Thêm một doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu về việc xuất khẩu gạo

(ĐTCK) Công ty TNHH Dương Vũ, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo trực của tỉnh Long An vừa có công văn kêu cứu gửi các bộ, ngành có liên quan và Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu nếp và tấm nếp bình thường, không nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 năm 2020.
Thêm một doanh nghiệp  gửi đơn cầu cứu về việc xuất khẩu gạo

Theo đơn cầu cứu trên, Công ty Dương Vũ cho biết, hoàn toàn đồng ý với quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo đề xuất của Bộ Công thương về việc áp dụng hạn ngạch 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, măt hàng nếp và tấm nếp là mặt hàng không thuộc diện dự trữ quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đang xuất sang Trung Quốc chủ yếu để làm bột. Trong khi khách hàng đang có nhu cầu cao, doanh nghiệp có thể xuất khẩu với giá cao mang lại lợi ích cho Nước nhà, nông dân và doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này này như Công ty Dương Vũ lại không được phép xuất khẩu và cũng không thể tiêu thụ trong nước. 

Chính vì thế, Công ty đang đứng trước bờ vực phá sản kéo theo nhiều hệ lụy khác như những hộ nông dân đã được Công ty bao tiêu trồng nếp không thể tiêu thụ, ngân hàng không thu được công nợ (công ty hiện đang nợ ngân hàng hơn 300 tỷ đồng), hơn 400 công nhân viên của Công ty lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

Hiện tại, Công ty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) đã lưu cont từ ngày 20/3/2020 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng hàng trong cont tại kho 5 ngày. 

Theo công ty này, việc dừng xuất khẩu từ 24/3 đến nay đã gây thiệt hại rất lớn cho công ty và có nguy cơ đi đến phá sản vì thời  gian hàng hóa lưu cont hơn 23 ngày, nay lại tiếp tục không thể khai báo hải quan, nếu kéo dài đến tháng 5 chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4/2020.

Ngoài ra, cũng còn phải chịu chi phí lưu cont một thời gian dài, nhà máy phải tạm dừng hoạt động tất cả do mặt hàng xuất chủ lực của công ty là nếp và tấm nếp, là mặt hàng tiêu thụ trong nước rất hạn chế.

Chính vì thế, Công ty Dương Vũ khẩn cầu Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan cho phép xuất khẩu nếp và tấm nếp bình thường, không nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 năm 2020.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cũng có kiến nghị về cơ chế xuất khẩu lại cho gạo nếp mã HS 1006.30 không giới hạn số lượng.

Liên quan chỉ đạo của Thủ tướng vừa cho phép xuất khẩu lại gạo, ngày 13/4/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã gửi văn bản số  01/2020/ĐĐN.TTgCP tới Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương cho rằng, Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, vào lúc 14 giờ 46 phút, ngày 11/4/2020, Công ty Trung An nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 và Công văn số 0361/XNK-NS ngày 10/4/2020 để thực hiện theo Công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/04/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Ngay sau đó, công ty đã cho nhân viên túc trực trên máy tính tới tận 21h đêm ngày 11/4 để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở; công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan.

Công ty lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo như sau: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung Tâm”.

Đến sáng ngày 12/4/2020, Công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Công ty đã tìm hiểu và được biết, Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 11/4 đến 3 giờ sáng ngày 12/4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn.   

Công ty Trung An cho rằng, từ trước ngày 24/3/2020 đến nay, Công ty Trung An đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng (các doanh nghiệp khác cũng vậy). Hiện tại, có hàng trăm nghìn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan, danh sách, số container các doanh nghiệp nhận về để đóng gạo hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ.

Theo đại diện Công ty Trung An, nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên sẽ cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. Tuy nhiên, Hải quan lại mở chỉ trong 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya để cho khai hết hạn ngạch 400.000 tấn, như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?.

Ngay sau khi có kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức trên trang web về vấn đề này.

Theo Tổng cục Hải quan, việc xuất khẩu khẩu gạo theo hạn ngạch được quản lý theo nguyên tắc thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn. Tờ khai hải quan có số lượng vượt mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Quyết định số 1106/QĐ-BCT không áp dụng đối với: (i) xuất khẩu cung ứng cho tàu biển xuất cảnh để phục vụ cho sinh hoạt của thủy thủ trên tàu (không quá 30 kg/1 thủy thủ) và (ii) xuất khẩu tại chỗ hoặc xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất phục vụ cho sinh hoạt của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp chế xuất.  

Quyết định số 1106/QĐ-BCT cũng quy định rõ chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không và có hiệu lực từ 0h ngày 11/4/2020.

Và để kịp thời cung cấp thông tin về lượng gạo xuất khẩu đã được đăng ký mở tờ khai hải quan, Tổng cục Hải quan đã bổ sung thông tin thống kê về tình hình đăng ký xuất khẩu gạo trên trang chủ của Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan tại địa chỉ www.customs.gov.vn.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người dân sẽ được cập nhật mỗi 60 phút về lượng gạo đã được mở tờ khai đăng ký xuất khẩu trong tháng, lượng gạo đã thực xuất trong tháng và số lượng hạn ngạch xuất khẩu còn lại trong tháng….

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục