Vàng bị chốt lời, chứng khoán tăng nhờ gói QE của ECB

(ĐTCK) Thông tin về việc ECB sẽ tung ra chương trình mua trái phiếu trị giá 50 tỷ EUR/tháng bắt đầu tư tháng 3/2015 giúp chứng khoán đồng loạt tăng điểm, trong khi khiến vàng giảm dần tính hấp dẫn và chịu áp lực chốt lời.
Phố Wall có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần mới - Ảnh: Reuters Phố Wall có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần mới - Ảnh: Reuters

Phố Wall tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động. Các chỉ số chính liên tục đảo chiều trong phiên trước khi đóng cửa trong sắc xanh khi giới đầu tư nhận được thông tin là gói kích thích kinh tế sẽ được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố trong ngày 22/1.

Theo hãng tin Reuters, một nguồn tin của hãng này cho biết, Ban lãnh đạo ECB đã đề xuất một chương trình mua lại 50 tỷ EUR (58 tỷ USD) mỗi tháng bắt đầu từ tháng 3/2015 để giúp kinh tế khu vực đồng euro thoát khỏi tình trạng giảm phát và yếu kém như hiện nay, bất chấp sự phản đổi của Đức. Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ công bố chính thức về gói kích thích này trong cuộc họp báo diễn ra vào 13h30 giờ GMT hôm thứ Năm (22/1).

Việc ECB đưa ra gói kích thích kinh tế có lợi cho kinh tế Mỹ, bởi châu Âu là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Do đó, ngay sau khi thông tin này được đăng tải, phố Wall đã giữ được đà tăng vững sau những rung lắc trước đó.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones tăng 39,05 điểm (+0,22%), lên 17.554,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,57 điểm (+0,47%), lên 2.032,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,59 điểm (+0,27%), lên 4.667,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu điều chỉnh trở lại trong phiên 21/1 sau 4 phiên tăng điểm và giới đầu tư thận trọng trước giờ G. Việc ECB đưa ra gói kích thích là điều ai cũng dự đoán, tuy nhiên, cái chính là mức độ cụ thể và độ lớn của gói kích thích này sẽ như thế nào.

“Tin đồn về quyết định của ECB là rất quan trọng. Cảm nhận của thị trường là Mario Draghi sẽ làm thị trường thất vọng về độ lớn của chương trình kích thích”, ông Phil Orlando, chiến lược gia thị trường chứng khoán tại Federated Investors (New York) nói và cho rằng, bất kể kích thước của chương trình kích thích thế nào, nhiều điều khoản sẽ được quy định cụ thể về điều kiện loại tài sản mua và mức độ tác động của nó tới các thành viên của khối.

Sau thông tin về việc ECB sẽ mua vào 50 tỷ EUR mỗi tháng trong thời gian đáng kể, thị trường đã đồng loạt quay đầu tăng điểm và kết thúc phiên với phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Nếu thời gian đáng kể mà ECB đưa ra là 1 năm kể từ tháng 3/2015, thì gói hỗ trợ này trị giá 600 tỷ EUR như dự báo trước của giới phân tích, còn nếu nó kéo dài đến hết năm 2016, thì giá trị của nó lên tới hơn 1.000 tỷ EUR, đây là gói kích thích đủ lớn để kéo lại lạm phát.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 107,94 điểm (+1,63%), lên 6.728,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,10 (+0,41%), lên 10.299,23 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 38,80 điểm (+0,87%), lên 4.484,82 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không thay đổi chính sách khiến đồng yên tăng mạnh hơn 1% so với đồng USD và kéo chỉ số Nikkei 225 giảm trở lại. Dù BoJ không mở rộng gói kích thích kinh tế đã được dự đoán từ trước, nhưng giới đầu tư vẫn chờ đợi vào một sự bất ngờ từ BoJ khi cơ quan này hạ mức dự báo lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới từ mức 1,7% xuống còn 1% với lý do là do giá dầu giảm.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên tăng mạnh nhất 3 tuần và chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, lấy lại được gần hết những gì trong phiên giảm lịch sử đầu tuần. Việc 2 thị trường chứng khoán này tăng mạnh trong ngày 21/1 là do giới đầu tư kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch và thấp nhất trong 24 năm trong năm 2014.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, giá dầu thấp và giá cả hàng hóa nguyên liệu khác giảm là mặt tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ của mình.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 85,82 điểm (-0,49%), xuống 17.280,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 401,42 điểm (+1,68%), lên 24.352,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 150,56 điểm (+4,74%), lên 3.323,61 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi tăng mạnh trên thị trường châu Á và đầu phiên châu Âu, vượt qua ngưỡng 1.300 USD/ounce, giá vàng đã nhanh chóng điều chỉnh trở lại khi bước vào giữa phiên giao dịch Mỹ khi thông tin ECB tung ra gói kích thích định lượng.

Thông tin này được đưa ra khiến nhà đầu tư tập trung đổ tiền vào chứng khoán để đón đầu cơ hội, trong khi vàng giảm dần tính hấp dẫn và chịu áp lực chốt lời. Mặc khác, việc ECB tung ra gói kích thích kinh tế sẽ khiến đồng USD tăng mạnh hơn và qua đó cũng gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 21/1, giá vàng giao ngay giảm 1,3 USD (-0,1%), xuống 1.292,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 16,8 USD/ounce (+1,32%), lên 1.293,7 USD/ounce.

Giá dầu hồi phục tốt trở lại khi Tập đoàn năng lượng Total cho biết sẽ cắt giảm đầu tư 10% trong năm nay, giúp hạn chế bớt nguồn cung.

Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,31 USD/thùng (+2,74%), lên 47,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,04 USD (+2,12%), lên 49,03 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục