Thêm một nhà máy luyện kim ở châu Âu đóng cửa do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là một dấu hiệu mới cho thấy thiệt hại do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra đã cản trở nền kinh tế của khu vực và hạn chế nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng.
Thêm một nhà máy luyện kim ở châu Âu đóng cửa do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng

Trong khi giá điện đã giảm mạnh so với mức đỉnh của năm ngoái, Tập đoàn Speira Gmbh cho biết, sẽ đóng cửa nhà máy nhôm Rheinwork ở Đức trong năm nay do những thách thức trên thị trường năng lượng. Động thái này xảy ra sau khi tập đoàn đã cắt giảm 50% sản lượng nhôm vào tháng 9/2022 khi giá điện và khí đốt tăng cao đẩy ngành công nghiệp kim loại sử dụng nhiều năng lượng của châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng.

Một số nhà máy luyện kim đã hoạt động trở lại trong những tuần gần đây, nhưng việc Speira đóng cửa là dấu hiệu mới nhất cho thấy những trở ngại mà các chính trị gia phải đối mặt khi họ tìm cách ngăn chặn làn sóng phi công nghiệp hóa tiếp theo. Các nhà chức trách cũng đang tìm cách củng cố nguồn cung nguyên liệu thô công nghiệp quan trọng tại địa phương khi chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mong manh hơn.

Theo Bloomberg trích dẫn dự thảo luật sẽ được trình bày cho các chính trị gia vào cuối tháng này, Ủy ban châu Âu sẽ đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 40% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược hàng năm vào năm 2030.

Tài liệu không nêu chi tiết các hàng hoá mà uỷ ban sẽ nhắm mục tiêu, nhưng vào năm 2020, EU đã xác định 30 nguyên liệu thô chiến lược, nhiều trong số đó đóng vai trò quan trọng trong năng lượng tái tạo, xe điện, hàng không vũ trụ và quốc phòng. Bauxite - loại quặng được khai thác để tạo ra nhôm - được đưa vào danh sách, mặc dù bản thân kim loại này thì không.

Trong nhiều thập kỷ, thị trường nhôm toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng cung vượt cầu, nhưng các sự kiện trong vài năm qua bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã nhấn mạnh sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó làm nổi bật sự nguy hiểm của việc phương Tây ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhập khẩu từ các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc và Nga.

Nhôm là một trong những kim loại sử dụng nhiều năng lượng nhất để sản xuất và năng lực sản xuất của châu Âu đã giảm hơn một nửa kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu. Mặc dù nhiều nhà máy đã quay trở lại sản xuất, nhưng những nhà máy khác bao gồm nhà máy Slovalco của Norsk Hydro ASA ở Slovakia và nhà máy San Ciprian của Alcoa Corp. ở Tây Ban Nha đã ngừng sản xuất hoàn toàn.

Giống như những tình trạng đó, nhà máy luyện nhôm của Speira sẽ được bảo trì dài hạn, và cuối cùng có thể mở cửa trở lại nếu tình hình kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, việc khởi động lại một nhà máy luyện kim diễn ra khá chậm và tốn kém, và một số nhà máy trong khu vực đã đóng cửa trong thời kỳ suy thoái trước đó chưa bao giờ mở cửa trở lại.

Vào tháng 1, nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp kim loại châu Âu đã cảnh báo rằng cần có thêm hỗ trợ tài chính dài hạn để giúp khu vực kiểm soát các nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ngoài mối đe dọa đang diễn ra do giá năng lượng cao, châu Âu có nguy cơ thua Mỹ trong việc thu hút đầu tư, do khoản trợ cấp hàng tỷ đô la sẵn có thông qua Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

Speira hiện sẽ chỉ tập trung vào tái chế và xử lý nhôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Mặc dù quyết định đóng cửa nhà máy luyện kim sẽ ảnh hưởng đến khoảng 300 nhân viên, công ty vẫn sẽ đáp ứng tất cả doanh số bán hàng theo hợp đồng cho khách hàng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục