Tại thời điểm 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của Greenfeed Việt Nam đạt 6.040 tỷ đồng, tăng 52% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tổng nợ phải trả giảm 7% xuống mức 5.069 tỷ đồng, đáng chú ý, các khoản nợ vay giảm mạnh, bao gồm vay ngân hàng 1.251 tỷ (giảm 46%), trái phiếu 700 tỷ (giảm 30%), chiều ngược lại, nợ phải trả khác 3.118 tỷ đồng (tăng 45%)
Đối với trái phiếu, Greenfeed Việt Nam từng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ từ ngày 03/11/2021. Đây là khoản đầu tư trị giá tương đương 43 triệu USD của IFC (dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn bảy năm). Với nguồn vốn huy động được, Greenfeed sử dụng để mở rộng hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Năm 2024, Greenfeed Việt Nam đã thực hiện mua lại trước hạn định kỳ đợt 1 với giá trị 300 tỷ đồng theo như thông tin được công bố, đưa dư nợ trái phiếu xuống còn 700 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.
Xét về chỉ số tài chính, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của Greenfeed Việt Nam giảm từ 0,58 lần xuống còn 0,46 lần. Đặc biệt chỉ số khả năng sinh lời tăng mạnh, trong đó ROA từ 4,6% lên 19%, ROE tăng ấn tượng 11% lên 34.9%.
Theo thông tin trên website doanh nghiệp, Greenfeed Việt Nam khởi đầu với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty đã đầu tư thực hiện chuỗi thực phẩm tích hợp 3F plus (Feed – Farm – Food) từ thức ăn, con giống, trang trại, chế biến đến phân phối và tiếp tục mở rộng sang các ngành phụ trợ như công nghệ, logistics. Greenfeed Việt Nam thành lập nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân vào năm 2003. Đến nay, Công ty sở hữu hệ thống 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Ngoài hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, Greenfeed còn sở hữu hệ thống trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thương phẩm với công nghệ hiện đại và nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm có công nghệ tiên tiến của Đức và Đan Mạch. Năm 2019, Greenfeed liên tục ra mắt các thương hiệu thực phẩm sạch đầu cuối đến người tiêu dùng như G Kitchen (thịt mát và sản phẩm chế biến) và Wyn (sản phẩm chế biến).
|
Về triển vọng ngành chăn nuôi tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn trong năm 2024 (tăng 3,5% so với năm 2023); trong đó thịt heo hơi 5 triệu tấn (tăng 3,7%). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 21,5 triệu tấn (tăng 3,4%). Mục tiêu cho ngành chăn nuôi năm 2025 mà Bộ NN&PTNT đặt ra với sản lượng thịt hơi khoảng 8,4 triệu tấn (tăng 3,5%), sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,05 triệu tấn (tăng 3,4%).
|
Đánh giá triển vọng năm 2025, các công ty chứng khoán cho rằng, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ năm 2025, quy định, chăn nuôi trong khu vực dân cư bị nghiêm cấm (khoản 1 Điều 12 Luật chăn nuôi 2018), bắt đầu có hiệu lực kể từ 2025, trong đó các cơ sở chăn nuôi vi phạm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
Tình hình dịch bệnh phức tạp cùng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến thị phần chăn nuôi lợn của nông hộ giảm từ 70% về còn 49%, cho đến cuối năm 2024 có thêm nhiều hộ dân bán xả đàn để treo chuồng do bộ luật sắp có hiệu lực khiến thị phần của hộ chăn nuôi chỉ còn 25%.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất lớn, qua đó thúc đẩy xu hướng thị phần từ nhỏ lẻ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị như BAF, DBC, Greenfeed Việt Nam…
Dự báo giá heo năm 2025, các công ty chứng khoán cho rằng sẽ tiếp tục đà tăng tối đa lên mức khoảng 81.800 đồng/kg, trong năm 2025, giá heo hơi bình quân cả năm được dự báo đạt 73.661 VND/kg (tăng 18% so với 2024). Nguyên nhân là do: (1) Nguồn cung heo trở nên khan hiếm sau đợt bán chạy dịch cuối năm, cùng tác động của luật chăn nuôi đã có hiệu lực ngay trong quý đầu năm 2025. Trong khi đó, nguồn cung heo gia tăng từ tái đàn của doanh nghiệp chưa thực sự đáng kể trong thời gian này, tạo ra một khoảng trũng thiếu cung cục bộ ngắn hạn.
(2) Kế hoạch tăng trưởng kinh tế của chính phủ trong năm nay đã đặt mục tiêu lạm phát cao hơn mọi năm (4.5% - 5.0%). Theo đó, khả năng xảy ra hoạt động điều tiết giá heo sẽ thấp hơn và ít quyết liệt hơn giai đoạn 2020 (khi giá thịt heo vượt 80.000 đồng/kg).
Điều này, hỗ trợ cho đà tăng trưởng doanh thu của của các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, giá ngũ cốc sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2025, ảnh hưởng đến chi phí thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên giá heo hơi vẫn duy trì đà tăng trong năm nên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.