Tiếng trống làm bước chân con trẻ linh hoạt hơn, các cụ già cũng như trẻ thêm vài tuổi. Có lẽ, cái niềm vui chơi hội bây giờ còn vui hơn cả chơi Tết.
Các cụ già, tay trong tay mấy đứa cháu nhỏ, miệng bỏm bẻm nhai trầu ra sân đình. Từng đám, từng đám thanh niên, bọn trẻ nô nhau, chạy và đuổi. Ngay ở phố, trống hội làm rung cả cái không khí vốn tưởng đã bị quánh đặc lại nơi chốn thị thành bởi khói bụi, ô nhiễm và cả tiếng ồn.
Tháng Giêng là tháng diễn ra nhiều lễ hội ở khắp các địa phương trong cả nước. Ảnh Đức Thành.
Hội phố, vẫn là điểm nhấn văn hóa đáng nhớ của cả mùa Xuân nơi phồn hoa đô hội. Hà Nội đã quá nhàm chán với nhịp sống gấp, phát triển nóng. Hội xuân ít ra cũng đã mang lại chút gì đó của cái nét văn hóa xưa, níu kéo phố phường lại gần với cái gì quê kiểng mà lâu nay vốn bị còi xe, cao ốc che lấp đi.
Hội phố cũng đông, nhưng ở phố, người ta xem hội phần lớn vì hiếu kỳ chứ người thực sự sống trong cái không khí đó có lẽ không nhiều lắm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Hà Nội là nơi mà đa phần người tứ xứ tìm về làm ăn, mưu sinh. Chính vì thế, hội ở phố thiếu hẳn cái hồn của hội, nên chẳng thể bằng hội quê.
Hôm trước, hội làng Mễ Trì đã đánh động cả bầu không khí và tạo nên sự náo nhiệt một vùng, từ khu The Manor sang đến bên làng Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ.
Khu The Manor vốn được coi là khu nhà giàu, còn hai làng Mễ Trì Thượng/Hạ là của người dân làng cốm. Sự háo hức với lễ hội nghe cũng khác biệt rõ ràng. Bên làng hưởng ứng có phần nhiệt tình hơn, không ít khán giả trở thành một phần của hội khi tặng tiền cho nhà Thánh, cùng hô vang mỗi lúc kiệu quay...
Còn bên phố, phần lớn là các ánh mắt hiếu kỳ. Có người dừng chân xem hội bất đắc dĩ vì kẹt xe, tắc đường, chứ không hẳn vì thấy sự thú vị trong đó.
Nhiều lễ hội ở Thủ đô diễn ra ngay trên một con phố lớn mà người xe đều náo nhiệt, vội vàng. Cái chất ấy, cái không gian hội hè ấy bị nuốt chửng đi ngay trong lòng phồ phường Hà Nội. Nó phần nào làm giảm đi sự hấp dẫn của hội xuân. Đất kinh kỳ, văn vật là vậy, nhưng giờ đây, vài lễ hội nhỏ nhoi đang chật vật cạnh tranh để níu giữ lại nhiều nét truyền thống trước hiện tại, điều mà người ta quen gọi là đô thị hóa.
Có đận tôi về Hoài Đức, chỉ cách Hà Nội chừng hơn 10 km để xem hội làng. Nhà nhà áp sát nhau, các con ngõ cũng trở nên chật chội. Không gian chung là đình làng và ao làng thì bị lấn chiếm phần nhiều (lời cư dân địa phương). Vì thế, tiếng hát chèo hay những tà áo tứ thân, nón quai thao chỉ được lượn bay trên một sân khấu hội nhỏ tý, một cái ao bé cỏn con, lọt thỏm giữa hàng nghìn cái đầu lúc nhúc xem, chỉ trỏ và bình luận.
Còn hội quê, cái ấn tượng của nó thì chỉ nhớ thôi, đã thấy thích thú lắm rồi.
Nhiều lễ hội đang mang trong mình sứ mệnh duy trì nét đẹp văn hóa và thắt chặt thêm tình đoàn kết tại các cộng đồng cư dân. Ảnh: Đức Thành.
Hội quê, dù ít dù nhiều cũng mang đậm nét văn hóa hơn, thành phần tham dự và sống với hội, là một phần của hội nhiều hơn ở phố.
Cũng vẫn cở ngũ sắc bay chốn cửa đình, nơi các con đường. Vẫn tiếng nhạc tế và khói hương nghi ngút nhưng dường như những nếp nhà bằng mái ngói, con đường đê rộng thênh thang, cánh đồng xanh màu cốm lại là không gian văn hóa thích hợp hơn cho hội.
Ở quê, hội làng thu hút sự quan tâm, mong chờ của hầu hết các thành phần, lứa tuổi. Các cụ già tập tế, lễ, thúc giục con cháu dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, nhà cửa. Đám thanh niên lên kế hoạch chơi hội, giật giải… Với người quê, hội đã bắt đầu tư khâu chuẩn bị chứ không chỉ trong ngày chính hội.
Hội quê cũng là nơi tái hiện nhiều hơn các trò chơi dân gian nhưbịt mắt bắt dê, chọi gà, bắt vịt, đập niêu, kéo co, cờ người… Và nếu hội phố là dịp để níu kéo lại những nền xưa, nếp cũ, thì hội quê lại mang nhiều hơn cái sứ mệnh phát huy nét đẹp văn hóa dân gian, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.