
Tầm nhìn doanh nghiệp số
Khác với phần lớn ngân hàng trên thị trường, MB định vị mình là một doanh nghiệp số - một tầm nhìn chiến lược, nhất quán và mang tính tiên phong. Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ, MB chủ động xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng số, hướng tới tạo ra giá trị vượt trội và quy mô tăng trưởng đột phá.
Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà là trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn của Ngân hàng. Trong 5 năm qua, MB đã đầu tư bài bản vào chuyển đổi số, từ khâu định hình tư duy chiến lược đến triển khai thực tiễn. Tư duy số trở thành kim chỉ nam trong vận hành, quản trị và sáng tạo mô hình kinh doanh, nhằm mở rộng tệp khách hàng và tăng trưởng doanh thu trên nền tảng số. Mỗi năm, MB đầu tư khoảng 100 triệu USD cho công nghệ, thực hiện liên tục trong vòng 7 năm và áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh.
Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, MB có 5 - 7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống. Doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường.
Tầm nhìn này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhấn mạnh vai trò đột phá của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]()
Mỗi năm, MB đầu tư khoảng 100 triệu USD cho công nghệ, thực hiện liên tục trong vòng 7 năm và áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2025, MB đã thông qua phương án thành lập và mua lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, kinh doanh số và tài sản số. Ông Lưu Trung Thái khẳng định: “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam quan trọng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là sứ mệnh chung của toàn nền kinh tế”.
Việc chủ động mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ được MB xác định là bước đi chiến lược, nhằm xây dựng lộ trình đầu tư bài bản cho tương lai. Đồng thời, Ngân hàng cũng đang nghiên cứu thành lập Quỹ Công nghệ và các quỹ phát triển chuyên biệt, phù hợp với đặc thù của một ngân hàng mang sứ mệnh quân đội. Hướng đi này không chỉ gia tăng giá trị nội tại, mà còn mở ra các nguồn thu mới cho MB trong giai đoạn tăng tốc sắp tới.
Tận dụng những lợi thế của kỷ nguyên số và tiềm năng to lớn từ công nghệ, MB đã từng bước hiện thực hóa thành công chiến lược chuyển đổi số bằng loạt kết quả ấn tượng. Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng duy trì mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm, lợi nhuận có năm tăng trưởng đến 35%.
MB cũng khẳng định vị thế dẫn đầu ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, thể hiện qua những con số ấn tượng như Top 1 thị trường về số lượng khách hàng trên kênh số (đạt trên 30 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2024) với quy mô giao dịch kênh số là 98,6% (lớn nhất thị trường); doanh thu trên kênh số đạt trên 36% và hướng tới con số 50%. Nền tảng App MBBank và Biz MBBank của MB cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng, tỷ lệ tự động hóa các quy trình nội bộ cao (tỷ lệ phê duyệt và thẩm định tự động đạt hơn 50% với khách hàng cá nhân và hơn 40% với khách hàng doanh nghiệp).
Đến nay, MB đã phục vụ gần 32 triệu khách hàng và mục tiêu chạm mốc 35 triệu khách hàng trong năm 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029, khẳng định sức hút và hiệu quả của mô hình doanh nghiệp số. Theo Chủ tịch MB, mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển giai đoạn tới của Ngân hàng là giữ vững vị thế trong Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành.
Tham vọng lớn hơn của MB là đưa tỷ lệ doanh thu từ kênh số đạt 50%, biến công nghệ và nền tảng số trở thành động lực tăng trưởng bền vững. Chiến lược phát triển doanh nghiệp số tiếp tục xoay quanh hai nền tảng trụ cột: App MBBank cho khách hàng cá nhân và Biz MBBank cho khách hàng doanh nghiệp - hai hệ sinh thái tài chính số đang ngày càng hoàn thiện và mở rộng.
Xây dựng hệ sinh thái toàn diện, tối ưu
Trên thị trường tài chính, MB được đánh giá là một trong những tổ chức có hệ sinh thái tài chính đầy đủ và đa dạng nhất, với mạng lưới các công ty thành viên hoạt động toàn diện trong nhiều lĩnh vực then chốt. Hiện MB có các công ty hoạt động hiệu quả trong các mảng: quản lý quỹ, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản, tài chính tiêu dùng.
Ngoài ra, MB còn sở hữu hai ngân hàng trực thuộc, gồm MBCambodia tại thị trường quốc tế và MBV trong nước, mở rộng phạm vi hoạt động trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cấu trúc tổ chức đa dạng và chuyên biệt này cho phép MB vận hành một hệ sinh thái tài chính toàn diện, từ đó tạo nền tảng vững chắc để tiến tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh trong khu vực.
Ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết, trong năm 2025, App MBBank và Biz MBBank sẽ tiếp tục đóng vai trò là các nền tảng mũi nhọn cung cấp các sản phẩm số toàn diện, hướng tới mục tiêu 50% số đối tác thanh toán lớn nhất tại thị trường Việt Nam thực hiện giao dịch qua MB. Khi thiết kế các sản phẩm số, MB luôn áp dụng các thông lệ quốc tế và các phương pháp Agile, Design Thinking để thấu hiểu khách hàng.
“Chúng tôi thực hiện cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. MB tập trung đầu tư công nghệ và ứng dụng AI trong phát triển các sản phẩm dịch vụ trên App MBBank. Do đó, App MBBank là app tài chính thông minh, giúp khách hàng đầu tư hiệu quả”, ông Trung nói và cho biết thêm, Ngân hàng đang đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái tài chính và phi tài chính đa lĩnh vực, mang đến cho khách hàng giải pháp tài chính toàn diện và xuyên suốt trong hành trình trải nghiệm.
Lấy khách hàng làm trung tâm nên mọi dự án chiến lược về chuyển đổi số của MB đều nhằm tạo ra các trải nghiệm khác biệt cho khách hàng trên kênh số, cạnh tranh về tốc độ và chất lượng. Ngoài ra, bên cạnh việc hợp tác với các tổ chức công nghệ trong và ngoài nước để “đi nhanh và sáng tạo”, MB luôn chủ động triển khai các giải pháp nhằm làm chủ công nghệ, giảm tối đa sự phụ thuộc vào các giải pháp của các đối tác.
Một trong những chỉ số chiến lược được các tập đoàn lớn trên thế giới chú trọng hiện nay là Share of Wallet - tỷ lệ phần trăm giá trị doanh nghiệp khai thác được trên tổng chi tiêu của khách hàng cho một nhu cầu cụ thể. Hiểu đơn giản, đó là “doanh nghiệp của bạn chiếm bao nhiêu trong chiếc ví của khách hàng”. Các nhà băng trên thế giới và tại Việt Nam đều đang muốn tăng tỷ lệ khai thác trong tổng chi tiêu của khách hàng lên, do các chủ ngân hàng đều hiểu quy mô doanh thu trong tương lai sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ này và bán chéo sản phẩm chính là cách thức hữu hiệu để thực hiện mục tiêu đó.
Hiện MB đang được đánh giá cao về khả năng tối ưu Share of Wallet nhờ sở hữu hai lợi thế lớn: Thứ nhất, sở hữu tệp khách hàng lớn, với gần 35 triệu tài khoản đang được phục vụ; thứ hai, hệ sinh thái tài chính - số hóa toàn diện, trải dài từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính tiêu dùng đến quản lý quỹ, giúp MB phủ kín nhu cầu khách hàng từ giao dịch, đầu tư, bảo vệ đến chi tiêu hàng ngày.
Với nền tảng này, MB không chỉ có năng lực tăng trưởng vượt trội mà còn có tiềm năng trở thành ngân hàng có tỷ lệ Share of Wallet cao nhất hệ thống - một vị thế mang tính chiến lược trong kỷ nguyên số.