Sáng kiến thiết thực
“Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn sáng kiến thiết thực của Chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển trong việc hợp tác phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng không hàng đầu trong khu vực với các tiêu chí hiệu quả, hiện đại và thân thiện với môi trường”, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tại Hội thảo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và quản lý không lưu của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao Thụy Điển phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính là công trình hạ tầng mà Chính phủ hai nước đặt nhiều kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sẽ được Quốc hội thông qua trong ít ngày tới.
Trước đó, nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019, Chính phủ Thụy Điển đã bày tỏ sự quan tâm về việc tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hàng không và dự kiến cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho lĩnh vực quản lý không lưu và Dự án sân bay Long Thành.
Long Thành không phải là dự án duy nhất mà ACV mong muốn hợp tác với các đối tác Thụy Điển. Hiện nay, ACV đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng công suất 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất (lên 50 triệu lượt khách), Nội Bài (lên 100 triệu lượt khách), nên lượng vốn cần huy động lên tới 6 - 8 tỷ USD trong 10 - 15 năm tới
- Ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc ACV
“Với quy mô vốn lên tới 16 tỷ USD khi hoàn thành toàn bộ và khoảng 4,779 tỷ USD cho giai đoạn I, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ cần tới một lượng vốn rất lớn từ bên ngoài dưới dạng vốn tín dụng và vốn huy động qua phát hành trái phiếu. Chính vì vậy, việc Thụy Điển - một đối tác truyền thống, tin cậy - đề xuất khoản tín dụng 1 tỷ USD sẽ giúp việc huy động vốn cho Dự án thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một sân bay trung chuyển có quy mô 100 triệu lượt hành khách/năm để tạo động lực phát triển ngành hàng không và du lịch, bà Ann Mawe, tân Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam hy vọng, với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm vận hành phát triển các cảng hàng không “xanh”, Thụy Điển hy vọng sẽ hỗ trợ được Việt Nam phát triển sân bay Long Thành hiệu quả và bền vững theo đúng mong muốn.
Những đối tác tiềm năng
Được biết, tham dự Hội thảo, ngoài các quan chức thuộc Đại sứ quán Thụy Điển và SEK, còn có hàng loạt doanh nghiệp hàng không và xây dựng lớn của nước bạn như SABB, ABB, Axis Communications, Volvo…
Đây đều là những đối tác có tiềm lực tài chính, có khả năng hỗ trợ, nâng tầm cho các nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là hai đơn vị đang được Chính phủ đề xuất đóng vai trò chính trong phát triển sân bay Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Ông Per Akerlind, Phó giám đốc điều hành SEK cho biết, tổ chức tín dụng này sẵn sàng cho các đơn vị được giao đầu tư cảng hàng không Long Thành và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vay khoảng 1 tỷ USD với lãi suất ưu đãi. Thậm chí, SEK có thể tài trợ tới 30% tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành.
“Với tiềm lực tài chính được xếp hạng AAA, có quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, SEK tự tin để đồng hành với các đối tác Việt Nam phát triển sân bay Long Thành trong suốt vòng đời Dự án”, ông Per Akerlind khẳng định.
Mặc dù chưa chính thức được Chính phủ giao là nhà đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, các công trình thiết yếu, các công trình dịch vụ phụ trợ - những hạng mục quan trọng nhất của sân bay Long Thành, nhưng thời gian vừa qua, ACV cũng đã thăm dò hàng loạt tổ chức tài chính quốc tế về khả năng tài trợ vốn.
Cụ thể, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản ghi nhớ (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến 5 - 5,5%/năm, thông qua các hình thức như vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; hợp đồng tín dụng xuất khẩu áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.
ACV đánh giá, khoản vay của Thụy Điển là một đề xuất có thể xem xét, do đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi (4,2%, bao gồm 1,25% phí bảo hiểm) áp dụng cho một giá trị vay lớn (1 tỷ USD), tức là ở mức tương đương hoặc tốt hơn các khoản vay mà đơn vị này đang có những bước tiếp xúc và chuẩn bị sơ hộ cho phương án huy động vốn xây sân bay Long Thành.
Ngoài việc cần phải làm rõ việc phía Thụy Điển có yêu cầu bảo lãnh Chính phủ thông qua Bộ Tài chính hay không, trong công thư gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi giữa tháng 9/2019, Đại sứ quán Thụy Điển cũng nêu một số điều kiện cho khoản vay, trong đó có việc phải sử dụng tối thiểu 30% giá trị khoản vay này để mua sắm các thiết bị, công nghệ xuất xứ Thụy Điển.
Ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc ACV, ngoài hợp tác về vốn, do sân bay Long Thành đã được định hướng phát triển thành cảng trung chuyển, đô thị sân bay, nên trong trường hợp được giao đầu tư, ACV hy vọng sẽ được tiếp cận các công nghệ hàng không thân thiện với môi trường của Thụy Điển.
Trong khi đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đánh giá cao công nghệ và kinh nghiệm điều hành, kiểm soát không lưu của các doanh nghiệp Thụy Điển, đặc biệt là SABB.
Bên cạnh công trình phục vụ quản lý bay sân bay Long Thành trị giá 137 triệu USD, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã lên kế hoạch đầu tư 6 dự án khác liên quan đến kiểm soát không lưu, điều hành bay với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
“Đây đều là những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Thụy Điển có nhiều lợi thế về công nghệ”, ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đánh giá.