Chứng khoán Mỹ mở cửa tuần giao dịch mới sau 1 ngày nghỉ lễ khá tích cực, tuy nhiên, việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến phố Wall đồng loạt đảo chiều giảm trở lại. Tuy nhiên, về cuối phiên, các chỉ số này một lần nữa đảo chiều tăng điểm và đóng cửa không thay đổi nhiều so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
IMF cắt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm 0,3% xuống còn 3,5% với lo ngại ở phần lớn các nền kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là điểm sáng hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng tốt.
Kết thúc phiên 20/1, chỉ số Dow Jones tăng 3,66 điểm (+0,02%), lên 17.515,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,13 điểm (+0,15%), lên 2.022,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,45 điểm (+0,44%), lên 4.654,85 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm và ở mức cao nhất 7 năm khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố, dù có chậm lại nhưng không quá tệ như dự báo. Trong khi đó, kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra gói kích thích kinh tế đang lớn dần.
Một cuộc thăm dò của các nhà phân tích cho thấy, niềm tin nhà đầu tư ở Đức trong tháng 1 tăng tháng thứ 3 liên tiếp, nhờ giá dầu thấp và đồng EUR thấp, tăng kỳ vọng phục hồi cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Kết thúc phiên 20/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,57 điểm (+0,52%), lên 6.620,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,78 (+0,14%), lên 10.257,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 51,09 điểm (+1,16%), lên 4.446,02 điểm.
Dữ liệu kinh tế quý IV/2014 và cả năm 2014 của Trung Quốc đã chính thức được công bố. Theo đó, GDP quý IV của nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng 7,3% cao hơn so với dự báo 7,2%. GDP cả năm đạt 7,4%, thấp hơn kế hoạch 7,5%. Dù vẫn có mức tăng trưởng thấp nhất 24 năm, nhưng dữ liệu vừa công bố cao hơn so với dự báo đã giúp tâm lý nhà đầu tư lấy lại được phần nào sau phiên hoảng loạn ngày thứ Hai.
Sau dữ liệu GDP của Trung Quốc được công bố, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc hồi phục, trong khi chứng khoán Nhật Bản cũng có phiên tăng mạnh nhất trong 1 tháng khi các cổ phiếu của doanh nghiệp có liên quan với Trung Quốc tăng mạnh, cũng như giới đầu tư kỳ vọng vào việc ECB đưa ra gói kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên 20/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 352,01 điểm (+2,07%), lên 17.366,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 212,67 điểm (+0,90%), lên 23.951,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 56,70 điểm (+1,82%), lên 3.173,05 điểm.
Liên tiếp những thông tin không khả quan về kinh tế thế giới được đưa ra, vàng dĩ nhiên là được hưởng lợi nhất, vì vai trò trú ẩn tăng cao. Sau phiên yên ắng đầu tuần do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch, giá vàng trong phiên tối qua đã tăng vọt lên mức cao nhất 5,5 tháng khi trở thành địa điểm trú ẩn ưa thích của nhiều nhà đầu tư trước bối ảnh nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Ngoài ra, một báo cáo cho biết, nhu cầu của các quỹ giao dịch vàng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây cũng góp phần giúp giá kim loại quý này tăng mạnh.
Kết thúc phiên 20/1, giá vàng giao ngay tăng 13,9 USD (+1,09%), lên 1.294,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 17,3 USD/ounce (+1,35%), lên 1.276,9 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục sụt giảm khi IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, khiến nhu cầu về loại nhiên liệu này càng bị sụt giảm, trong khi lượng cung không được cắt giảm, thậm chí còn gia tăng khi các nước xuất khẩu dầu mỏ muốn tranh giành thị phần. Nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Iran ám chỉ giá dầu có thể xuống tới 25 USD/thùng nếu không có hành động hỗ trợ từ OPEC.
Kết thúc phiên 20/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,3 USD/thùng (-4,96%), xuống 46,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,18 USD (-4,54%), xuống 47,99 USD/thùng.