Kim loại từ Nga đang gặp thách thức trong việc tìm người mua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường kim loại đang bắt đầu bước vào các thương thảo về hợp đồng cung cấp hàng hóa cho năm tới với một câu hỏi quan trọng đối với nhiều nhà giao dịch là “Điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung của Nga?”.
Kim loại từ Nga đang gặp thách thức trong việc tìm người mua

Nga là nhà sản xuất nhôm, niken, đồng và paladi lớn và các hợp đồng cung cấp được ký kết trước khi xung đột diễn ra nên doanh số bán hàng phần lớn vẫn tiếp tục duy trì. Nhưng tháng 9 là thời điểm các hợp đồng mới được thương lượng và các công ty kinh doanh hàng hóa và giám đốc điều hành cho biết, ngày càng có nhiều người ở các trung tâm sản xuất phương Tây không muốn mua kim loại mới từ Nga.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga có thể làm gián đoạn thị trường kim loại toàn cầu trong nhiều năm, đồng thời tạo ra sự phân chia khi một số tránh xa nguồn cung từ Nga, trong khi vẫn có một số người mua cố gắng mua kim loại Nga với giá rẻ. Đối với nhôm nói riêng, châu Âu thường là thị trường trọng điểm. Một số công ty mua hàng hóa cũng cho biết, họ mong đợi một lượng đáng kể nhôm của Nga được bán phá giá trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) và điều này có khả năng tạo ra sự méo mó trên thị trường tiêu chuẩn toàn cầu.

Theo các nhà giao dịch quen thuộc với vấn đề này, Tập đoàn nhôm Norsk Hydro ASA cho biết, sẽ không mua bất kỳ kim loại mới nào từ Nga, trong khi Tập đoàn Novelis đã loại trừ hoạt động sản xuất của Nga khỏi một cuộc đấu thầu quan trọng cho các hợp đồng mới để cung cấp cho các nhà máy ở châu Âu vào năm tới. Người mua nói chung đang ngày càng không muốn mua kim loại từ Nga, mặc dù một số công ty ở Nam Âu có thể linh hoạt hơn nếu họ có thể mua với giá chiết khấu.

Paul Warton, Phó chủ tịch điều hành bộ phận kinh doanh sản phẩm nhôm của Norsk Hydro cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không mua hàng từ Nga vào năm 2023. Tôi không biết hiện tại nguồn cung đó sẽ chảy về đâu - có thể vào châu Á, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác vốn không có lập trường cứng rắn với Nga”.

Tuy nhiên, tập đoàn khai thác nhôm khổng lồ United Co Rusal International PJSC của Nga lại đặc biệt tập trung vào thị trường châu Âu và việc chuyển hướng sang các thị trường khác, nhất là ở châu Á không đơn giản. Lý do bởi nhà tiêu thụ nhôm lớn là Trung Quốc lại có sản lượng nội địa dồi dào.

Không chỉ nhôm, các thị trường kim loại khác như niken và palađi, hay các nguyên liệu chuyên biệt quan trọng đối với ngành sản xuất ô tô và hàng không... cũng tương tự. Việc né tránh nguồn cung từ Nga không chỉ khiến các công ty xuất khẩu kim loại của Nga gặp khó, mà cả các tập đoàn sản xuất công nghiệp của châu Âu như ô tô, máy bay... cũng gặp khó khăn để tìm nguồn thay thế, bởi các nhà máy luyện nhôm châu Âu cũng đang vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao, khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất, thậm chí ngừng hoạt động.

Ông Paul Warton cho biết, châu Âu sẽ tìm các nguồn cung thay thế khác, chẳng hạn như nhập khẩu từ Trung Đông.

Trong bối cảnh bị một số người mua lớn tẩy chay, Tập đoàn United Co Rusal đang có kế tích trữ và chuyển phần lớn lượng hàng của mình cho Glencore Plc, một tập đoàn kinh doanh và khai thác đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, theo một thỏa thuận cung cấp nhiều năm mà công ty đã ký kết vào năm 2020.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, câu hỏi về kim loại của Nga vẫn là trọng tâm chính của Sàn giao dịch kim loại London (LME) và các thành viên. Người phát ngôn của LME cho biết, sàn không có kế hoạch thực hiện hành động độc lập chống lại các nhà cung cấp của Nga nằm ngoài phạm vi trừng phạt của chính phủ, nhưng mọi thứ vẫn đang trong quá trình xem xét.

Theo các nhà phân tích, nếu doanh số bán hàng của United Co Rusal giảm mạnh ở châu Âu, nhà sản xuất này có thể đưa lượng hàng dư thừa lên LME. Một động thái như vậy có thể gây thêm áp lực lên giá cho thị trường nhôm.

Theo đại diện LME, sàn giao dịch này đã lường trước được vấn đề và đang xem xét kỹ lưỡng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục