Chạm vào mùa thu, nhạc lòng lại vang lên dăm ba câu hát: “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…”
Thu mới, heo may còn bỡ ngỡ, chẳng thổi dài mà cứ ngắt quãng, từng đoạn, từng cơn. Như muốn người ta quen dần với khí tượng thu sau những ngày hè oi nóng.
Thu mới. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thu mới ngấp nghé thôi, thế mà lòng người đã chùng xuống nhiều lắm. Thảng, mưa ùa về, làm lá sấu cũng vội vã trải vàng trên phố. Trong cái lung linh của mùa thu Hà Nội, đâu đây không thể thiếu được những sắc lá sấu vàng.
Mùa này, Hà Nội đầy những sắc sấu vàng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ những câu thơ đầy ám ảnh của Olga Berggoltz trong “Mùa lá rụng”:
Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp dường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp lóa…
Tôi từng nghe, ở Mátxcơva (tôi vẫn thích phát âm vậy hơn là “Moscow”, vì Mátxcơva nghe nhạc lắm), dọc các đại lộ, khi Thu đến người ta treo các tấm biển đề chữ: “Xin đừng động vào cây mùa lá rụng”.
Trên vỉa hè, những thảm lá vàng vướng vít bước chân qua. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chưa biết nguồn cội lý do, người Nga có cái lãng mạn riêng của họ và chắc rằng ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng kể ra sẽ tiếc cho Mátxcơva nếu vì lý do nào đó, phố xá không có những thảm lá vàng như Hà Nội.
Hay những trận mưa lá, những cánh sao lung linh rớt xuống lòng đường như thu miền nhiệt đới. Để rồi trong một khoảnh khắc như thế, thi sĩ Thế Hũng đã phải thốt lên những vần thơ đầy sức nặng, chuyên chở cả một mùa đầy tâm trạng:
Sao em hững hờ qua phố tôi
Vô tình mùa lá rụng
Nếu “Mùa thu vàng” của Levitan mang đến cho người xem cảm giác Thu rõ rệt, thì những gam vàng của lá sấu, của hàng cơm nguội Hà Nội lại thêm nổi bật trong sắc xanh của cây lá khác, của mái ngói thâm nâu thâm trầm, lịch sử. Nó mang đến cho Hà Nội một nét rất riêng.
Chút lãng mạn của người Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn.
Không giống như vẻ thanh tân của buổi đầu Xuân, những con phố hoa rực rỡ trong ngày Hạ, hay cảm giác ấm cúng lạ kỳ khi ngồi bên quán cóc, cầm ly trà nóng trong tay mà nghe mưa giăng trên phố nhỏ những buổi Đông, Hà Nội vào Thu cứ gieo vào lòng người những cảm xúc thật khó gọi tên: nhẹ nhàng và tình tứ.
Hàng rong - một phần không thể thiếu của Thủ đô. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi biết, với không ít người thì những thảm lá vàng trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, những buổi bình minh trong veo bên hồ Gươm, những hoàng hôn lênh láng tại hồ Tây, những xe hoa, gánh hàng rong, hay những gương mặt hiền lành phúc hậu của người dân phố cổ… đều là những khoảnh khắc Thu Hà Nội vô giá.
Chẳng có mùa nào mà thời tiết lại nhu mì đến thế, nó khiến cho những tà áo dài cũng trở nên tha thướt, yêu kiều hơn. Người và cảnh như một nét đồng điệu, chấm phá.
Thu đến mang lại nhiều cảm xúc cho các tay máy. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bước chân xê dịch khiến tôi quen với nhiều vùng đất lạ, nhưng càng sau mỗi chuyến đi xa, tôi lại càng nhớ về gần, đặc biệt là Thu Hà Nội.
Cụ già cổ tích (hồ Tây, Hà Nội). Ảnh: Thành Nguyễn.
Có đận, trong một chuyến công tác châu Âu, khi biết tôi đến từ Việt Nam, mấy anh bạn ngoại quốc đều giơ ngón cái lên và gật gù: “Vietnam, Hanoi, Autumn!”.
Ngày đó, nút “like” facebook chưa ra đời (nút “like” chính thức ra đời vào ngày 9/2/2009), nhưng tôi tin, bằng sự biểu đạt chung như thế, đó là lý do người ta lấy cách thức ấy làm biểu tượng cho nút "thích" sau này.
Cảm Thu Thủ đô bằng xích lô. Ảnh: Thành Nguyễn.
Hà Nội vào thu cũng là lúc thời tiết chiều lòng người đến lạ. Nhẹ nhàng con nắng ươm tơ, heo may cứ thổi vu vơ trên đường. Cái se lạnh của buổi thu mang đến cảm giác thanh bình quá đỗi. Những ngày này, nhịp sống như chậm lại, thời gian cũng chẳng vội vàng mà chỉ thong dong theo vòng quay của những chiếc xích lô.
"Thành phố vì hòa bình" là điểm đến yêu thích của du khách. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi có nhiều bạn phương xa và nếu được hỏi về thời điểm thích hợp để ghé Hà Nội, bao giờ tôi cũng xúi: Tháng 8 mùa Thu. Hà Nội như cô gái đẹp, mùa nào cũng mang lại xúc cảm riêng cho người đối diện, nhưng mùa Thu thì thực dịu dàng biết mấy.
Hồ Tây chiều Thu. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thêm nữa, muốn cảm trọn vẹn Hà Nội, theo tôi có lẽ nên thưởng thức sự tinh khiết của hồ Gươm sáng sớm và chiều gió lộng, lai láng hoàng hôn ở hồ Tây.
Vào cuối Thu, Hà Nội sẽ phủ đầy hương hoa sữa. Ảnh: Thành Nguyễn.
“Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua,…” (*) Hà Nội trong tôi cứ như thế, thanh bình, dịu dàng và say mê mỗi độ thu về.
(*) Lời bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.