Nhớ Trịnh!

(ĐTCK) Nhạc Trịnh quyến rũ, quyến rũ người nghe, quyến rũ cả người hát, bởi đó là triết lý, là cảm xúc chân thật.
Có một ngày nào đó, ta bỏ mình lang thang trên phố. Và rồi, tình cờ làm sao lại bị xô đẩy vào quán cũ ngày xưa. Gặp lại Trịnh, Khánh Ly và dòng nhạc của ông trong một không gian như thế. (Ảnh minh họa) Có một ngày nào đó, ta bỏ mình lang thang trên phố. Và rồi, tình cờ làm sao lại bị xô đẩy vào quán cũ ngày xưa. Gặp lại Trịnh, Khánh Ly và dòng nhạc của ông trong một không gian như thế. (Ảnh minh họa)

Hà Nội. 

Một chiều mưa, từ chiếc cát-sét trong căn gác nhỏ vọng lên lời ca xưa cũ: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...”. Chỉ cần như thế cũng đủ làm tôi nhớ đến Trịnh Công Sơn. 

Ấy vậy mà cũng đã 17 năm, từ khi "người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ" (lời của nhạc sĩ Thanh Tùng) ra đi. Ông mất vào đúng ngày Cá tháng Tư, ngày mà người ta được phép giỡn đùa mà không lo bị quở trách. Chính bởi thế, nhiều người cũng chẳng tin là thật khi nghe ông mất.

Không biết tại sao tôi cứ liên tưởng đến nụ cười hiền của ông, ngay cái sự ra đi của "người hát rong" này, cũng có chút gì đó đặc biệt và khiến ta phải nhớ.

Ngày còn bé, tôi thuộc lòng bài "Em là hoa hồng nhỏ", lớn thêm một chút tôi nghêu ngao hát "Nối vòng tay lớn", rồi sau này là “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” và lâu lắm rồi tôi ngập trong nhạc Trịnh. Ngày ấy, tôi đâu biết gì về con người này, cũng chẳng biết là có cả một dòng nhạc, kiêu kỳ thay, nó mang tên của một người nhạc sĩ.

Chẳng biết sao tôi lại hay thường tìm đến nhạc Trịnh những lúc buồn, âm nhạc của Trịnh như một sự cứu rỗi, đằng sau những ca từ kia là đầy dẫy những triết lý sống, những nhân sinh quan cao đẹp: “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...”.

Nhiều khi, tôi thấy Trịnh và dòng nhạc của ông mang một lớp sương mù bí ẩn. Càng nghe càng thấy mơ màng như vào cõi mộng, thực khó để hiểu hết những lớp ngữ nghĩa hay vô vàn ý tứ chìm sâu sau con chữ.

Cái tài của Trịnh là lôi kéo người ta, rồi dụ dỗ, rồi mê hoặc, khiến người ta càng nghe càng thích thú với cái dòng nhạc đầy chất triết lý, vô cùng khoáng đạt nhưng cũng cực độ mênh mang bởi một chữ tình.

Nhạc Trịnh lại càng hay khi người ta nghe ké, nghe nhờ người khác. Chắc chắn sẽ cảm được nhiều hơn cái hồn của Trịnh trong hoàn cảnh vẳng bên tai một ca khúc của Khánh Ly. Cái giá trị của Trịnh và nhạc Trịnh được tạo nên từ những điều vô cùng giản đơn, nhỏ nhặt như thế.

Nhớ Trịnh!  ảnh 1

Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca.  

Tôi ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn bởi cái cách mà ông xuất hiện và tạo dựng chỗ đứng cho mình trong làng nhạc Việt. Bằng những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Và cũng rất tự nhiên, ông xây dựng nên một dòng nhạc, với không biết bao nhiêu tín đồ, bao nhiêu thế hệ: nhạc Trịnh.

Trịnh là người đi nhiều hiểu lắm, nói vậy vì "người hát rong" ấy không chỉ cống hiến cho đời hàng trăm ca khúc bất tử, mà ông còn là một nhà thơ, hoạ sĩ.

Nhạc Trịnh quyến rũ, quyến rũ người nghe, quyến rũ cả người hát, bởi đó là triết lý, là cảm xúc chân thật. Người nghe để trải nghiệm, để được thấy mình trong đó. Còn người hát, đó là khát khao thử sức với một dòng nhạc kén cả người hát với kẻ nghe.

Trịnh thành công ở nhiều thể loại khác nhau nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tình ca. Có lẽ, ông là một trong những nhạc sĩ viết sung mãn nhất và trải nghiệm của ông về tình yêu có lẽ cũng phong phú bậc nhất, hơn cả những người yêu nhiều, yêu lắm.

Một điều thú vị nữa ở con người này đó là khả năng viết nhạc tình của ông tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 với “Ướt mi” đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 vẫn có những bản tình ca thấm thía: “Như một lời chia tay” hay “Xin trả nợ người”...

Trong rất nhiều nhận xét tinh tế về ông, tôi thích nhất những lời ưu ái mà Nhạc sĩ Văn Cao nói: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc như nó tự nhiên trào ra...”.

Quả thật, nghe nhạc Trịnh, ban đầu ta thấy có gì đó như “tự nhiên chủ nghĩa”, chỉ như việc Trịnh mô tả lại những sự vật, hiện tượng quanh mình. Nhưng nghe vài lần, ta thấy ẩn sâu trong đó là một triết lý sống được bật ra một cách ngoạn mục từ một tư duy sắc sảo. Rồi nghe nhiều, ta lại thấy nhạc Trịnh có gì đó ban sơ như thuở mới đầu.

Ngay sau đó, sẽ là cảm xúc hoà quyện khi ta cảm thấy trong cái tự nhiên kia lại hàm chứa những cái nhìn của một nhân sinh quan sâu sắc về cõi người, cõi đời và cả của vũ trụ mênh mang.

Trong rất nhiều bài tôi thích của Trịnh, tôi lại đặc biệt thích Cát bụi. Tôi đã đón nhận Cát bụi như thế: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày,...”.

Nhớ Trịnh!  ảnh 2

 Âm nhạc của Trịnh mang tính triết lý sâu sắc. 

Nhắc đến Trịnh, chắc hẳn không thể không nhắc đến những tên tuổi các ca sỹ đã thành danh với nhạc của ông, từ Khánh Ly, sau này là Hồng Nhung và hàng loạt các thử nghiệm khác, đâu đó có những Đàm Vĩnh Hưng, Bằng Kiều, Quang Dũng, Khánh Ngọc, Miu Lê…

Thật khó để nhớ hết những ai đã từng hát nhạc Trịnh, cũng chẳng thể phân định ai là người thể hiện thành công nhất, vì với âm nhạc, đó là gu, là cảm thụ, là thẩm mỹ âm nhạc riêng của mỗi người.

Tôi từng mê mẩn những ca khúc thu âm trước 1975 của Khánh Ly, hay ám ảnh nặng nề với tiếng ghi ta thùng vàng son một thuở trong “Ru ta ngậm ngùi”.

Phải thú thực một điều, nghe nhạc Trịnh rất “mệt”. Cứ bật nhạc lên là tâm trạng lại miên man cùng dòng suy tưởng, cùng những ý niệm mà Trịnh gửi gắm. Đó là điều khiến ít khi nào tôi có thể nghe quá 3 bài nhạc Trịnh liền nhau, ít ra là từ khi tôi lớn.

Nghe từng bài một, cách xa nhau sẽ hay hơn là nghe liên tục một loạt bài nhạc Trịnh, bởi nghe thế người nghe dễ cảm thấy quá sức lắm, vì với dòng nhạc này, đó là sự kết nối của các dòng suy tưởng, mà ai lại có thể mãi suy tưởng...

Ai mà tìm đến với nhạc Trịnh để thư giãn, thoát ly, tôi nghĩ, có lẽ không hợp lắm, nghe Trịnh như để ta "thiền", tĩnh tâm, để có thể đạt đến cái vô vi của cửa Phật, để chiêm nghiệm ngẫm nghĩ lại cái cuộc đời ngắn ngủi này...

Có một ngày nào đó, ta bỏ mình lang thang trên phố. Và rồi, tình cờ làm sao lại bị xô đẩy vào quán cũ ngày xưa. Gặp lại Trịnh, Khánh Ly và dòng nhạc của ông trong một không gian như thế.

Có khi, nhạc Trịnh lại khoét thêm vào lòng ta một cảm giác đắng cay rất thật: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...".

Nhưng cũng may thay, nhạc Trịnh được nhiều người thử, nhiều người hát và tôi nghĩ, ít nhiều họ đã thành công. Ngày càng nhiều những bản phối mới dễ nghe hơn, dễ thấm hơn, tôi tin, cả với những người trẻ tuổi. Có lẽ, đó cũng là cách vận hành tự nhiên của âm nhạc và nó khiến cho nhạc Trịnh gần hơn với nhiều bạn trẻ.

Thật lạ, những quán cà phê nhạc Trịnh giờ thường đông khách trẻ tuổi hơn. Có lẽ đó là sự cứu rỗi giữa không ít những thứ âm nhạc xập xình đang ồn ã ngoài kia.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục