đầu tư lo ngại rằng, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ có những xung đột với Liên minh châu Âu về các điều khoản của gói cứu trợ quốc gia này. Điều này khiến dấy lên những lo ngại nhà đầu tư sẽ chuyển tiền ra khỏi các ngân hàng Hy Lạp và khi đó có thể gây ra cuộc khủng hoảng không chỉ riêng ở Hy Lạp.
Kết thúc phiên 27/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,79 điểm (-0,60%), xuống 6.811,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 169,75 (-1,57%), xuống 10.628,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 50,92 điểm (-1,09%), xuống 4.624,21 điểm.
Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ và một số thị trường chứng khoán chính ở châu Á, chứng khoán Nhật Bản lại có phiên tăng mạnh và leo lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản nhận thấy mối lo về tình hình Hy Lạp không quá ngại như lo sợ ban đầu.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng nặng nề từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Lợi nhuận của các tập đoàn công nghiệp lớn của Trung Quốc trong năm 2014 giảm 8% so với năm trước do đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thông tin này đã khiến cả chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông giảm mạnh.
Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 299,78 điểm (+1,72%), lên 17.768,3 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 102,62 điểm (-0,41%), xuống 24.807,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 30,22 điểm (-0,89%), xuống 3.352,96 điểm.
Sau khi chịu áp lực chốt lời và giảm trong phiên đầu tuần mới, giá vàng đã nhanh chóng tìm lại xu hướng tăng trong phiên thứ Ba khi nhu cầu đầu tư an toàn lại gia tăng với kết quả kinh doanh của thất vọng được công bố. Ngoài ra, việc đồng USD giảm giá cũng hỗ trợ trở lại cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.
Bên cạnh đó, mối lo về tình hình Hy Lạp lại dấy lên khi có nhiều dự báo, Chính phủ Hy Lạp sẽ xung đột với Liên minh châu Âu liên quan đến các điều kiện cứu trợ của quốc gia này. Nếu điều này xảy ra, tình hình có thể tồi tệ hơn, nhất là đối với các ngân hàng Hy Lạp và có thể lây lan ra cả khu vực. Vì vậy, vai trò trú ẩn của vàng càng được gia tăng và kim loại quý này có lý do để nhanh chóng lấy lại đà tăng.
Kết thúc phiên 27/1, giá vàng giao ngay tăng 10,8 USD (+0,84%), lên 1.292,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 12,3 USD/ounce (+0,96%), lên 1.291,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 đứng ở mức 1.292,9 USD/ounce.
Nhờ đồng USD giảm mạnh trở lại, giá dầu đã hồi phục tốt trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, với thông tin kho dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 13 triệu thùng trong tuần trước, giá dầu thô Mỹ đang chịu áp lực giảm trở lại.
Kết thúc phiên 27/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,08 USD/thùng (+2,34%), lên 46,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,44 USD (+2,90%), lên 49,60 USD/thùng.