FED lại làm chao đảo phố Wall

(ĐTCK) Thông điệp phát đi sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến phố Wall tiếp tục giảm mạnh và giá vàng cũng lao theo.
Sau kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp lớn, đến lượt FED "nhuộm đỏ" phố Wall - Ảnh: AFP Sau kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp lớn, đến lượt FED "nhuộm đỏ" phố Wall - Ảnh: AFP

Sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC), thông điệp được đưa ra là nền kinh tế Mỹ đã tăng với “đốc độ vững chắc” và việc làm được tăng lên mạnh mẽ, thất nghiệp giảm, vì vậy, FED vẫn trên đường thực hiện tăng lãi suất trong năm nay.

FED luôn lặp lại điệp khúc sẽ “kiên nhẫn” trong quyết định tăng lãi suất của mình, mặc dù thừa nhận đang có sự suy giảm trong lạm phát và mức mục tiêu 2% mà cơ quan này đặt ra khó đạt được.

Khi đưa ra thông báo của mình, FDE phần lớn đều dẫn thông tin về sự sụt giảm của nền kinh tế châu Âu, châu Á và cho biết, sẽ cân nhắc được mất tới "sự phát triển tài chính và quốc tế" khi xác định khi tăng lãi suất. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2013, FED đưa thêm một tham chiếu đến các thị trường toàn cầu để ra quyết định chính sách của mình.

"Hoạt động kinh tế đã được mở rộng với một tốc độ vững chắc", FED cho biết trong một tuyên bố, đã nâng cấp hơn so với mức đánh giá "tốc độ vừa phải" đưa ra trước đó. "Điều kiện thị trường lao động đã được cải thiện hơn nữa, với tăng việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn".

Động thái này của FED đi ngược lại với các Ngân hàng Trung ương thế giới, mà mới đây nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tung gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ EUR, Ngân hàng Trung ương Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ…, khiến đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất nhiều năm. Việc đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và lạm phát của Mỹ.

Hệ quả đầu tiên là các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có kết quả kinh doanh kém khả quan do tác động từ đồng USD đã được công bố ngày trước đó như Microsoft, P&G…

Sau thông tin của FED, phố Wall đồng loạt chìm trong sắc đỏ và tiếp tục nhận phiên giảm điểm mạnh thứ 2 liên tiếp.

Ngoài ra, phố Wall giảm điểm còn do ảnh hưởng từ cổ phiếu năng lượng giảm mạnh 3,9% do giá dầu giảm mạnh sau báo cáo của Barclays và Goldman Sachs.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Dow Jones giảm 195,84 điểm (-1,13%), xuống 17.191,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,39 điểm (-1,35%), xuống 2.002,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 43,50 điểm (-0,93%), xuống 4.637,99 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Hy Lạp lao dốc khi giới đầu tư lo ngại về lĩnh vực ngân hàng của nước này với lo ngại Chính phủ mới sẽ có xung đột với Liên minh châu Âu về các điều khoản nợ. Tuy nhiên, các thị trường chính lại đảo chiều tăng tốt sau báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp.

Đến nay, khoảng 5% trong số doanh nghiệp của STOXX 600 đã báo cáo kết quả, có 69% có lợi nhuận đáp ứng hoặc vượt dự đoán phân tích. Điều đó đã thúc đẩy niềm hy vọng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp châu Âu.

Ngoài ra, việc Apple công bố kết quả kinh doanh khả quan và doanh số bán iPhone cao hơn dự kiến, cũng có tác động tích cực tới chứng khoán châu Âu và các cổ phiếu công nghệ niêm yết trên thị trường này. Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu cũng chưa chịu tác động từ thông tin về cuộc của FED do đóng cửa trước khi thông tin này được công bố.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,33 điểm (+0,21%), lên 6.825,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 82,39 điểm (+0,78%), lên 10.710,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,27 điểm (-0,29%), xuống 4.610,94 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản dù rung lắc mạnh đầu phiên, nhưng kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp nhờ đồng yên yếu đã giúp chứng khoán Nhật Bản đảo chiều và giữ mức tăng nhẹ, duy trì mức cao nhất 1 tháng. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng trở lại sau phiên bị ảnh hưởng bởi chứng khoán đại lục, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm mạnh với kết quả kinh doanh kém khả quan của các tập đoàn công nghiệp được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,43 điểm (+0,15%), lên 17.795,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 54,53 điểm (+0,22%), lên 24.861,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 47,22 điểm (-1,41%), xuống 3.305,74 điểm.

Tưởng chừng vàng sẽ duy trì đà tăng nhờ nỗi lo từ Hy Lạp và mùa công bố kết quả kinh doanh không khả quan, khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển sang vàng, thì giá kim loại quý này đã nhanh chóng đảo chiều trở lại. Thông tin từ FED về việc sẽ giữ đúng kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay khiến đồng USD tăng mạnh và gây sức ép ngược trở lại với giá vàng. Tuy nhiên, đà bán trên thị trường vàng cũng bị hãm bớt do mối lo Hy Lạp vẫn còn.

Kết thúc phiên 28/1, giá vàng giao ngay giảm 8,8 USD (-0,68%), xuống 1.283,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 5,8 USD/ounce (-0,45%), xuống 1.285,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 5,7 USD/ounce (-0,44%), xuống 1.287,2 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh trở lại xuống mức thấp nhất gần 6 năm sau dữ liệu dự trữ của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước, trong khi Goldman Sachs và Barclays đưa ra báo giảm dự báo của giá dầu.

Kết thúc phiên 28/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,78 USD/thùng (-3,85%), xuống 44,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,13 USD (-2,28%), xuống 48,47 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục