Hà Nội những ngày này lãng đãng Đông, cái lạnh buổi đầu mùa đã kéo theo những cơn mưa phùn, như một cuộc vây ráp, chúng từ khắp các ngả chậm rãi tiến vào thành phố. Đâu đó, heo may lặng lẽ dắt nắng vàng bỏ thành phố đi xa, nhường lại một Hà Nội rầm rĩ xe cộ, con người, khói bụi cho gió mùa chiếm giữ.
Họa mi về trên phố trong cái lạnh đầu mùa. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tối rồi, ngồi với anh bạn, anh bảo: Lạnh này, anh cũng chuyển từ bia sang rượu rồi, nghe nó ấm hơn.
Rồi anh kể, thường thì ăn cơm tối, anh sẽ rót cho mình một, hai ly vang đỏ. Anh có thói quen rang sẵn lạc, cho vào cái lọ thủy tinh, đậy nắp kín, trước mỗi bữa ăn, anh lại đổ ra cái đĩa con, ngồi nhâm nhi.
Chị vợ anh thì thắc mắc: Uống rượu vang mà ăn lạc. Đúng là Tây ta lẫn lộn.
Anh chỉ cười: Thế mới giữ được cái nét truyền thống.
Rồi anh còn khoe tôi, anh mới kiếm được cái chum 20 lít, đồ ngâm có rồi, mỗi tội đợi mãi chưa đến ngày đẹp.
Kể cũng lạ, mấy tay mê rượu đều hâm như nhau. Chỉ có ngâm rượu mà cũng phức tạp đến vậy.
Tôi nhớ, trước cũng có ông anh, gốc Ninh Bình, vì mê Hoàng hoa tửu nên đã bỏ bao công sức ra ngâm một bình rượu cúc.
Lộc vừng hồ Gươm mùa Đông. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bữa đó đến nhà, cũng trong cái thời tiết ẩm ương như thế này, chẳng hiểu sao trong lủng củng nửa gian phòng toàn bình rượu, khi được anh mời chọn, tôi lại chỉ vào bình rượu cúc.
Thú thực, nghe mãi rồi, nhưng hôm đó tôi mới được biết rượu cúc nhan sắc ra sao, hương vị thế nào.
Khẽ nghiêng cái bình thủy tinh chừng hơn 10 lít, một màu vàng chanh sóng sánh chảy ra, thoảng thơm mang theo vị đắng. Chỉ là thoảng thơm thôi, kiểu như một cô gái đẹp khẽ lướt qua ta, mà khi ta nhận ra thì bóng dáng ấy đã theo dòng người đi khuất.
Trong bình, những bông kim cúc bé tầm đầu đũa khẽ lăn theo chiều nghiên chiếc bình. Dường như việc tắm mình trong rượu cả năm chẳng làm những nụ hoa bé nhỏ này bị suy suyển, nát ra như mấy loại hoa liễu yếu đào tơ khác khi gặp chất lỏng.
Lại nghe anh anh kể, bình rượu này lấy của anh bao công. Từ việc về quê ở Kim Sơn, chọn rượu bếp quen, đi lùng kim cúc. Anh bảo, rượu cúc hay ở chỗ lúc làm, phải nhổ cả cây, rũ sạch, đem hong khô trong bóng râm những ngày trời nắng to (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng). Sau đó, lựa những nụ cúc sắp nở, lấy kéo cắt và cho vào ngâm cùng rượu. Chí ít phải 100 ngày mới nên uống. Chứ uống sớm quá, chỉ kiểu phàm phu.
Hôm đó dù lạnh, tôi và anh vẫn mở cửa ngắm mưa bay, nghe gió thổi, cảm khái với cái thời tiết và những câu chuyện đời người.
Hôm nay Hà Nội lại mưa phùn, tôi cũng vô tình chạm vào mấy câu thơ kinh điển của tiền nhân thuở trước:
“…Thu ẩm Hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi”.
Dù muộn, cuối cùng hoa sữa cũng nở cùng Đông 2019. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mấy ngày nay để ý, thấy Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển tiếp: cuối Thu, đầu Đông. Đâu đó, hoa sữa bắt đầu man mác, loài hoa báo Đông - Cúc Họa mi cũng hiện thân dần trên phố. Và trong những lúc thế này, tự dưng tôi lại thèm càm giác tụ bạ cùng bạn hữu, để uống với nhau vài ly rượu, nói với nhau vài câu chuyện mà vì bon chen cơm áo hàng ngày, đôi khi một tin nhắn hỏi thăm cũng vô tình quên mất.