Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair (đơn vị tư vấn pháp lý cho khách hàng - nguyên đơn) cho biết, vừa đi kiện cho 1 khách hàng ở tỉnh xa bị từ chối bảo hiểm nhưng không thể kiện ở tòa án địa phương do công ty bảo hiểm gài điều khoản “nếu thương lượng không thành sẽ giải quyết tranh chấp tại tòa nơi bị đơn đặt trụ sở chính”.
Theo ông Xuân, việc đưa điều khoản này vào hợp đồng bảo hiểm gây khó cho người mua, “giúp” công ty bảo hiểm né được những tranh chấp giá trị nhỏ dưới 100 triệu đồng, bởi rất ít luật sư nhận bảo vệ thân chủ với giá trị hợp đồng thấp như vậy vì không đủ chi phí, đồng thời cho hay, Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) đã đưa điều khoản dạng này vào hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hợp đồng là do bên mua và bán bảo hiểm tự thỏa thuận, nếu bên mua bảo hiểm lơ là thì đương nhiên mất quyền. Chưa kể, điều khoản “Giải quyết tranh chấp tại toà nơi bị đơn đặt trụ sở chính” cũng thuận tiện trong việc thi hành án.
Về nguyên tắc, Điều 40 - Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án nơi bị đơn có chi nhánh phát sinh tranh chấp, nhưng vẫn phải xếp sau sự đồng thuận của 2 bên. Hợp đồng không trái luật thì ưu tiên theo hợp đồng, vì lúc này nếu nguyên đơn lựa chọn theo luật sẽ phương hại đến lợi ích của bị đơn theo hợp đồng. Do đó, có ý kiến cho rằng, vẫn có thể sửa để giải quyết tranh chấp nơi kiện tại chi nhánh nơi thực hiện hợp đồng với khách hàng bị đơn sinh sống, hoặc xảy ra sự kiện được bảo hiểm, hoặc nơi nào đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng là bên mua bảo hiểm.
Thực tế, hợp đồng bảo hiểm thường do doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn, nên trước khi đặt bút ký, bên mua bảo hiểm cần kiểm tra kỹ các điều khoản, nếu thấy có điều khoản gây bất lợi cho mình sau này thì cần thỏa thuận lại, nếu không được không nên mua và trong trường hợp này, khách hàng có thể thỏa thuận ngay từ khi ký hợp đồng về việc chọn tòa án nơi nguyên đơn cư trú/trụ sở.
Chưa kể, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có điều khoản được thay đổi quy trình nghiệp vụ (thay đổi đóng phí bảo hiểm đóng thêm, rút giá trị tài khoản hoàn lại…), nếu chỉ thông báo trên website của công ty bảo hiểm là không đủ, không thể mặc định áp dụng mà không cần thông báo bằng điện thoại, văn bản cũng như được sự đồng ý của người mua bảo hiểm.
Trước khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), nhiều ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là rất quan trọng, giúp bảo vệ lợi ích hài hòa, bình đẳng và quyền lợi hợp pháp chính đáng của người cung cấp dịch vụ bảo hiểm và người mua bảo hiểm…, nhưng cần phù hợp với Bộ luật Dân sự, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, soạn thảo rà soát kỹ dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự, tránh chồng chéo, nhất là việc bổ sung quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm tử vong... nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
Liên quan đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, có ý kiến cho rằng, nên bổ sung quy định Nhà nước phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thay vì chỉ quy định Nhà nước khuyến khích hoặc tạo điều kiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các chính sách để bảo vệ bên mua bảo hiểm đã được quy định cụ thể tại dự thảo Luật và đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều để bảo vệ bên mua tốt hơn. So với quy định cũ, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quy định về quản trị rủi ro, an toàn tài chính, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát… để bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Đây cũng là điều kiện để bảo đảm “sức khỏe” doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm tốt hơn.