Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ tháng 2-2020, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã văn bản gửi đơn vị hội viên, phối hợp với Sở Công thương sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường, không để xảy ra việc thiếu lương thực. So với hợp đồng đã ký và lượng tồn kho của các doanh nghiệp đủ đảm bảo dự trữ cũng như tiếp tục xuất khẩu.
Vì sao tạm dừng xuất gạo?
Trao đổi với các doanh nghiệp về quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 05/2020 thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, quyết định này được đưa ra dựa trên các yếu tố sau: Nhu cầu lương thực/thực phẩm đang tăng mạnh trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng 32%, đây là mức tăng rất cao nếu nhìn lại kết quả xuất khẩu 3-4 năm gần đây. Đặc biệt, đây là năm thứ 3 lượng xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, tức là tăng thêm 370.000 tấn trong vòng 15 ngày đầu tháng 3/2020, bình quân 25.000 tấn/ngày.
"Nếu giữ tốc độ đó, quý I, chúng ta sẽ xuất gần 1,7 triệu tấn, trong khi quý I/2019 chúng ta xuất 1,4 triệu tấn. Do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh như vậy, giá trong nước đã biến động, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại so với đầu năm 2020…"
Quý II/2019, chúng ta xuất khẩu trên 1,9 triệu tấn, nên việc khẳng định quý II năm nay chúng ta xuất trên 2 triệu tấn không phải là nhận định mơ hồ, mà có cơ sở, dựa trên tốc độ xuất khẩu bình quân của 15 ngày đầu tháng 3 cũng như dựa trên kim ngạch dự báo của quý II/2020…
Trong điều kiện bình thường, việc xuất khẩu 2 triệu tấn hay dưới 2 triệu tấn trong quý II/2020 chúng ta có thể đáp ứng được. Nhưng, điều kiện hiện nay không bình thường, lượng gạo trước đây chúng ta vẫn có từ nhiều mùa khác hiện nay không còn nữa; yếu tố bất định, chúng ta không rõ dịch bệnh sẽ tiếp diễn như thế nào!
"Ấn Độ đã phong tỏa toàn bộ đất nước họ, đây là nguồn cung chủ yếu gạo trong thời gian vừa qua. Chúng ta cũng không thể đoán được còn nước xuất khẩu gạo nào "khóa" toàn bộ hoạt động, giả sử Thái Lan, Pakistan, họ đã đóng cảng biển. Khi đó, chỉ còn mình chúng ta xuất khẩu. Lượng hút hàng của Việt Nam sẽ lớn như thế nào. Ngoài ra, chúng ta không đoán định được lúc nào sẽ có sự đổ vỡ tâm lý người dân, dẫn đến việc đi mua dự trữ."
“Nếu 2 yếu tố bất định đó xảy ra, giữ nguyên mức độ xuất khẩu như vừa qua thì rủi ro an ninh lương thực là có thật”, ông Khánh nhìn nhận.
Theo ông Khánh số liệu tổng quát về sản lượng cũng như xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan đưa ra thì không thể sai được. Về sản lượng đã thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến 11 triệu tấn thóc vụ Đông Xuân, đến giờ này đã thu hoạch 9 triệu tấn, còn 2 triệu tấn thóc nữa trong thời gian tới.
Nhưng có 2 yếu tố Bộ Nông nghiệp và Phát triển, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan không biết chắc chắn là tồn kho trong dân và các doanh nghiệp là bao nhiêu; và lượng hợp đồng xuất khẩu mà doanh nghiệp phải giao là bao nhiêu? Vì quy định báo cáo trước đây của chúng ta rất chặt chẽ, giờ không còn nữa, bởi được bãi bỏ khi Nghị định 107 ban hành nên các bộ ngành không thể có số liệu.
Hiện nay Đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo, thực hiện dự trữ lưu thông và tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương đề nghị, các tỉnh các doanh nghiệp đánh giá tình hình, sản lượng dự kiến có đúng như dự báo, vì diện tích gieo sạ, tổng thu hoạch các tỉnh địa phương nắm rõ. Ngoài ra, lượng tồn kho hiện nay theo ước tính của các doanh nghiệp trong dân, trong tỉnh còn khoảng bao nhiêu? Còn các doanh nghiệp đề nghị cho biết số liệu đã xuất như thế nào và còn phải xuất bao nhiêu nữa? Đặc biệt các doanh nghiệp cho biết, tình hình dự trữ theo yêu cầu của Nghị định 107 đã và đang thực hiện như thế nào? Có sẵn sàng bung lượng dự trữ này ra thị trường khi Chính phủ yêu cầu hay không?.
Lúa gạo trong doanh nghiệp trong dân còn bao nhiêu?
Theo số liệu cập nhật của tỉnh Kiên Giang, tổng số lượng gạo mà doanh nghiệp trên địa bàn đã ký với đối tác nhập khẩu tính đến ngày 25/03 là 228.077 tấn và đã thực hiện 110.814 tấn. Số chưa giao là 117.263 tấn, trong đó, có 25.166 tấn đang giao hàng (bao gồm đang vận chuyển lẫn hàng tại hải quan, chờ tờ khai). Trong kho các doanh nghiệp còn 124.800 tấn. Vụ Đông Xuân khi thu hoạch sẽ trừ ra một lượng cho yêu cầu tiêu thụ nội địa, còn lại số thương phẩm. Hai vụ còn lại là Hè thu và Thu Đông cũng tính như vậy.
Tính cả năm 2020, theo kế hoạch sản xuất cũng như vụ đã thu hoạch, Kiên Giang dự trữ cho dân trong 6 tháng để tiêu thụ thì số lúa thương phẩm của Kiên Giang còn 1.690 tấn thương phẩm (đã trừ số lượng để lại cho dân tiêu thụ).
Tại cuộc họp với Bộ Công thương đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, nếu không xuất khẩu được, doanh nghiệp không chỉ bị tính chi phí lưu kho, lưu bãi rất lớn. Vấn đề quan trọng mà Kiên Giang cũng như các tỉnh rất quan tâm đó là, nếu ách lại, lượng lúa thương phẩm của nông dân sản xuất ra không được tiêu thụ sẽ gặp vấn đề giảm giá.
“Từ khi Chính Phủ ra quyết định, giá lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm liên tục, 300-400 đồng/kg. Trong khi, 70% người dân Kiên Giang sống bằng nghề này”.
Đối với Trà Vinh, theo ông Nguyễn Chí Hoàng, Phó chủ tịch Trà Vinh, vụ Đông Xuân Trà Vinh gieo sạ 68.000 hecta, dự kiến sản lượng 448.000 tấn tuy nhiên thực tế xuống giống chỉ được 60.401 hecta trong đó, thiệt hại do hạn mặn mất đi 16.700 hecta (mất trắng 10.134 hecta). Dự kiến vụ này diện tích thu hoạch có 44.800 hecta, năng suất bình quân 5,2 tấn thì khả năng thu được 233.000 tấn. Thực tế hiện nay thu hoạch được 17.000 hecta, với sản lượng 101.542 tấn.
Nếu so với dự kiến không có hạn mặn thì thu được 448.000 tấn nhưng do hạn mặn vụ này chỉ thu được 233.000 tấn.
Giá lúa tại Trà Vinh từ đầu năm đến nay từ 4.500-5.200 đồng/kg, hiện từ 5.200-5.400 đồng/kg. Gạo thường 10.500-11.500 đồng/kg, còn gạo Tài nguyên thì 14.000 đồng. Giá xuất khẩu thì chỉ có 1 công ty lương thực của Trà Vinh, công ty này 2 năm nay không xuất khẩu mà chỉ thu mua, buôn bán nội địa. Đa số lúa gạo ở Trà Vinh có tư thương đến mua đem đi các tỉnh khác, bán cho các doanh nghiệp.
“Đầu năm đến giờ doanh nghiệp này chỉ mua được 1.000 tấn gạo, hiện còn 800 tấn. Sản lượng lúa bình quân của Trà Vinh 1.1-1.2 triệu tấn, dự trữ trong dân còn lớn lắm”, ông Hoàng cho biết.
Cập nhật tình thu mua xuất khẩu lúa gạo tại địa phương bà Châu Thị Lệ, Phó GĐ Sở Công thương Long An cho biết, lượng lúa của Long An hằng năm là 27 triệu tấn, Đông Xuân đã thu hoạch được 1.4 triệu tấn.
Theo dự báo ảnh hưởng lớn của hạn mặn, mất trắng trên 4.000 hecta, nhưng bù lại năng suất Đồng Tháp Mười lớn nên dự báo sản lượng vụ Đông xuân giảm 50.000 tấn.
Xuất khẩu gạo thì Long An có 24 doanh nghiệp xuất, tồn kho trên 300.000 tấn, lượng ký hợp đồng chưa giao khoảng 200.000 tấn. Chưa kể có trên 140 doanh nghiệp lượng tồn kho nhiều. Diện tích nếp của Long An chiếm 30-32% tổng diện tích gieo trồng, kho nếp còn 60.000 tấn.
Sở Công thương Long An cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét hợp đồng ký trước 24/03 thì vẫn cho xuất. Còn vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, đại diện sở Công thương Long An đồng ý với ý kiến của Đại diện sở Công thương Cần Thơ là để phân bổ các địa phương dự trữ, còn lại thì cho xuất khẩu vừa đảm bảo chống dịch, mà vẫn phát triển kinh tế xã hội.
Hiệp hội lương thực Việt Nam hiện đang quản lý 92/187 doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, với lượng tồn kho 1.55 triệu tấn. Số lượng hợp đồng xuất khẩu 1.364 triệu tấn, trong đó, số lượng giao đến hết tháng 05 theo hợp đồng là 1.185 triệu tấn, số còn lại giao trong năm 2020.